Lượng tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế tăng, bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm từ đầu năm đến nay.

Lãi suất thấp, ngân hàng thừa tiền nhưng tiền gửi vào vẫn tăng

Sơn Lam | 26/10/2023, 14:46

Lượng tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế tăng, bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm từ đầu năm đến nay.

Người dân gửi tiền vào ngân hàng vẫn cao

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu về tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế.

Trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng gần 44.000 tỉ đồng. Tính chung 8 tháng, tiền do dân gửi tại hệ thống ngân hàng lên hơn 6,4 triệu tỉ đồng, tăng gần 9,7% so với đầu năm, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Theo NHNN, tính đến ngày 30.9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) đạt khoảng 12,9 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022. Còn về cho vay, 9 tháng, tăng trưởng tín dụng mới chỉ hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch, ước tăng khoảng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022 với tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỉ đồng.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng nhận định nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29.9.2023 chỉ tăng 6,92%.

huan-2.jpeg
Tính chung 8 tháng, tiền gửi người dân tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,4 triệu tỉ đồng

Có thể thấy, lượng tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế tăng bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Đà giảm từ tháng 4 khiến lãi suất hiện đã xuống đáy, thấp hơn cả giai đoạn bị dịch COVID-19.

Vì sao ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp khát vốn?

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp do cầu tín dụng giảm và sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế khó khăn.

Theo đó, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh của người dân, DN giảm tương ứng. Điều này cũng có nguyên nhân từ việc kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng toàn cầu thấp, chính sách tiền tệ thắt chặt, đơn hàng sụt giảm… kéo theo sự suy giảm của DN trong nước.

Về tiêu dùng, trong những tháng đầu năm 2023, cầu tiêu dùng có xu hướng thắt chặt. Ngoài ra, ảnh hưởng từ thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, giảm đơn hàng… khiến số lượng lao động mất việc tăng lên cũng dẫn tới sụt giảm cầu tiêu dùng. 

Một nguyên nhân nữa là một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay, nhất là DN vừa và nhỏ. Việc tiếp cận tín dụng của nhóm này hạn chế bới quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị, điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, thông tin tài chính còn thiếu minh bạch…

adb-1.jpeg
Tín dụng bất động sản tăng thấp

Cũng theo báo cáo, tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế, nên khi tín dụng BĐS tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm, tín dụng BĐS chỉ tăng 4,99%. Trong đó dư nợ kinh doanh BĐS trong 7 tháng đầu năm đã tăng trưởng (18,95% ) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%).

Đây là mức tăng trưởng rất cao, gấp hơn 4 lần tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS lại giảm.

“Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường sụt giảm”, báo cáo nêu và chia sẻ thêm, trong bối cảnh khó khăn chung, mua nhà ở chưa phải là nhu cầu ưu tiên. Đặc biệt là nguồn thu nhập của khách hàng mua nhà ở bị sụt giảm do kinh tế xấu đi.

Một nguyên nhân nữa là sau thời gian khó khăn, mức độ rủi ro của DN bị đánh giá cao hơn nên các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn trong quyết định cho vay, do không được hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Không nên hạ chuẩn tín dụng

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM - UEH) chia sẻ việc ngân hàng thừa tiền còn doanh nghiệp lại khát vốn cho thấy cung và cầu tín dụng không gặp nhau. Những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì lại không đáp ứng được các điều kiện vay vốn hiện tại, như tài sản đảm bảo không đủ.

Theo ông Huân, chính sách tiền tệ thay đổi trạng thái khá nhanh từ việc liên tục giảm lãi suất nhanh và mạnh của NHNN. Điều này thể hiện quyết tâm của NHNN muốn vực dậy nền kinh tế nhưng cũng dấy lên lo ngại về việc có quá nhiều tiền trong hệ thống thì liệu nền kinh tế có sức cầu đang yếu có thể hấp thụ hết hay không? Hệ quả như chúng ta thấy là tình trạng dư thừa vốn hiện nay tại các ngân hàng thương mại và điều này làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ.

“Chính sách tiền tệ không phải cây đũa thần, và cần có độ trễ để thực thi. Việc thắt chặt hoặc nới lỏng quá nhanh rất dễ gây ra các cú sốc, tác dụng phụ cho nền kinh tế. Thậm chí, trong trường hợp nền kinh tế có hấp thụ hết lượng vốn trên thì nguy cơ lạm phát và tỷ giá là điều sẽ phải đối mặt”, ông Huân nêu.

huan.jpeg
TS Nguyễn Hữu Huân

Cũng theo ông Huân, do tình hình khó khăn nên việc chứng minh khả năng trả nợ của DN cũng ảnh hưởng khi mà dòng tiền liên tục giảm ở thời điểm hiện tại. Do vậy, ngân hàng muốn cho vay nhưng về mặt quản lý rủi ro thì họ không thể vì nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng.

Có chung nhận định, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng không thể hạ thấp điều kiện cho vay, nếu không ngân hàng rất dễ gặp rủi ro, có thể dẫn đến sụp đổ hệ thống theo hiệu ứng domino.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho rằng vấn đề tín dụng hiện nay không thể giải quyết bằng ý chí của một bên mà các bên cùng phải lắng nghe, đứng vào vị trí của nhau để cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

“Các ngân hàng cũng là một DN nên khi cảm thấy yên tâm về sức khỏe của người đi vay thì họ chắc chắn sẽ không từ chối. Việc lựa chọn khẩu vị rủi ro là quyền của các ngân hàng. Do vậy, khó khăn của DN không thể hoàn toàn quy chụp cho các ngân hàng. Mấu chốt của giải pháp là khai thông thị trường, kích thích tiêu dụng, nhất là tiêu dùng trong nước”, ông Thân nói.

Bài liên quan
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng
Ngày 21.11, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất thấp, ngân hàng thừa tiền nhưng tiền gửi vào vẫn tăng