Theo báo cáo của VIS Ratings, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới trong quý 1/2025 thấp nhất 5 năm qua, chủ yếu do thiếu các hoạt động phát hành riêng lẻ.
Theo báo cáo của VIS Ratings, trong quý 1/2025, lượng phát hành TPDN mới đạt 25 nghìn tỉ VND, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm 2019 đến 2024, quý đầu tiên chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng phát hành hằng năm, phản ánh tác động mùa vụ của thị trường TPDN.
Tuy nhiên, giá trị phát hành mới trong quý 1/2025 thấp nhất trong vòng 5 năm qua, chủ yếu do thiếu các hoạt động phát hành riêng lẻ.
Chỉ có hai đợt phát hành được công bố trong quý 1/2025 với giá trị 2.000 tỉ đồng, trong khi lượng phát hành trái phiếu công khai trong quý 1/2025 đạt 23.130 tỉ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ), cao nhất trong 5 năm qua, nhờ đóng góp của các ngân hàng và công ty chứng khoán.
Trong quý 1/2025, có 3 đợt chậm trả lãi trái phiếu mới từ 3 tổ chức phát hành lần đầu ghi nhận chậm trả. Các trái phiếu chậm trả từ Công ty Xi măng Long Thành và Tập đoàn R&H phản ánh tình hình tài chính khó khăn khi cả hai công ty liên tục báo lỗ trong giai đoạn 2022 - 2023 bởi những thách thức trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi - xi măng và bất động sản nghỉ dưỡng.
Trái phiếu chậm trả còn lại, được phát hành bởi Công ty Xây dựng Tracodi, nằm trong số năm trái phiếu bị đình chỉ giao dịch liên quan đến hệ sinh thái BCG; 17 tổ chức phát hành đã trả được hơn 8 nghìn tỉ đồng tiền gốc trái phiếu chậm trả, tỷ lệ thu hồi bình quân tăng 2.7 - 28.2%.
Trước đó, theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm 2025, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 18.604 tỉ đồng, trong đó có 9 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 18.104 tỉ đồng, chiếm 97,3% tổng giá trị phát hành, và 1 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 500 tỉ đồng, chiếm 2,7%.
Về hoạt động mua lại trái phiếu, trong tuần từ ngày 24 - 28.3, các doanh nghiệp đã tiến hành mua lại 4.723 tỉ đồng trái phiếu, tăng gấp 2,2 lần so với tuần trước (2.606 tỉ đồng). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 28.3, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn là 21.979 tỉ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhóm ngành bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị mua lại trước hạn, chiếm khoảng 52,6%, tương ứng với 11.563 tỉ đồng.
Dự báo trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 179.207 tỉ đồng. Đáng chú ý, nhóm bất động sản chiếm 53,6% tổng giá trị trái phiếu sắp đáo hạn, tương đương 96.008 tỉ đồng, tiếp theo là nhóm ngân hàng với 41.166 tỉ đồng, chiếm 23%.
Trên thị trường thứ cấp tuần qua, giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ bình quân phiên đạt 8.259 tỉ đồng/phiên, giảm nhẹ 0,2% so với tuần trước.
Các tổ chức phát hành có trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong kỳ báo cáo là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (8.201 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (5.244 tỉ đồng), và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn (3.982 tỉ đồng). Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt khoảng 270.316 tỉ đồng.
Nhìn về triển vọng thị trường TPDN trong năm 2025, trong báo cáo mới đây, FiinRatings dự báo giá trị dư nợ sẽ tăng từ 15 - 20%. Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn sẽ phải đẩy mạnh phát hành TPDN nhằm tăng vốn cấp 2, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời duy trì lãi suất huy động ổn định.
Điều này sẽ đặt ra những thách thức trong việc đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, như tỷ lệ LDR (tổng dư nợ cho vay/tiền gửi) và việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Nhiều ngân hàng cũng đang có kế hoạch tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành cổ phiếu, tuy nhiên, quá trình này sẽ cần thời gian và phụ thuộc vào tình hình thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, các quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng dự kiến sẽ được áp dụng trong nửa cuối năm 2025. Những thay đổi này sẽ nâng cao chất lượng trái phiếu và thu hút thêm nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khi lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp.
Nhu cầu tái tài trợ và tái cấu trúc vốn sẽ gia tăng, đặc biệt từ các ngành thâm dụng vốn như bất động sản, năng lượng, xây dựng và vật liệu trong các quý tới. Các ngân hàng tiếp tục là những người mua chính TPDN, và với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, sẽ thúc đẩy các ngân hàng gia tăng tỷ trọng đầu tư vào TPDN.