Theo nghiên cứu mới của Giảng viên cao cấp về Kinh tế Timothy Neal thuộc Viện Rủi ro và Ứng phó Khí hậu, UNSW Sydneyvà các đồng nghiệp, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho nền kinh tế thế giới đang bị đánh giá thấp rất nhiều, đặc biệt khi tính đến phạm vi toàn cầu của thời tiết khắc nghiệt và hậu quả của nó.
Kiến thức - Học thuật

Trái đất nóng thêm 3°C , thu nhập của chúng ta sẽ bốc hơi 40%

Anh Tú 07:53 05/04/2025

Theo nghiên cứu mới của Giảng viên cao cấp về Kinh tế Timothy Neal thuộc Viện Rủi ro và Ứng phó Khí hậu, UNSW Sydneyvà các đồng nghiệp, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho nền kinh tế thế giới đang bị đánh giá thấp rất nhiều, đặc biệt khi tính đến phạm vi toàn cầu của thời tiết khắc nghiệt và hậu quả của nó.

Cho đến nay, các dự báo về cách biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu nhìn chung mới chỉ cho thấy tác hại từ nhẹ đến trung bình. Điều này dẫn đến việc các quốc gia vẫn thiếu khẩn trương và quyết tâm trong các nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, các mô hình dự báo đang dùng thường có một sai sót cơ bản - chúng cho rằng nền kinh tế quốc gia chỉ bị ảnh hưởng bởi thời tiết ở quốc gia đó. Bất kỳ tác động nào từ các sự kiện thời tiết ở nơi khác, chẳng hạn như lũ lụt ở một quốc gia ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực cho quốc gia khác, đều không được đưa vào các mô hình.

Nghiên cứu mới của nhóm Timothy Neal tìm cách khắc phục điều này. Sau khi đưa các hậu quả toàn cầu của thời tiết khắc nghiệt vào các mô hình mới, họ nhận thấy tác hại dự kiến ​​đối với GDP toàn cầu trở nên tồi tệ hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở mọi quốc gia trên Trái đất.

Thời tiết gây sốc ở khắp mọi nơi, cùng một lúc

Hiện tượng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế theo nhiều cách. Thiệt hại rõ ràng nhất là do thời tiết cực đoan. Hạn hán có thể gây ra tình trạng mất mùa, trong khi bão và lũ lụt có thể gây ra sự tàn phá trên diện rộng và làm gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa. Nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng các đợt nắng nóng, trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đã góp phần gây ra lạm phát giá lương thực.

Nhiệt độ cao cũng khiến người lao động kém năng suất hơn. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nó còn góp phần lây truyền bệnh tật và có thể gây ra tình trạng di cư và xung đột hàng loạt.

Hầu hết các nghiên cứu trước đây dự đoán rằng ngay cả khi nhiệt độ tăng lên 4°C cũng chỉ có tác động tiêu cực nhẹ đến nền kinh tế toàn cầu vào cuối thế kỷ 21, cụ thể là từ 7% đến 23%. Mô hình hóa như vậy thường dựa trên tác động của các cú sốc thời tiết trong quá khứ. Tuy nhiên, những cú sốc này thường chỉ giới hạn ở quy mô địa phương hoặc một khu vực và được điều chỉnh bù đắp từ nơi khác.

Ví dụ, trước đây, Nam Mỹ có thể bị hạn hán, nhưng các khu vực khác trên thế giới lại có lượng mưa tốt. Vì vậy, Nam Mỹ có thể dựa vào việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia khác để bù đắp tình trạng thiếu hụt trong nước và ngăn chặn giá lương thực tăng đột biến.

Nhưng biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các cú sốc thời tiết đồng thời trên các quốc gia và dai dẳng hơn theo thời gian. Điều này sẽ phá vỡ các mạng lưới sản xuất và phân phối hàng hóa, gây tổn hại đến thương mại và hạn chế mức độ các quốc gia có thể hỗ trợ nhau.

Thương mại quốc tế là nền tảng của sản xuất kinh tế toàn cầu. Vì vậy, nghiên cứu của nhóm Timothy Neal đã xem xét cách tăng trưởng kinh tế trong tương lai của một quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết ở mọi nơi khác trên thế giới.

Nhóm Timothy Neal đã tìm thấy gì?

Một điều rõ ràng ngay lập tức: một năm ấm áp trên khắp hành tinh khiến tăng trưởng toàn cầu thấp hơn. Họ đã hiệu chỉnh ba mô hình hàng đầu để tính đến tác động của thời tiết toàn cầu đối với nền kinh tế quốc gia, sau đó tính trung bình kết quả của chúng. Phân tích của họ tập trung vào GDP bình quân đầu người toàn cầu - nói cách khác là lấy tổng sản lượng kinh tế của thế giới chia cho dân số.

Nhóm của Timothy Neal phát hiện ra rằng nếu Trái đất nóng lên hơn 3°C vào cuối thế kỷ, thì thiệt hại ước tính đối với nền kinh tế toàn cầu tăng vọt từ mức trung bình 11% (theo các giả định mô hình trước đó) lên 40% (theo các giả định mô hình của nhóm Timothy Neal). Mức thiệt hại này có thể tàn phá cuộc sống ở nhiều nơi trên thế giới.

Các mô hình tính toán trước đây đã khẳng định rằng nền kinh tế ở các vùng lạnh giá trên thế giới, chẳng hạn như Nga và Bắc Âu, sẽ được hưởng lợi từ nhiệt độ toàn cầu ấm hơn. Tuy nhiên, nhóm Timothy Neal thấy tác động lên nền kinh tế toàn cầu quá lớn khiến tất cả các quốc gia đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đừng nghĩ lợi trước mắt

Giảm phát thải dẫn đến chi phí kinh tế ngắn hạn. Những chi phí này phải được cân bằng với lợi ích dài hạn của việc tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm. Mô hình kinh tế gần đây cho thấy sự cân bằng này sẽ đạt được bằng cách giảm phát thải ở mức cho phép Trái đất nóng lên 2,7°C.

Con số này gần với quỹ đạo nóng lên hiện tại của Trái đất. Nhưng con số này cao hơn nhiều so với các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris và giới hạn nóng lên toàn cầu do các nhà khoa học khí hậu khuyến nghị.

Đáng tiếc, con số này cũng dựa trên các giả định sai lầm được thảo luận ở trên. Theo nghiên cứu mới của nhóm Timothy Neal, mức nóng lên toàn cầu tối ưu, cân bằng giữa chi phí ngắn hạn với lợi ích dài hạn là 1,7°C. Về cơ bản, mức này phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng nhất của Thỏa thuận chung Paris.

Nghiên cứu mới của nhóm Timothy Neal cho thấy các dự báo trước đây về cách Trái đất nóng lên ở thang cũ sẽ ít ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, đã quá lạc quan. Nghiên cứu mới của họ bổ sung thêm bằng chứng gần đây khác cho thấy hậu quả kinh tế của biến đổi khí hậu đã bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng.

Rõ ràng, quỹ đạo phát thải hiện tại của Trái đất đang gây nguy hiểm cho tương lai của chúng ta và cả con cháu chúng ta sau này. Nhân loại càng sớm nắm bắt được những thảm họa sắp xảy ra do biến đổi khí hậu, chúng ta càng sớm có thể thay đổi hướng đi để tránh nó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump
8 giờ trước Sự kiện
Tối 4.4.2025, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái đất nóng thêm 3°C , thu nhập của chúng ta sẽ bốc hơi 40%