Đề cập đến vấn đề giải quyết tận gốc ngộ độc thực phẩm, đại diện Sở ATTP TP.HCM cho biết đã làm hết sức trong khả năng, phạm vi quản lý nhà nước và khẳng định "còn sống, còn ăn thì còn những vấn đề về thực phẩm xảy ra".
Đề cập đến 2 vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP.HCM vừa qua, chiều 3.4, bà Nguyễn Thị Lam Phương - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM - cho biết: Ngày 28.3 đơn vị đã nhận được thông tin một số học sinh tại hệ thống giáo dục Tuệ Đức (Trường TH-THCS Tuệ Đức và TH-THCS Tâm Tuệ Đức trên địa bàn TP.Thủ Đức) sau buổi ăn xế có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Các bữa ăn do đơn vị cung cấp thức ăn sẵn và nhà trường ký kết với nhau.
“Đến nay, đa số các học sinh ở đây đã đi học lại bình thường”, bà Phương thông tin.
Đối với vụ ngộ độc thực phẩm thứ 2, vào ngày 31.3, Sở ATTP đã nhận được báo cáo của trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh) về một số học sinh, giáo viên và nhân viên của trường này đi tham quan tại Công viên Đầm Sen (quận 11) có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Sau đó, đơn vị này cũng đã nhận thông tin từ Bệnh viện quận 11 và Bệnh viện huyện Bình Chánh. Đến nay, các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm ở đây cũng đã được xuất viện về nhà.
Theo bà Phương, hiện các vụ nghi ngộ độc thực phẩm trên đang được Sở ATTP tiến hành điều tra theo đúng trình tự, quy định. “Đến thời điểm hiện tại, kết quả mẫu kiểm nghiệm cũng chưa có. Chúng tôi tiếp tục điều tra, xử lý việc này. Ngay sau khi có kết quả, kết luận, Sở ATTP sẽ có báo cáo cho các cấp có thẩm quyền và công bố cho các báo đài biết”, bà Phương cho biết thêm.
Với câu hỏi tại sao sự việc ngộ độc thực phẩm xảy ra đến nay đã 1 tuần nhưng vẫn chưa có kết quả xét nghiệm, bà Phương cho biết thông thường các đơn vị trả kết quả xét nghiệm có thể sau 7 ngày.
“Thời gian trả kết quả là do đơn vị kiểm nghiệm thực hiện, theo quy trình, thủ tục như thế nào đó. Chúng tôi không chủ động được về vấn đề này”, bà Phương nhấn mạnh.
Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để giải quyết tận “gốc”nhằm hạn chế, và tiến tới không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, bà Phương khẳng định còn sống, còn ăn thì sẽ còn có những vấn đề về thực phẩm xảy ra.
“Chúng tôi đã cố gắng làm hết sức trong khả năng, phạm vi quản lý nhà nước, cũng như tuyên truyền phổ biến, còn lại phải nhờ đến ý thức của người dân, cộng đồng trong việc nâng cao sức khỏe”, bà Phương nói.
Về công tác đảm bảo ATTP trong năm 2025, bà Phương cho biết, đơn vị đã tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành TP ban hành Kế hoạch 201 về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2025, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ như: tăng cường thông tin truyền thông; giáo dục an toàn thực phẩm cũng như nâng cao năng lực giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm cũng như lấy mẫu kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn thực cho người dân TP.
Trong điều kiện TP.HCM đang nắng nóng, bà Phương khuyến cáo người dân cần tuân thủ một số nguyên tắc theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Theo đó, người dân cần giữ vệ sinh, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn; giữ sạch các bề mặt trước khi chế biến thức ăn; luôn làm sạch các dụng cụ chế biến; bảo quản riêng biệt thức ăn sống và chín, không để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sống, thực phẩm ôi thiu; nấu chín thức ăn hoàn toàn (nhiệt độ bên trong tối thiểu 70 độ C); bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn, phù hợp, giữ cho thực phẩm nóng; luôn kiểm tra nhãn mác thực phẩm để xem hướng dẫn bảo quản; sử dụng nước sạch; mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...