Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 2 lần trong năm nay. Nếu dung hòa được chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Bao giờ mới giảm lãi suất cho vay?

Tuyết Nhung | 14/05/2023, 17:37

Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 2 lần trong năm nay. Nếu dung hòa được chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Việc giảm lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước được nhận định là bước đi cần thiết để tăng khả năng tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các mức lãi suất điều hành đã giảm từ 0,3 - 1%/năm. Nhiều ý kiến nhận định, mặt bằng lãi suất còn dư địa giảm thêm trong năm nay.

lai-suat-cho-vay.jpeg

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã nhập cuộc đua giảm lãi suất huy động, mở ra kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới và tín dụng sẽ tăng, giảm sức ép cho doanh nghiệp và người vay vốn.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân 1 - 1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng tại các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,5 - 2%. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất tiền gửi mới bình quân là 6 - 6,1%/năm. Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng đã giảm theo, song mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn cao.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực dự báo từ nay đến cuối năm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất nữa sau 10 lần tăng nhanh lãi suất lên mức kỷ lục kể từ năm 2007. Nếu tình hình kinh tế xấu đi, khả năng lãi suất sẽ đảo chiều giảm từ đầu năm 2024. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo chỉ có một lần tăng lãi suất nữa. Do đó, dự báo lãi suất sẽ đi ngang đến cuối năm 2023.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đi trước một bước khi giảm lãi suất điều hành về mức 5,5% trong tháng 3.2023 và thị trường đang kỳ vọng lãi suất này tiếp tục giảm về mức 4% trong năm 2025, tức là trở lại mức thấp tương đương như trước đại dịch COVID-19.

Theo ông Lực, lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tổ chức tín dụng còn yếu kém do đó lãi suất còn cao. Tuy nhiên, nếu dung hòa được chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý 2/2023. "Chúng ta còn dư địa để giảm lãi suất trong bối cảnh áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý 4/2022", TS Lực nói.

TS Cấn Văn Lực nhận định, năm 2023, nhờ nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ kiều hối, giải ngân FDI ổn định, tâm lý găm giữ đồng USD giảm đáng kể khi lãi suất đồng VNĐ cao hơn so với đồng USD, thu hút người gửi tiền chuyển tiết kiệm sang tiền VNĐ... Ngân hàng Nhà nước đã mua ngoại tệ giúp gia tăng dự trữ ngoại hối. Do đó, áp lực tỷ giá trong năm 2023 sẽ vơi đi.

Theo vị chuyên gia này, chính sách tiền tệ nên chuyển trạng thái từ chặt chẽ thận trọng sang nới lỏng thận trọng để hỗ trợ tăng trưởng, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, cơ cấu lại nợ; đồng thời hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý 2, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cho rằng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.

Theo khảo sát mới đây của Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước), các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống sẽ tiếp tục giảm nhẹ 0,08 - 0,1 % trong quý 2/2023 và giảm thêm 0,19 - 0,34% trong cả năm 2023.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 tháng đầu năm nay, thanh khoản tại các hệ thống tín dụng đã được cải thiện, tỷ giá tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước rất muốn giảm lãi suất điều hành, nhưng giảm đến mức nào và giảm như thế nào để phù hợp với kinh tế vĩ mô là điều quan trọng.

Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất chậm lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc, đánh giá các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Bài liên quan
Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị gói tín dụng 10.000 tỉ đồng lãi suất thấp
VASEP đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp (DN) thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ mới giảm lãi suất cho vay?