VASEP đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp (DN) thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.

Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị gói tín dụng 10.000 tỉ đồng lãi suất thấp

Hoài Lam | 13/04/2023, 17:10

VASEP đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp (DN) thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.

Đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng

Tại hội nghị với Thủ tướng ngày 13.4, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho hay, hiệp hội đã đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản đến 2025 là 12,5 - 14 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

“Đặc biệt là bối cảnh năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng XK của các DN giảm từ 20-50%, lượng tồn kho tăng. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại. Cả bà con nông ngư dân và doanh nghiệp (DN) đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến”, bà Thu Sắc nói.

Ngoài ra, đại diện VASEP cũng cho hay, chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công…trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. Các DN chế biến - XK hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn để có thể XK được lô sản phẩm hải sản khai thác vào EU do còn nhiều bất cập theo quy định IUU.

Kết quả là quý 1/2023 xuất khẩu sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8 tỉ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Với diễn tiến này, dự báo XK thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý 3/2023. Tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục.

tt-2.jpg
Doanh nghiệp làm việc với Thủ tướng

Trước diễn biến hiện nay, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông-ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu.

“Xin đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho DN thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch”, bà Thu Sắc nói.

Về dài hạn, hiệp hội kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.

Lý do là nguồn nguyên liệu hải sản khai thác trong nước ngày càng hạn chế, Chính phủ cần xem nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt hợp pháp từ nước ngoài là nguồn tài nguyên lớn mà Việt Nam có thể đẩy mạnh thu gom, nhập khẩu để phục vụ cho ngành chế biến XK. Ngoài ra, cần có quy hoạch và chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, quy định những vùng nuôi, những loài hải sản được khai thác với kích cỡ nhất định, đồng thời có chính sách khuyến khích nuôi biển.

Liên quan đến chứng nhận hải sản khai thác và khơi thông XK, hiệp hội kiến nghị Bộ NN-PTNT và các tỉnh ven biển quyết liệt chỉ đạo gỡ thẻ vàng IUU của EC, ưu tiên lớn nhất là không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền - khai thác; đẩy nhanh việc số hóa quy trình kiểm tra - cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.

Về lâu dài, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển.

Về vấn đề tín dụng và lãi suất, DN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ DN xuất khẩu.

“Có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản. Rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Cho các DN thủy sản được giãn nợ 3 - 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1-2/2023”, VASEP nêu và đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản theo NĐ số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Thị trường Trung Quốc là động lực quan trọng

Liên quan đến việc tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, bà Thu Sắc kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo duy trì một số chính sách giảm chi phí đầu vào cho DN, bao gồm: các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho DN đến hết 2023.

Đồng thời, các DN kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương; kiểm soát các cơ sở sản xuất giống thủy sản, kiểm soát chất lượng tôm giống bố mẹ, cũng như có các biện pháp giúp bình ổn giá thức ăn, thuốc thú y.

Thêm vào đó, các DN cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; đưa vào văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản được thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng tinh thần văn bản số 2550 ngày 12.3.2021 của Bộ Tài chính.

thuy-san.jpeg
Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị gói tín dụng 10.000 tỉ đồng lãi suất thấp

Các DN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và Bộ TN-MT xem xét sửa đổi để có quy chuẩn nước thải riêng và phù hợp; chỉnh sửa các quy định về chỉ tiêu phospho cho nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng công nghệ, yếu tố đặc thù ngành và thông lệ khu vực tại các nước tương đương về kinh tế xã hội.

Về thị trường, bà Thu Sắc cho rằng Trung Quốc sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, xin kiến nghị Chính phủ có sự quan tâm cho xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần XK thủy sản sang Trung Quốc. Trước mắt, đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các địa phương lớn của Trung Quốc, các thị trường giáp biên; kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung ngân sách cho Hội chợ thủy sản hàng năm tại Thanh Đảo.

Các DN cũng kiến nghị Chính phủ rà soát và làm việc với phía Chính phủ Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam hoặc có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong hiệp định VKFTA.

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị gói tín dụng 10.000 tỉ đồng lãi suất thấp