Ấn Độ đã điều ít nhất 50.000 quân đến biên giới với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa hai quốc gia tỷ dân vẫn chưa có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Bloomberg, mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra xung đột trên dãy Himalaya vào năm 1962, nhưng trọng tâm chiến lược của New Delhi chủ yếu là Pakistan kể từ khi giành được độc lập từ Anh trên khu tranh chấp Kashmir.
Tuy nhiên, sau cuộc giao tranh đẫm máu nhất vào năm ngoái giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới chưa phân định mang tên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với Islamabad và tập trung chủ yếu vào việc chống lại Bắc Kinh.
Hãng tin Bloomberg dẫn 4 nguồn thạo tin cho biết, trong vài tháng qua, Ấn Độ đã điều động binh lính và các phi đội máy bay chiến đấu đến 3 khu vực dọc theo biên giới với Trung Quốc. Ấn Độ hiện có khoảng 200.000 quân tập trung ở biên giới với Trung Quốc, tăng hơn 40% so với năm ngoái.
Các nhà quan sát nhận định rằng, trong khi sự hiện diện quân sự của Ấn Độ trước đây là nhằm ngăn chặn các động thái của Trung Quốc, thì việc điều quân lần này của Ấn Độ diễn ra trong điều kiện khác. Theo đó, giờ đây, New Delhi không chỉ phòng ngự, ngăn chặn các hành động khiêu khích từ Trung Quốc, mà còn muốn chiếm "thượng phong" tại khu vực biên giới.
Hiện không rõ Trung Quốc cho đóng bao nhiêu quân ở biên giới. Tuy nhiên, Ấn Độ gần đây phát hiện Trung Quốc đã chuyển lực lượng bổ sung từ Tây Tạng đến Bộ Chỉ huy quân sự Tân Cương, chịu trách nhiệm tuần tra các khu vực tranh chấp dọc theo dãy Himalaya.
Trung Quốc được cho là đang tiến hành xây dựng các tòa nhà đường băng mới, boongke chống bom để chứa máy bay chiến đấu và sân bay mới dọc theo biên giới tranh chấp ở Tây Tạng. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bổ sung pháo binh, xe tăng, trung đoàn tên lửa và máy bay chiến đấu hai động cơ trong vài tháng qua.
Phát biểu tại một sự kiện tuần trước, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cáo buộc Trung Quốc tiếp tục triển khai binh sĩ sát biên giới Ấn Độ và hoài nghi việc nước này tuân thủ cam kết rút quân.
Bên cạnh đó, Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ Rakesh Kumar Singh Bhadauria ngày 19.6 cho biết quân đội nước này đang liên tục theo dõi tình hình thực địa liên quan "các vị trí triển khai quân còn sót lại, việc điều động lực lượng hoặc bất cứ thay đổi nào" từ phía Trung Quốc.
“Có quá nhiều binh sĩ ở hai bên là rủi ro khi các giao thức quản lý biên giới bị phá vỡ. Cả hai bên có khả năng sẽ tiến hành tuần tra biên giới tranh chấp một cách quyết liệt. Một sự cố nhỏ ở địa phương có thể vượt khỏi tầm kiểm soát với những hậu quả không thể lường trước được”, D.S Hooda, một trung tướng và cựu chỉ huy quân đội miền Bắc ở Ấn Độ nói với Bloomberg.