Bất chấp lãi suất huy động liên tiếp giảm kể từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng cao nhất từ trước đến nay.

Lãi suất giảm vượt dự kiến, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng

Tuyết Nhung | 05/11/2023, 15:05

Bất chấp lãi suất huy động liên tiếp giảm kể từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng cao nhất từ trước đến nay.

Lãi suất huy động giảm nhanh về mức đáy giai đoạn COVID-19 nhưng tiền gửi của dân chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn duy trì mức cao, hiện vượt 6,4 triệu tỉ đồng.

Trong tháng 10.2023, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất, khi lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5,1%/năm. Ba ngân hàng còn lại gồm BIDV, VietinBank và Agribank lãi suất cao nhất cho kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/năm.

tien-gui.jpeg
Tiền gửi của dân chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn duy trì mức cao, hiện vượt 6,4 triệu tỉ đồng - Ảnh: IT

Tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm nhanh và nhiều ngân hàng áp dụng biểu lãi suất tương đương với các "ông lớn" ngân hàng.

Giới chuyên gia phân tích dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro. Thông thường, khách hàng sẽ gửi tiền khi lãi suất tiết kiệm tăng cao. Nhưng lúc này, lãi suất tiết kiệm giảm do Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành và huy động nhưng tổng tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng do nhiều nhân tố.

Đầu tiên, những khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn hơn 12 tháng để hưởng lãi suất trên 10% trước đó chưa đến kỳ đáo hạn. Nhưng yếu tố chính khiến tiền bị hút vào tiết kiệm vì các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn.

Chẳng hạn, bất động sản vẫn còn trong tình trạng đóng băng, thanh khoản kém. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mất niềm tin. Chứng khoán dù đang hấp dẫn nhưng không dễ dàng kiếm tiền như trước. Các ngành sản xuất kinh doanh mất động lực tăng trưởng do xuất khẩu yếu, cầu tiêu dùng suy giảm và người dân tiết kiệm chi tiêu.

Do đó, từ giờ đến cuối năm, dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm nhưng người dân vẫn chọn gửi ngân hàng. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi.

Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến tháng 8.2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 6,43 triệu tỉ đồng, tăng mạnh 9,68% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng vượt 6 triệu tỉ đồng, không còn bị âm như những tháng trước mà đã tăng trưởng trở lại (+1% so với cuối năm ngoái).

Như vậy, trong tháng 8, người dân có tiền nhàn rỗi đã gửi thêm gần 44.000 tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng, bất chấp thời điểm này mặt bằng lãi suất huy động đã giảm nhanh.

Cho đến thời điểm hiện nay, nhìn tổng quan mà nói, đã đạt mục tiêu đó là giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng, cũng như hỗ trợ thêm việc mở rộng đầu tư để tăng GDP trong năm nay. Đó là chia sẻ của Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú với báo chí ngày 4.11.

Phó thống đốc Tú nhìn nhận: "Lãi suất là vấn đề mà nền kinh tế quan tâm, doanh nghiệp, khách hàng, người vay tiền ngân hàng rất quan tâm. Cho đến thời điểm hiện nay, nhìn tổng quan mà nói, tôi cho rằng đã đạt mục tiêu là giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng, cũng như hỗ trợ thêm việc mở rộng đầu tư để tăng GDP trong năm nay".

Phó thống đốc phân tích, thứ nhất: "Nếu lãi suất mà chỉ nghĩ đến câu chuyện cho vay, huy động và cho vay, tức là làm sao để đảm bảo quan hệ thì huy động thấp thì sẽ cho vay thấp. Nhưng vấn đề huy động lại phụ thuộc vào lạm phát và các chỉ số khác. Vì thế, việc huy động mặc dù bây giờ đã giảm, nhưng giảm ở mức độ nào cho phù hợp. Chính vì thế lãi suất cho vay giảm ở mức độ nào cho phù hợp thì đây là một chỉ số rất cần quan tâm trong chỉ đạo điều hành phù hợp trong chỉ số kinh tế vĩ mô nói chung.

Thứ nhì, lãi suất quan hệ rất chặt với tỷ giá khi mà lãi suất tiền đồng Việt Nam quá thấp mà giá tỷ giá đang ở các mức cao, đặc biệt lãi suất ngoại tệ của các nước có ảnh hưởng đến Việt Nam, sẽ tạo ra sự chênh lệch và tình trạng đô la hóa xuất hiện cũng như là vấn đề tỷ giá có thể bị phá vỡ. Cho nên lãi suất điều hành làm sao phù hợp trong quan hệ với tỷ giá. Đây là một yếu tố rất là phức tạp và cũng phải rất cân nhắc.

Thứ ba, lãi suất còn liên quan đến rất nhiều vấn đề trong nền kinh tế, kể cả chính sách tài khóa trong phát hành trái phiếu. Những vấn đề liên quan đến huy động nguồn lực của nhà nước hay là sử dụng khoản cho vay của nhà nước nói chung, thì đây cũng là một vấn đề lớn".

Phó thống đốc Tú nhấn mạnh trong điều hành lãi suất phải đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong điều hành lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước luôn luôn dựa trên việc tính toán để tìm ra một phương án hợp lý.

"Từ đầu năm 2023 đến nay, quan điểm điều hành là vừa phù hợp với thực tiễn, vừa tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất. Ngay từ đầu năm chúng tôi cũng đã chỉ đạo, đưa thông điệp và sử dụng các công cụ để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất. Trước hết là lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần và mức giảm đến 2% cho một số các chỉ tiêu, một số mức lãi suất", ông Tú nói.

Đối với các ngân hàng thương mại, đến đầu tháng 8, mức giảm là khoảng 1% so với cuối năm 2022. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán với mức độ ảnh hưởng của kinh tế thế giới, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước trước những khó khăn kép đang tác động tới nhiều mặt để điều hành chính sách tiền tệ hướng tới đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay sẽ dưới 4,5% và hỗ trợ tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu là cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng từ 1 - 1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay theo thống kê cũng như đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới sẽ giảm khoảng 2 - 2,2%, tức là vượt hơn dự kiến và mong muốn ngay từ đầu năm với mức lãi suất giảm.

"Tất nhiên còn một số khoản cho vay trước đây, khi mà các ngân hàng thương mại huy động cao thì vẫn còn đang có thể neo cao vì độ trễ của chính sách. Để đảm bảo hài hòa các phương án tài chính của các ngân hàng thương mại khi huy động cao thì cho vay cũng tương xứng, tương đồng với nó. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, kể từ nay đến cuối năm phải tiết giảm, kể cả những lãi suất cho vay trước đây để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông Tú đề nghị.

Bài liên quan
'Big 4' ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục
Sau khi ngân hàng Vietcombank giảm mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống thấp nhất thị trường còn 5,3%/năm, ngày 11.10, ba ngân hàng còn lại trong nhóm "big 4" đồng loạt hạ lãi suất về mức này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất giảm vượt dự kiến, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng