Theo hiểu biết thông thường trong ngành tài chính, chúng ta nên cố gắng tiết kiệm khoảng 20% thu nhập. Nhưng liệu con số này đã đủ chưa, đặc biệt với những người muốn nghỉ hưu an nhàn ?
Văn hóa

'Tài chính cho mọi người': Tiết kiệm là một lối sống

Hạ Vĩ 26/02/2024 10:22

Theo hiểu biết thông thường trong ngành tài chính, chúng ta nên cố gắng tiết kiệm khoảng 20% thu nhập. Nhưng liệu con số này đã đủ chưa, đặc biệt với những người muốn nghỉ hưu an nhàn ?

Mặc dù 20% đã có vẻ nhiều, nhưng bạn nên tiết kiệm được ít nhất 30% thì đây là một tỷ lệ tiết kiệm tương đối cao, nhất là khi bạn so sánh nó với tỷ lệ tiết kiệm thực tế ở Mỹ. Từ tháng 1.1959 đến tháng 10.2020, tỷ lệ tiết kiệm trung bình của người Mỹ là 8,9%. Đây là tỷ lệ số tiền tiết kiệm tính theo phần trăm lương sau thuế.

Tỷ lệ tiết kiệm cao hơn rõ ràng sẽ giúp bạn tiết kiệm đủ tiền cho quỹ khẩn cấp của mình trong khoảng thời gian hợp lý hơn. Điều chưa rõ ở đây là làm thế nào để tăng tỷ lệ tiết kiệm của bạn theo thời gian. Nếu biết câu trả lời đúng, có lẽ tôi sẽ có một khối tài sản đáng kể vì đã giải quyết được một vấn đề lớn đến vậy. Chỉ tiếc là tôi không biết, nhưng tôi có thể giúp bạn suy nghĩ về các giải pháp mà bạn có thể áp dụng.

Tiết kiệm tiền khi vẫn đang mắc nợ

Bạn còn nhớ phương trình tài chính cá nhân cực kỳ đơn giản này không? Thu nhập = Tiết kiệm – Chi tiêu. Và bạn có nhớ phương trình này còn có thể được thể hiện theo nhiều cách khác nhau không? Kiểu như: Tiết kiệm = Thu nhập – Chi tiêu

Cách thể hiện này có nghĩa là chúng ta có thể tăng tiết kiệm bằng cách tăng thu nhập, hoặc cắt giảm chi tiêu, hoặc kết hợp cả hai. Một cách để chi tiêu của bạn có thể giảm là bạn trả hết các khoản nợ. Sau khi bạn trả xong một khoản nợ, số tiền bạn từng dành để thanh toán nợ có thể được chuyển thành tiền tiết kiệm. Đây là một chiến lược tuyệt vời, vì bạn đã quen với việc không tiêu số tiền đó nên về mặt tâm lý, bạn sẽ không cảm thấy khó khăn khi tiết kiệm thay vì chi tiêu.

Xét về phần thu nhập, giả định rằng bạn vẫn tiếp tục làm việc thì thu nhập của bạn vẫn sẽ tiếp tục tăng. Như vậy bạn sẽ nhanh chóng đạt được tỷ lệ tiết kiệm cao khi tiết kiệm càng nhiều càng tốt khoản thu nhập tăng thêm. Thử thách ở đây là khi lương của bạn tăng, chi phí sinh hoạt có thể cũng sẽ tăng.

tai-chinh-cho-moi-nguoi-40-1tg.jpg
Cuốn sách "Tài chính cho mọi người"

Có thể bạn còn nhớ ý tưởng rằng con người chúng ta thường có một mức độ hạnh phúc tương đối ổn định, ngay cả khi chúng ta trải qua những sự kiện tuyệt vời và khủng khiếp. Tin tốt là chúng ta có thể tận dụng đặc điểm buồn cười đó để phục vụ cho lợi ích của mình. Nếu đã biết rằng bạn chỉ có cảm giác vui mừng trong vài tháng đầu được tăng lương và sẽ quay về trạng thái bình thường khi bạn tăng chi tiêu theo mức tăng thu nhập đó, thì bạn có thể cắt lỗ ngay bây giờ bằng cách tiết kiệm khoản thu nhập tăng thêm của mình.

Không phải ai cũng có thể trông chờ chuyện được tăng lương hằng năm. Và việc tăng lương đôi khi chỉ đủ để theo kịp lạm phát – chi phí ngày càng tăng của mọi thứ. Mặc dù có thể trở thành bí quyết thành công của một số người, chiến lược này có thể sẽ không khả thi đối với những người khác. Nó đã không khả thi với tôi, đó là lý do chính khiến tôi quyết định ngừng đi làm cho người khác và bắt đầu làm cho chính mình.

Khi làm cho chính mình, thu nhập của bạn không phải do ai đó đặt ra, mà chính bạn phải tự tìm cách để kiếm được tiền. Nhưng một khi bạn đã tìm ra cách, rất có thể bạn sẽ tăng đáng kể thu nhập và số tiền tiết kiệm được trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

Khi mới bắt đầu tự làm chủ, tôi có rất ít tiền trong quỹ khẩn cấp (tôi khuyên bạn không nên bắt đầu kinh doanh mà không có quỹ này) và khoản nợ phải trả (khoản này thì không nên có). Nhưng khi chọn tự làm chủ, tôi có nhiều quyền tự quyết hơn đối với thu nhập của mình và tôi đã có thể trả hết nợ trong khi vẫn thực hiện tiết kiệm.

Không phải ai trong thế giới tài chính cũng đồng tình với ý tưởng rằng bạn nên tiết kiệm tiền khi vẫn đang mắc nợ. Suy cho cùng, đó là một quyết định cá nhân, nhưng tôi nghĩ khi thực hiện đồng thời cả hai việc trên, bạn sẽ tránh được nguy cơ mắc thêm nợ.

Tăng tỷ lệ tiết kiệm là một lối sống

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng vừa trả nợ vừa tiết kiệm không phải là chuyện dễ thực hiện. Nhưng việc để dành tiền cho quỹ khẩn cấp thậm chí còn quan trọng hơn nhiều, khi bạn đang mắc nợ, vì nó có thể giúp bạn tránh sa lầy vào nợ nần.

Có thể bạn nghĩ: “Tôi sẽ ổn nếu tập trung giải quyết khoản nợ này và không có tiền tiết kiệm trong vài năm”. Rất có thể bạn đúng; có thể bạn hoàn toàn ổn. Nhưng bạn đang mạo hiểm. Khoảng thời gian bạn không có quỹ khẩn cấp càng kéo dài, bạn càng có nhiều nguy cơ phải đối mặt với trường hợp khẩn cấp về tài chính. Và nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra khi bạn không có tiền, bạn sẽ phải dùng đến nợ, và điều này sẽ kéo dài chu kỳ nợ.

Bạn có thể thấy quen thuộc với chu kỳ nợ nếu đã từng mắc kẹt trong đó. Đây là những gì thường xảy ra: bạn đang cố gắng trả một vài khoản nợ, nhưng rồi bạn lại mượn thêm nợ do bạn cần rất nhiều tiền để sửa chiếc ô tô bất ngờ bị hư hoặc mua vé máy bay giờ chót để về nhà thăm một người thân bị ốm. Việc tiến một bước để rồi phải lùi hai bước có thể khiến bạn có cảm giác hụt hẫng, thất bại. Bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi đến mức muốn bỏ cuộc. Tôi sẽ không chỉ trích bạn vì đã cảm thấy như vậy.

Nhưng nguy cơ mắc kẹt trong chu kỳ nợ là lý do vì sao chúng ta nên tích lũy tiền tiết kiệm trong khi đang trả nợ. Mặc dù duy trì tiết kiệm có thể khiến việc trả nợ mất nhiều thời gian hơn một chút hay tốn nhiều tiền lãi hơn, nhưng tôi cho rằng sự đánh đổi này là xứng đáng vì bạn sẽ có tiền để sử dụng khi cần, và điều này có thể ngăn bạn sa lầy vào nợ. Thêm vào đó, bạn cũng có thể được hưởng một lợi ích về mặt tâm lý khi có tiền trong tay.

tai-chinh-cho-moi-nguoi-quote-4a.jpg
Tăng tỷ lệ tiết kiệm là một lối sống

Có vẻ hơi phi lý khi bạn để tiền nằm im trong tài khoản thay vì trả nợ, nhưng khoản tiền đó có thể tạo cho bạn cảm giác dư dả hơn. Dù điều này nghe có phần ngớ ngẩn, nhưng giờ đây bạn cũng đã biết cảm giác của chúng ta về tiền bạc có thể ảnh hưởng thế nào đến cách chúng ta nhìn nhận thực tế, cũng như những hành động chúng ta làm hay không làm.

Một lời nhắc nhở nho nhỏ dành cho bạn: đừng quá tập trung vào mục tiêu cuối cùng. Hãy tập trung vào những thói quen giúp bạn đạt được mục tiêu và coi trọng quá trình. Coi trọng quy trình không có nghĩa là tiết kiệm tiền sẽ làm cho bạn trở thành một người tốt hơn hay có đạo đức hơn. Tôi không nghĩ tiết kiệm tiền có liên quan gì đến đạo đức, và tôi hy vọng bạn sẽ có thể phân định rạch ròi hai yếu tố này.

Nếu bản thân việc tiết kiệm tiền là một cuộc đấu tranh đối với bạn, thì quá trình đấu tranh có thể là cơ hội để bạn vượt qua điều gì đó mà đến cuối cùng sẽ giúp bạn trở nên kiên cường hơn. Quá trình đó có thể giúp bạn hình thành một khung tham chiếu để hiểu được cảm giác của một người đang đấu tranh. Sự hiểu biết này sẽ tạo nên sự đồng cảm. Và nếu có bất cứ điều gì tích cực mà một người đạt được từ nghịch cảnh, đó chính là sự đồng cảm.

Trong cuộc đời mình, tất cả chúng ta đều sẽ phải đối mặt với những cuộc đấu tranh của riêng mình. Khi nói đến việc tiết kiệm, bạn có thể sẽ đạt mục tiêu tiết kiệm của mình nhưng rồi lại phải lùi một bước vì gặp phải một trường hợp khẩn cấp. Cuộc sống vốn có nhiều trở ngại như thế. Có rất nhiều thứ nằm ngoài vòng tròn kiểm soát của chúng ta, nhưng cũng sẽ luôn có những thứ nằm trong vòng tròn kiểm soát đó. Và ngoài những thứ chúng ta có thể kiểm soát, vẫn còn nhiều thứ chúng ta có thể tác động. Hãy tập trung vào đó.

Trở nên giỏi tiết kiệm tiền và trân trọng quá trình là những gì bạn sẽ làm trong một thời gian rất dài, thường là từ mười cho đến bốn mươi năm. Tôi sẽ đóng vai trò như người bạn cực kỳ khỏe mạnh, luôn khiến bạn khó chịu với những câu nói kiểu: “Trở nên khỏe mạnh là một lối sống”, và tôi sẽ nói với bạn rằng tiết kiệm một phần trong mọi khoản thu nhập bạn kiếm được và nỗ lực tăng tỷ lệ tiết kiệm là một lối sống. Lối sống này không hào nhoáng. Nhưng hầu như không có thứ gì thiết yếu mà lại hào nhoáng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tài chính cho mọi người': Tiết kiệm là một lối sống