Khi mảng kinh doanh bán dẫn đang lao đao, Samsung - tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc - đang dần chuyển hướng sang Trung Quốc để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, theo Financial Times.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại Mỹ, mất thị phần vào tay các đối thủ và bị ảnh hưởng bởi các hạn chế thương mại ngày càng nghiêm ngặt từ Washington.
Cầu cứu thị trường Trung Quốc
Theo số liệu được Samsung công bố, giá trị xuất khẩu chip của hãng sang Trung Quốc đã tăng tới 54% trong thời kỳ 2023-2024. Một phần lý do là các công ty công nghệ Trung Quốc đang chạy đua dự trữ chip AI tiên tiến trước khi các lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ trở nên nghiêm ngặt hơn.
Một thỏa thuận lớn chưa từng được tiết lộ trước đây cũng vừa được hé lộ Samsung đã có hơn 3 năm bán nguồn cung chip logic - loại chip đóng vai trò quan trọng trong xử lý AI - cho Kunlun, công ty con chuyên thiết kế bán dẫn của Baidu. Đây là một động thái quan trọng thể hiện rõ chiến lược tiếp cận thị trường Trung Quốc của Samsung.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào Trung Quốc cũng khiến Samsung lâm vào thế khó giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Dù đã đầu tư khoảng 40 tỉ USD vào các nhà máy tại Texas và nhận được cam kết hỗ trợ lên tới 6,4 tỉ USD từ chính phủ Mỹ, Samsung vẫn gặp khó trong việc thu hút các khách hàng lớn tại thị trường này. Mảng sản xuất chip theo hợp đồng của hãng bị đánh giá là yếu thế hơn so với TSMC, tập đoàn chip Đài Loan đang đổ ít nhất 100 tỉ USD để xây dựng các nhà máy hiện đại tại Arizona (Mỹ).
Đối thủ trong nước vượt mặt
Ngoài việc mất thị phần vào tay TSMC, Samsung còn bị đối thủ cùng quê - SK Hynix - vượt mặt trong lĩnh vực chip nhớ băng thông cao (HBM), một thành phần thiết yếu trong các dòng chip AI hiện đại. Trong năm qua, lợi nhuận hoạt động của SK Hynix đã vượt Samsung lần đầu tiên trong lịch sử, chủ yếu nhờ cung ứng HBM cho những tên tuổi hàng đầu như Nvidia, AMD, Intel và Broadcom.
Chuyên gia Jimmy Goodrich từ Viện Nghiên cứu Rand Corporation nhận định các công ty Trung Quốc hiện không thể tiếp cận HBM của SK Hynix do toàn bộ nguồn cung đã bị các hãng chip lớn đặt trước. Do đó, họ buộc phải tìm đến Samsung, dù chất lượng HBM của hãng Hàn Quốc chưa bằng đối thủ.
Cũng theo công ty nghiên cứu SemiAnalysis, Samsung hiện là nhà cung cấp HBM lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, được sử dụng trong các dòng chip AI như Ascend 910 của Huawei. Không dừng lại ở đó, Samsung còn hợp tác với Kunlun để sản xuất dòng chip AI Core P800 tích hợp HBM của chính mình, ra mắt vào tháng 2 vừa qua.
Một nguồn tin thân cận tiết lộ Samsung đang lên kế hoạch hợp tác tiếp với Kunlun để phát triển chip AI thế hệ mới. Tuy nhiên, dự án này đã phải tạm hoãn sau khi Mỹ siết chặt các quy định xuất khẩu vào tháng 1 năm nay.
Bước đi mạo hiểm
Các hạn chế mới từ Washington giới hạn hiệu suất tối đa của chip AI do các xưởng đúc nước ngoài sản xuất cho khách hàng Trung Quốc. Quy định này được áp dụng sau khi TSMC thừa nhận đã vô tình sản xuất chip cho một công ty trung gian thay mặt Huawei. Kể từ đó, Mỹ đã yêu cầu siết chặt giám sát để ngăn việc lách luật.
Một người trong nội bộ Samsung chia sẻ rằng quan hệ hợp tác với Baidu ngày càng trở nên bấp bênh. Công ty đang theo sát diễn biến và hy vọng các nhà chức trách Mỹ sẽ nới lỏng một số điều kiện trong thời gian tới.
Dù vậy, chuyên gia Goodrich cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy Samsung vi phạm quy định xuất khẩu khi cung cấp chip cho Kunlun. Ông lưu ý rằng vì hiệu suất của các dòng chip này vẫn chưa được công bố rõ ràng, chưa thể kết luận liệu chúng có vượt ngưỡng giới hạn của Mỹ hay không.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm mọi cách để tận dụng bất kỳ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất, trong việc mua chip từ bên ngoài, do các hãng nội địa chưa thể cạnh tranh về công nghệ. Ông đặt câu hỏi liệu các giới hạn hiệu suất hiện tại có còn phù hợp khi những công ty như Samsung tiếp tục sản xuất chip AI tiệm cận giới hạn này cho khách hàng Trung Quốc.
Hiện tại, Samsung đang cố gắng giữ cân bằng giữa việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ Mỹ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ phía Trung Quốc. Tập đoàn khẳng định họ tuân thủ chặt chẽ mọi quy định xuất khẩu và từ chối bình luận về mối quan hệ với khách hàng cụ thể.
Trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn trên thế giới phải tìm cách điều hướng giữa áp lực chính trị, nhu cầu thị trường và năng lực cạnh tranh, chuyện của Samsung cho thấy những khó khăn mà một tập đoàn công nghệ toàn cầu phải đối mặt khi đứng giữa hai cường quốc.