Đài Channel News Asia chỉ ra “kinh tế bạc”, “kinh tế băng tuyết”, “kinh tế ra mắt” đang dần trở thành 3 mô hình tiêu dùng sáng giá của kinh tế Trung Quốc.
Quốc tế

3 mô hình tiêu dùng sáng giá của kinh tế Trung Quốc

Cẩm Bình 05/04/2025 14:39

Đài Channel News Asia chỉ ra “kinh tế bạc”, “kinh tế băng tuyết”, “kinh tế ra mắt” đang dần trở thành 3 mô hình tiêu dùng sáng giá của kinh tế Trung Quốc.

“Kinh tế bạc” ý chỉ sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi ngày càng nhiều. “Kinh tế băng tuyết” là hoạt động thể thao lẫn du lịch mùa đông với giá trị dự kiến vượt quá 1,2 nghìn tỉ Nhân dân tệ (165 tỉ USD) trong năm nay. Còn “kinh tế ra mắt” chính là ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cửa hàng cao cấp để tác động đến xu hướng tiêu dùng qua đó thúc đẩy chi tiêu.

Giới chuyên gia cho biết 3 mô hình tiêu dùng trên nhắm đến đối tượng và ngành nghề khác nhau, mỗi mô hình lại gặp trở ngại riêng nhưng về lâu dài thì đều hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng tổng thể nhằm củng cố nền kinh tế. Theo nhà phân tích Vương Vũ Hùng (Đại học Tài chính và Kinh tế trung ương Trung Quốc): “Chúng phản ánh nhu cầu mới từ bối cảnh kinh tế - xã hội không ngừng thay đổi của Trung Quốc. 3 mô hình giao thoa theo nhiều cách khác nhau. Doanh thu cùng thành công trong vài năm gần đây đã chứng minh cho tiềm năng tăng trưởng của chúng”.

Ông nói thêm rằng do là các mô hình mới nổi nên chúng đều phải đối mặt thách thức. “Kinh tế bạc” gặp khó về thiếu thốn cơ sở hạ tầng phù hợp người cao tuổi, tiêu chuẩn dịch vụ, sản phẩm chưa phù hợp với nhóm dân số già. “Kinh tế băng tuyết” cần mở rộng nền tảng người tiêu dùng thông qua khuyến khích mọi người chơi các môn thể thao mùa đông nhiều hơn. “Kinh tế ra mắt” đòi hỏi phải phát triển hơn nữa hệ sinh thái đổi mới phía cung, đặc biệt về mặt hỗ trợ tài chính, vốn đầu tư mạo hiểm và vốn dài hạn.

“Kinh tế bạc”

Dân số già hóa thúc đẩy “kinh tế bạc” bùng nổ. Nhu cầu với sản phẩm, dịch vụ và cơ sở phục vụ người cao tuổi ngày càng tăng. Ngành này hiện trị giá 7 nghìn tỉ tệ, dự kiến năm 2035 đạt 30 nghìn tỉ.

Đến cuối năm 2024, Trung Quốc có hơn 300 triệu người từ 60 tuổi trở lên – chiếm khoảng 1/5 (22%) dân số. Giới chuyên gia dự đoán đến năm 2035 nhóm dân số già sẽ tăng đến 400 triệu – chiếm hơn 30% dân số.

screenshot-2025-04-05-110231.png
Dân số già hóa thúc đẩy “kinh tế bạc” bùng nổ - Ảnh: CNA/Hu Chushi

Khi người cao tuổi nhanh chóng trở thành trụ cột tài chính quan trọng với sức mua ngày càng tăng, phát triển “kinh tế bạc” trở thành ưu tiên. Doanh nghiệp lập tức nắm bắt cơ hội kiếm tiền.

“Người cao tuổi là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ phép màu kinh tế Trung Quốc. Họ sẵn sàng chi tiêu cho chính mình lẫn con cái. Mặc dù lao động nghỉ hưu có tiền cùng thời gian để chi tiêu, nhưng đôi lúc họ khó tìm được sản phẩm hay trải nghiệm thực sự hấp dẫn họ”, nhà kinh tế Hứa Thiên Thìn (tổ chức Economist Intelligence Unit) chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Dân chính Trung Quốc Lục Trị Nguyên, các dịch vụ phải bao phủ toàn bộ nhóm dân số già chứ không phải chỉ nhắm vào người không thu nhập, người neo đơn hay người không có khả năng làm việc. Ông cho biết chính phủ Trung Quốc đang mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi lẫn chính sách bảo trợ xã hội, chuyển từ cung cấp dịch vụ phúc lợi cơ bản sang dịch vụ toàn diện hơn.

Nền tảng dữ liệu kinh doanh Trung Quốc Qichacha ghi nhận hiện tại có 510.000 doanh nghiệp liên quan đến “kinh tế bạc”. Chỉ tính riêng năm 2024 đã có 83.000 doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đăng ký hoạt động.

Nhiều thành phố như Thượng Hải rất cố gắng cải thiện dịch vụ và điều kiện sống của cư dân cao tuổi, ra mắt nhiều dịch vụ cùng sản phẩm trực quan đồng thời phát triển hệ thống chăm sóc chất lượng cao.

Công ty khởi nghiệp công nghệ Supermate Intelligent Technology (Thượng Hải) đang hợp tác cùng một nhóm từ Đại học Quốc gia Singapore phát triển thú nhồi bông tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có thể bầu bạc với người cao tuổi neo đơn. Sản phẩm tập trung vào thiết lập tình bạn, triển khai liệu pháp tâm lí, phục hồi chức năng nhận thức và giao tiếp với người cùng thông qua ứng dụng, sử dụng giọng nói quen thuộc chẳng hạn giọng của thành viên trong gia đình.

Hoạt động giải trí cũng là cơ hội kinh doanh đặc biệt sinh lời do ngày càng nhiều lao động nghỉ hưu tìm kiếm những cách mới mẻ và bổ ích để giết thời gian. Karaoke ngày càng được người cao tuổi Trung Quốc ưa chuộng. Người cao tuổi ở Thượng Hải thường đăng ký gói karaoke, một số gói gồm 2 bữa ăn kèm quyền sử dụng phòng hát riêng với giá chỉ hơn 100 tệ.

Số khác thích viết hồi ký cá nhân nhằm truyền lại trải nghiệm của bản thân cho thế hệ sau, thậm chí thuê cả nhà văn chuyên nghiệp giúp thực hiện. Doanh nhân He Shuyue (tỉnh Quảng Đông) lập tức nắm bắt cơ hội bằng các thành lập công ty viết hồi ký sử dụng công cụ AI. Ông chia sẻ: “Nền kinh tế bạc Trung Quốc đang cất cánh nên tôi cân nhắc chuyện khởi nghiệp ở lĩnh vực này. Vào cuối đời mọi người thường suy ngẫm về việc thấy tự hào về thành tựu hay hối tiếc về quá khứ. Viết hồi ký - theo cách nào đó - hoàn thành tâm nguyện của họ”.

Giảng viên Đại học Quản trị Singapore Lee Kok How nhận định đầu tư “kinh tế bạc” vừa là điều bắt buộc về mặt kinh tế vừa là trách nhiệm xã hội đối với Trung Quốc: “Chính sách cải thiện chăm sóc sức khỏe, phát triển sản phẩm hân thiện với người cao tuổi và đáp ứng nhu cầu của lao động nghỉ hưu sẽ thúc đẩy chi tiêu”.

“Kinh tế băng tuyết”

Khi doanh nhân người Canada Guy J.E.Cloutier lần đầu đến Trung Quốc năm 1997, các cơ sở thể thao mùa đông chủ yếu chỉ có vận động viên lui tới và nằm ẩn mình ở Bắc Kinh hoặc vùng đông bắc lạnh giá.

Ngày nay ông nhìn thấy bức tranh hoàn toàn khác: “Mọi tỉnh thành lớn đều có cơ sở như vậy. Sân trượt băng trong trung tâm thương mại lẫn khu nghỉ dưỡng trượt tuyết gần như hiện diện khắp nơi”. Doanh nhân Cloutier sở hữu hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành, từng phụ trách thiết kế sân trượt băng thương mại đầu tiên của Trung Quốc tại Bắc Kinh.

“Chúng ta có thể nói rằng hiện tại có một nền kinh tế thực sự xoay quanh thể thao mùa đông được phát triển cho hàng triệu người thuộc mọi lứa tuổi. Chúng tôi cũng bắt đầu nhìn thấy sự phát triển từ cấp cơ sở với nhiều chương trình ở trường học. Tôi nghĩ 10 - 15 năm tới kinh tế băng tuyết Trung Quốc sẽ khó bị đánh bại”, ông nói thêm.

Giới quan sát cũng nhận định “kinh tế băng tuyết” đang phát triển mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu đạt tổng quy mô thị trường 1,5 nghìn tỉ tệ vào năm 2030. Cơ sở hạ tầng sẽ tốt hơn và dịch vụ được nâng cao.

screenshot-2025-04-05-110358.png
Sân trượt băng trong trung tâm thương mại China World Mall (Bắc Kinh) dùng băng thật - Ảnh: Guy J.E.Cloutier

Dù cho biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao lẫn mùa đông ngắn hơn, hoạt động thể thao lẫn du lịch mùa đông không còn giới hạn ở địa phương băng giá như Cáp Nhĩ Tân nữa. Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Thượng Hải, Thẩm Quyến đủ sức đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ từ công chúng.

Huấn luyện viên trượt tuyết Lorraine Lam cho biết ngành thu hút sự chú ý khi Trung Quốc giành được quyền đăng cai Olympic mùa đông 2022. Hiện tại hầu như ai cũng có kỹ năng trượt tuyết cơ bản.

Nhằm khuyến khích du lịch mùa đông phát triển, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố: “Non xanh nước biếc là tài sản vô giá, băng tuyết cũng vậy”. Kể từ lúc bước vào mùa đông từ tháng 11 năm ngoái các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên cả nước đón hơn 190 triệu lượt khách – tăng 23 phần trăm so với cùng kỳ năm trước đó. Danh sách nghề nghiệp chính thức năm 2024 bổ sung 6 công việc liên quan đến thể thao mùa đông, chẳng hạn chuyên gia sửa ván trượt, người lập kế hoạch đường trượt, kỹ thuật viên trượt ván.

Nhà phân tích Vương Đán (công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group) cho biết “kinh tế băng tuyết” trực tiếp nhắm đến tầng lớp trung lưu lẫn chi tiêu theo vùng. Khách du lịch nước ngoài cũng góp phần hỗ trợ đà phát triển. Giới chức Trung Quốc dự đoán trong năm nay ngành sẽ đem lại 630 tỉ tệ doanh thu.

Theo Báo cáo Dự báo du lịch trượt tuyết 2024 - 2025 do Học việc Du lịch và Giải trí thể thao thuộc Đại học Thể thao Bắc Kinh cùng công ty Công nghệ Văn Huyên thuộc China Telecom công bố tháng 2, toàn Trung Quốc có tổng cộng 59 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trong nhà. Phần lớn tập trung phía nam, là mô hình kinh doanh du lịch hoàn chỉnh chứ không chỉ đem sườn dốc trượt tuyết đơn điệu.

Hiện tại “kinh tế băng tuyết” còn mất cân bằng theo khu vực, nhu cầu vẫn chịu ảnh hưởng từ thời tiết. Tuy nhiên đại diện khu nghỉ dưỡng L+Snow tin tưởng khi nhiều cơ sở trược tuyết trong nhà mở cửa hơn, hoạt động thể thao lẫn du lịch mùa đông sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi địa lý hay thời tiết nữa.

“Kinh tế ra mắt”

Nhu cầu tìm kiếm thứ mới mẻ cộng thêm xu hướng thúc đẩy “kinh tế ra mắt” ra đời. Nhà phân tích Vương cho biết: “Thành công của nó có thể được theo dõi thông qua số lượng cửa hàng cao cấp, số sự kiện ra mắt sản phẩm, triển lãm công nghệ cũng như đổi mới mang tính bước ngoặt như sự trỗi dậy của “Lục tiểu long” ở Hàng Châu (6 công ty khởi nghiệp công nghệ DeepSeek, Game Science, Unitree, DeepRobotics, BrainCo, ManyCore)”.

Tháng 12 năm ngoái, tại Quảng Châu có thêm trung tâm thương mại Canton Tower Plaza với hơn 80 cửa tiệm bán hàng xa xỉ, nhà hàng sang trọng cùng nhiều dịch vụ trải nghiệm. Trung tâm thu hút 310.000 khách ngay ngày khai trương và hơn 800.000 khách trong 3 ngày đầu tiên, thu về hơn 12 triệu tệ. Lượng khách hàng ngày vào khoảng 40.000 - 60.000, dịp lễ tăng lên 80.000 - 100.000, dịp đặc biệt như năm mới đạt đỉnh gần 280.000.

Theo nhà phân tích Vương: “Trong lĩnh vực tiêu dùng, thực ra chính nguồn cung quyết định nhu cầu. Mô hình “kinh tế ra mắt” đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa hệ sinh thái đổi mới phía cung, đặc biệt về hỗ trợ tài chính, vốn đầu tư mạo hiểm và vốn dài hạn”.

screenshot-2025-04-05-110608.png
Nhu cầu tìm kiếm thứ mới mẻ cộng thêm xu hướng thúc đẩy “kinh tế ra mắt” ra đời - Ảnh: Reuters/Tingshu Wang

Công ty khởi nghiệp công nghệ sinh thái trong nhà Đồng Hòa (Thẩm Quyến) chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên trong vòng 2 năm tới. Tổng giám đốc Lý Hách Thần cho biết họ xem “kinh tế ra mắt” là yếu tố xúc tác chính thúc đẩy ngành bán lẻ phát triển: “Nó đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, mở ra tiềm năng chi tiêu mới cũng như trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng”.

Doanh nghiệp, thương hiệu, cửa hàng đủ điều kiện ở Thẩm Quyến đều có quyền nhận trợ cấp lên đến 1 triệu tệ, đủ trang trải 50% chi phí đầu tư (tiền thêu mặt bằng hay tiền cải tạo cửa tiệm). Công ty Đồng Hòa muốn tận dụng chính sách này.

Tại Thượng Hải, chính quyền địa phương treo thưởng 1 triệu tệ cho thương hiệu hay doanh nghiệp toàn cầu nào muốn mở cửa hàng đầu tiên ở Châu Á. Trợ cấp cho doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước của thành phố Quảng Châu lên đến 3 triệu tệ.

Nhưng giới chuyên gia khuyến cáo tăng trưởng dựa vào bên cung có giới hạn. Mô hình “kinh tế ra mắt” hiện chỉ nhắm vào đối tượng Gen Z (sinh ra trong khoảng thời gian 1997 - 2012) là nhóm dân số chiếm tỉ lệ nhỏ. Tháng 8 năm ngoái ngân hàng Trung Quốc công bố báo cáo mô tả tình trạng cạnh tranh gay gắt, tại các thành phố đầy thương hiệu tương tự. Sự bão hòa và đa dạng hóa khá hạn chế đem đến nguy cơ chi tiêu cùng tăng trưởng dài hạn không cao. Báo cáo xác định khả năng trụ lại của cửa hàng bán lẻ mới ra mắt chỉ khoảng 72,8%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng nghiêm khắc phê bình 19 bộ, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công
1 giờ trước Tài chính và đầu tư
Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình 19 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương đến ngày 15.3.2025 chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 đã được giao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 mô hình tiêu dùng sáng giá của kinh tế Trung Quốc