Bắc Kinh và Moscow đã tiến tới củng cố quan hệ bằng cách gia hạn hiệp ước hữu nghị 20 năm tuổi, vài tuần sau thượng đỉnh Biden – Putin.

Trung, Nga xích lại gần nhau sau thượng đỉnh Biden - Putin

Hoàng Vũ | 29/06/2021, 10:59

Bắc Kinh và Moscow đã tiến tới củng cố quan hệ bằng cách gia hạn hiệp ước hữu nghị 20 năm tuổi, vài tuần sau thượng đỉnh Biden – Putin.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28.6 đã có cuộc hội đàm trực tuyến thứ hai sau 6 tuần. Trong cuộc gặp lần này, lãnh đạo hai nước đã đồng ý gia hạn “Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung - Nga”.

Cuộc gặp trực tuyến Tập - Putin diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với Trung Quốc, khi chỉ còn 3 ngày nữa nước này sẽ kỷ niệm trọng thể 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

putin-and-xi.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters

Tân Hoa xã cho biết, ông Tập ca ngợi mối quan hệ Trung Quốc - Nga là một “ví dụ điển hình của một kiểu quan hệ quốc tế mới”. Chủ tịch Tập nói rằng việc gia hạn hiệp ước hữu nghị Trung - Nga là một “thực tiễn sống động trong việc xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới và một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại”.

“Tôi tin rằng dưới tinh thần hiệp ước, cho dù phải vượt qua bao nhiêu trở ngại và trở ngại trên con đường phía trước, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục đoàn kết nỗ lực và quyết tâm tiến lên phía trước”, ông nói.

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc - CCTV, sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ra một tuyên bố chung phản đối “sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền” và “các biện pháp trừng phạt đơn phương”, đồng thời bày tỏ sự phản đối của họ đối với việc “chính trị hóa” đại dịch COVID-19 và các sự kiện thể thao.

Ông Tập và ông Putin đều bày tỏ lo ngại về việc quân đội Mỹ và NATO tăng tốc rút khỏi Afghanistan, nói rằng điều này tạo ra tình hình an ninh phức tạp và nghiêm trọng hơn ở nước này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Được biết, Tổng thống Putin đã ký hiệp ước nói trên tại Điện Kremlin với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vào tháng 7 năm 2001, hai nước láng giềng đồng ý giải quyết các tranh chấp biên giới lịch sử của họ và đặt ra hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực bao gồm cả quân sự và quốc phòng.

Kể từ tháng 3 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành 5 cuộc điện đàm. Cuối năm ngoái, hai nhà lãnh đạo từng cho biết, nhân kỷ niệm 20 năm “Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung – Nga”, hai nước đang hướng tới mức độ hợp tác cao hơn và quy mô rộng hơn vào năm 2021.

Phát biểu tại Điện Kremlin hôm 28.6, ông Putin khẳng định quan hệ Trung Quốc - Nga đang ở "điểm cao nhất". “Hiện tại, tuân theo tinh thần của hiệp ước, chúng tôi đã nỗ lực đưa quan hệ Nga-Trung lên mức cao chưa từng có, biến chúng thành một ví dụ về hợp tác liên chính phủ trong thế kỷ 21”, Tổng thống Putin cho hay.

Trung Quốc và Nga đã tăng cường quan hệ thông qua một loạt cơ chế và dự án hợp tác chiến lược trong những năm gần đây trong bối cảnh cả hai nước đều có ​​mối quan hệ không tốt với Mỹ và phương Tây. Moscow và Bắc Kinh muốn cho thế giới thấy họ không bị cô lập trên trường quốc tế, mà ngược lại, sẵn sàng đương đầu với phương Tây.

“Nếu Mỹ tiếp tục chính sách ngăn chặn kép hiện tại của mình đối với cả Nga và Trung Quốc, thì sẽ không có giới hạn rõ ràng nào về mức độ sâu rộng mà liên minh Trung - Nga có thể phát triển trong tương lai”, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, Artyom Lukin nhận định.

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung, Nga xích lại gần nhau sau thượng đỉnh Biden - Putin