Ngày 3.4, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt kế hoạch tổ chức Ngày hội thanh trà Bình Minh, công diễn xác lập kỷ lục Việt Nam đối với 135 món ẩm thực được chế biến từ trái thanh trà của thị xã Bình Minh.
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Long giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã được phê duyệt. Đối với dự toán kinh phí tổ chức, Sở VH-TT-DL phối hợp với Sở Tài chính thực hiện theo quy định.
Ngày hội thanh trà sẽ được khai mạc vào lúc 7 giờ 30 ngày 12.4, tại Trường THCS-THPT Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long. Tại đây sẽ có không gian trưng bày thanh trà và hội thi 135 món ẩm thực chế biến từ nguyên liệu là trái thanh trà Bình Minh. Trong ngày hội cũng có không gian trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh và thị xã Bình Minh.
Về chế biến các món ẩm thực có nguồn gốc từ thanh trà, dự kiến có 20 đội tham gia, trong đó thị xã Bình Minh có 8 đội, các huyện thị trong tỉnh có 12 đội.
Thanh trà là một loại trái cây đặc sản, được trồng rất nhiều ở thị xã Bình Minh, tập trung chủ yếu ở xã Đông Thành. Theo lời kể của những người cao tuổi, thanh trà đã được trồng ở Bình Minh cách nay khoảng 100 năm. Người dân địa phương gọi là thanh trà, ngoài ra nó cũng có tên khác là xoài rừng hay trái vú bò (vì hình dáng trái giống như cái vú con bò). Trái thanh trà nhỏ bằng quả trứng gà ta, khi chưa chín nó có màu xanh lá cây, khi chín có màu vàng cam rất đẹp. Trái thanh trà có hai loại là thanh trà ngọt và thanh trà chua.
Hiện nay, người dân Bình Minh trồng hàng vạn cây thanh trà. Cây thanh trà có thể trồng từ hạt hoặc trồng bằng cách chiết cành. Trồng cành chiết ít nhất từ 3 - 5 năm cây mới ra trái. Lá thanh trà gần giống lá xoài nhưng nhỏ và mỏng hơn.
Người dân thu hoạch trái thanh trà và bán ra các chợ trong vùng ĐBSCL, bán lên TP.HCM. Trái thanh trà được dùng để chế biến nhiều món ăn, thức uống.
Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Long Phạm Minh Hoàng cho biết, mục đích của ngày hội là tôn vinh sản phẩm độc đáo của địa phương, sự khéo tay của phụ nữ Vĩnh Long trong nghệ thuật ẩm thực và thu hút khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế xã hội Vĩnh Long.