Lực lượng Cảnh sát giao thông CATP.HCM vừa ra quân thực hiện cao điểm 50 ngày đêm kiểm tra, xử phạt các lỗi vi phạm có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).
Đã có một cái Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 thật bình an, người dân phấn khởi và tiếp tục đặt hi vọng, vào hai kỳ nghỉ lễ dài ngày trong tháng 4 cũng thật an toàn: Giỗ tổ Hùng Vương và kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Người lớn đừng làm “gương” xấu cho trẻ
Đáng mừng khi bên cạnh việc tiếp tục tuyên chiến với “ma men lái xe”, tình trạng vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, xe chở khách dừng đón trả khách sai quy định…, ngành chức năng cũng chú trọng đến kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông (ATGT).
Có thể nói vi phạm nồng độ cồn đã giảm rất sâu, nhiều hành vi khác cũng giảm thấy rõ. Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với các biện pháp mạnh, song vẫn còn không ít trường hợp "rất khó coi" ở một số phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông.
Khi chúng ta ra đường vào giờ cao điểm buổi sáng và lúc tan trường, rất dễ gặp những phụ huynh chở hai hoặc ba người; học sinh đi xe gắn máy và không đội mũ bảo hiểm. Đây không thể biện hộ do “quên” hoặc gần nhà mà như vậy, chỉ có thể khẳng định là sự cố ý, xem thường pháp luật. Một vài người lớn chở con phóng vun vút trên đường, cả hai đều đầu trần lại còn vượt đèn đỏ.
Tính mạng của bản thân và con cái của mình mình còn xem nhẹ, thì không thể mong chờ họ giữ gìn sự an toàn cho những người khác.
Vẫn tái diễn cảnh cha mẹ giao xe gắn máy cho con tự đi học, dù con chưa đủ tuổi. Nhiều trường hợp bị xử lý với mức phạt tổng cộng cho cả người lớn và học sinh lên đến 9,5 triệu đồng, cũng chưa thể khiến họ rút ra bài học. Sâu xa hơn, khi con cái điều khiển xe gây tai nạn, tai họa không chỉ giáng xuống chính gia đình này, mà còn có cả những người vốn vô can, bỗng dưng bị vạ lây.
Không chỉ phạt hành chính, gần hai năm nay, CATP.HCM cũng đã thực hiện gửi thông báo về nhà trường, đối với những học sinh vi phạm ATGT, để các trường xếp loại hạnh kiểm. Điều này cả phụ huynh lẫn học sinh đều biết song vẫn làm ngơ. Tâm lý mặc kệ cho hên - xui, “trời kêu ai nấy dạ” vẫn tồn tại, thì chưa thể có kết quả như mong đợi.
Thuốc mạnh, liều cao, điều trị lâu dài
Nhìn về khía cạnh xã hội, sẽ không công bằng vì đại đa số người dân thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc các quy định khi tham gia giao thông, còn một vài “con sâu” lại làm rầu nồi canh. Ra đường bất tuân luật lệ, thói xấu cứ thấy khe hở là “điền vào chỗ trống”, nhận thấy phía trước hơi ùn ứ liền phóng xe lên vỉa hè, khiến cho bức tranh giao thông hỗn loạn.
Lực lượng chức năng với quân số mỏng, phải quán xuyến một địa bàn rộng lớn của thành phố đông dân nhất nước (sắp tới có thể đông hơn nữa). Tạo nên chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây đã là đáng ghi nhận. Muốn duy trì được tính lâu dài, ổn định, cần cả cộng đồng chung tay. Bớt đi cái “tôi” cá nhân ích kỷ, bớt đi thói hư tật xấu trên đường, bớt cả thói ngông nghênh, “hổ báo, cáo chồn” mới thu được kết quả tốt.
Không phải vô cớ mà nhiều người phải chua chát nhận xét: “Cứ nhìn vào hành vi của mỗi học sinh khi tham gia giao thông (kể cả đi bộ), cũng đoán biết sự quan tâm giáo dục của gia đình đến đâu, cha mẹ làm gương thế nào? Đánh giá chính xác một người chưa quen biết, cũng chỉ cần quan sát cách họ điều khiển phương tiện giao thông lúc đông đúc, kẹt xe”.
Mức phạt, chế tài liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực ATGT, đã được nghị định 168 điều chỉnh theo hướng đủ “rén”, nghiêm khắc hơn. “Thuốc” đã đủ mạnh để trị những căn bệnh mãn tính, vốn được xem là khó chữa trước đây. Vì vậy, dư luận mong muốn không chỉ cao điểm 50 ngày hay dài hơn nữa, mà rất cần hiện diện thường xuyên, trở thành chuyện thường ngày trong đời sống xã hội.
Phạt nóng, phạt nguội, phạt từ các camera “chạy bằng cơm”. Vận dụng tối đa những phương tiện, nhân lực đang có, chắc chắn những hành vi sai trái không có chỗ dung thân. TP.Hà Nội vừa thông báo địa chỉ của 19 điểm tiếp nhận thông tin phạt nguội, đối với các lỗi vi phạm giao thông. Rất mong cách làm sáng tạo này sẽ nhân rộng trên cả nước.
“Điểm sáng” hiện nay chính là nhiều trường học, đang nỗ lực phối hợp cùng ngành chức năng tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên. Cô Nguyễn Thị Hồng An - Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú, TP.Thủ Đức chia sẻ với Tạp chí Một Thế Giới: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức sinh hoạt nội dung ATGT vào tiết chào cờ đầu tuần. Đồng thời, các giáo viên chủ nhiệm luôn quan tâm nhắc nhở học sinh, chấp hành đúng những qui tắc an toàn khi tham gia giao thông”.
Còn em Nguyễn Minh Trí, đang học lớp 12 - Trường THPT Nguyễn Hữu Huân tâm sự: “Chúng em nhận thấy rằng cần có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh cho nhà trường. Các thầy cô luôn giáo dục học sinh tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông, cũng là cách tự bảo vệ mình và người khác”.
Cùng với đó, các lĩnh vực khác cũng nên ra quân quyết liệt, lập lại kỷ cương phép nước. Vỉa hè bị lấn chiếm nhưng phải chờ lên mặt báo mới được “hỏi thăm”. Rác xả đầy kênh rạch đến nước cũng không chảy được, khiến hàng ngàn tình nguyện viên phải khổ sở vớt rác. “Cần thủ” câu cá tại những nơi cấm câu chưa xử lý triệt để, nay lại còn xuất hiện “ná thủ”. Phục vụ cho lợi ích cộng đồng đang cần nhiều sáng kiến kinh nghiệm, không ai muốn thấy những “tối kiến” làm hại lợi ích chung.