Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa mới nhất Trường Chinh 8 từ đảo Hải Nam vào hôm 21.12, tiến tới mục tiêu phát triển các phương tiện phóng có thể tái sử dụng.

Trung Quốc phóng thành công tên lửa Trường Chinh 8

Long Hải | 23/12/2020, 14:00

Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa mới nhất Trường Chinh 8 từ đảo Hải Nam vào hôm 21.12, tiến tới mục tiêu phát triển các phương tiện phóng có thể tái sử dụng.

truong-chinh8b.jpg
Tên lửa Trường Chinh 8 rời khỏi bệ phóng hôm 21.12 - Ảnh: CASC

Chuyến bay đầu tiên của Trường Chinh 8 được phóng từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc. Tên lửa mang theo 5 vệ tinh vào không gian với nhiệm vụ tiến hành thí nghiệm về cảm biến từ xa và công nghệ liên lạc.

Một phiên bản trong tương lai của tên lửa mới, Trường Chinh 8R, có thể tái sử dụng như dòng tên lửa Falcon của công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Mỹ. Wu Yitian, kỹ sư của dự án Trường Chinh 8, cho biết tên lửa mới giúp tiết kiệm chi phí.

“Mục tiêu của chúng tôi là giành được vị thế trên thị trường tên lửa phóng vào không gian cả trong và ngoài nước”, trung tâm truyền thông của quân đội Trung Quốc trích lời ông Wu trong một bài đăng trên WeChat.

Tầng đầu tiên và động cơ đẩy của phiên bản tái sử dụng có thể thu hồi thông qua hạ cánh thẳng đứng, giúp giảm chi phí và thời gian chuẩn bị cho những lần phóng tiếp theo. Theo CCTV, các bộ phận tái sử dụng sẽ hạ cánh ở bệ nổi trên biển.

truong-chinh8.jpg
Tên lửa Trường Chinh 8 được chuẩn bị phóng ở Hải Nam, miền nam Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Song Zhengyu, kỹ sư trưởng của dự án Trường Chinh 8, nói với CCTV rằng vào năm tới, Trung Quốc sẽ thử nghiệm một giá đỡ tên lửa dùng để phóng Trường Chinh 8R.

Việc phát triển tên lửa tái sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhiệm vụ phóng thương mại tải trọng trung bình theo lịch trình thường xuyên và giúp tiết kiệm chi phí kinh tế. Không giống như hầu hết các tên lửa hiện tại, dòng tên lửa mới sẽ sử dụng nhiên liệu đẩy không độc hại. Thời gian chuẩn bị phóng là khoảng 10 ngày.

Vụ phóng này được cho là hoạt động khám phá không gian lớn cuối cùng của Trung Quốc trong năm 2020, khép lại một năm đầy bận rộn trong chương trình không gian của nước này. Trung Quốc đã tiến hành các nhiệm vụ khám phá sao Hỏa và Mặt trăng, hoàn thiện chùm vệ tinh định vị Bắc Đẩu, đồng thời thử nghiệm tàu vũ trụ, tên lửa và khoang trạm vũ trụ mới.

Gần đây nhất là vào ngày 17.12, khoang tàu vũ trụ chứa mẫu đất và sỏi Mặt trăng đã hạ cánh xuống Nội Mông, đưa Trung Quốc trở thành nước thứ ba mang mẫu vật Mặt trăng về Trái đất. Hai nước trước đó là Liên Xô và Mỹ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc phóng thành công tên lửa Trường Chinh 8