Văn Ruy là một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng một thời của Việt Nam xuất hiện liên tục trên chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3 và các sân khấu hài tại TP.HCM. Ở lĩnh vực phim ảnh, anh được khán giả yêu thích qua bộ phim "Gia đình phép thuật" cùng nhiều phim truyền hình khác.
Văn hóa

Nghệ sĩ Văn Ruy: 'Tôi không xấu hổ khi nhận mình là thợ hồ'

Nguyễn Huy 23/02/2024 20:15

Văn Ruy là một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng một thời của Việt Nam xuất hiện liên tục trên chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3 và các sân khấu hài tại TP.HCM. Ở lĩnh vực phim ảnh, anh được khán giả yêu thích qua bộ phim "Gia đình phép thuật" cùng nhiều phim truyền hình khác.

Văn Ruy cũng từng là nhà quản lý sân khấu tài năng khi góp sức đưa sân khấu Kịch Sài Gòn thành một địa điểm đông khách. Hơn 10 năm trước, anh quyết định gác lại sự nghiệp tại Việt Nam và sang Mỹ định cư.

Tạm cất đi “cái tôi nghệ sĩ”

Vào những ngày cuối tháng chạp, tức trước Tết Giáp Thìn 2024, Hội ái hữu Nghệ sĩ TP.HCM tổ chức trao quà tết cho nghệ sĩ già neo đơn, nghèo khó và anh em hậu đài tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM, bất ngờ Văn Ruy xuất hiện.

Trước đó, anh và nghệ sĩ Nhật Cường đã cùng nhiều nghệ sĩ hải ngoại tổ chức một số show diễn ở các tiểu bang của Mỹ để quyên góp cho hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Sự hiện diện của Văn Ruy trong sự kiện trao quà ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM là mục đích chính mà anh về Việt Nam, để trao tiền cho nghệ sĩ nghèo. Dù dấu vết thời gian có làm hằn lên nét chân chim nơi đuôi mắt, nhưng vẻ ngoài của Văn Ruy vẫn thế: gương mặt và nụ cười tếu tếu, cùng sự dí dỏm trong lời nói. Anh rất vui khi gặp lại anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp một thời.

Tại đây, Văn Ruy đã có những chia sẻ về những tháng ngày mình sinh sống tại Mỹ. Văn Ruy cho biết anh sống tại một tiểu bang rất ít người Việt ở California. Hàng xóm và đồng nghiệp đều là người Mỹ bản địa, dân nhập cư từ Mexico hoặc các nước khác.

422139719_919018679767018_7586030566658349448_n.jpg
Nghệ sĩ Văn Ruy đến thăm nghệ sĩ Mạc Can tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM

Lúc vừa đến vùng đất mới, Văn Ruy chấp nhận một thực tế là "có làm mới có ăn". Anh bắt đầu từ công việc đơn giản nhất là đi cắt cỏ. Thời gian đầu anh có hơi chạnh lòng, nhưng khi nhìn quanh thấy ai cũng tôn trọng công việc của mình nên suy nghĩ này dần thay đổi. Văn Ruy đã không còn buồn vì công việc kiếm tiền để mưu sinh và nuôi gia đình.

Sau đó, Văn Ruy gặp một người làm trong lĩnh vực xây dựng nên xin theo học nghề. Ngoài thời gian cắt cỏ, anh còn làm thợ hồ để học việc, từ bê gạch, cát, xi măng, trộn hồ... rồi đến học xây. Không lâu sau, Văn Ruy thành một thợ xây giỏi. Bẵng đi một thời gian khi mọi thứ dần ổn định, anh mới kết nối lại với các nghệ sĩ hài như Nhật Cường, Thúy Nga để đi diễn ở casino, phòng trà vào mỗi cuối tuần.

Văn Ruy bộc bạch: “Tôi khát khao thành nghệ sĩ. Hai chữ nghệ sĩ với tôi mãi mãi thiêng liêng. Thế nhưng, đời người luôn có những bước ngoặt. Một khi mình không thể tỏa sáng trong môi trường lung linh, được cháy trong không gian hẹp cũng vui. Tại Mỹ, tôi không diễn nhiều nhưng không bỏ nghề. Tiền cát sê từ các suất diễn tôi dành dụm để cuối năm về Việt Nam chia sẻ với đồng nghiệp khó khăn hơn mình”.

Văn Ruy thừa nhận mình là người nghèo trong xã hội Mỹ, làm đủ các việc từ cắt cỏ đến thợ hồ. Khi đủ kinh nghiệm và tay nghề, anh bắt đầu nhận những gói xây dựng nhỏ và tổ chức nhân sự khâu thợ xây. Có công trình, anh tập hợp các anh em lại cùng làm. Thu nhập tuy đủ sống nhưng không hào nhoáng, lấp lánh như những người khác.

Văn Ruy nói thêm : “Ai từ Mỹ hay các nước giàu về Việt Nam cũng nói mình là ông này bà kia, thì đó là việc của họ. Tôi thấy rằng mình làm công việc chân chính, kiếm tiền từ đôi bàn tay là niềm vui thật sự. Chưa bao giờ tôi thấy ngượng hay xấu hổ khi giới thiệu mình là một thợ hồ”.

Bán gạo Việt

Khi con cái lớn dần cũng là lúc trách nhiệm người cha và người chồng của Văn Ruy lớn thêm. Anh cố làm việc chăm chỉ và nghe ngóng cơ hội. Những người bạn văn chương và nghệ sĩ tại Việt Nam sang Mỹ định cư đã gợi ý anh bán gạo Việt tại Mỹ. Gạo anh bán là thương hiệu gạo Việt chiến thắng tại nhiều giải thế giới: ST 25 của ông Hồ Quang Cua. Anh thấy người châu Á nào cũng thích ăn gạo, nhưng tại Mỹ gạo Việt vẫn yếu thế hơn gạo Thái và Nhật. Tuy nhiên, cũng vì một phần tự hào dân tộc nên anh quyết định bán gạo Việt. Hiện tại, Văn Ruy vẫn chưa đưa gạo Việt vào các siêu thị, chỉ là nhập và phân phối nhỏ lẻ. Anh tin rằng trong tương lai gạo Việt sẽ có cơ hội tại thị trường Mỹ.

Cuối tuần Văn Ruy vẫn đi diễn, còn những ngày thường anh làm xây dựng và bán gạo. Thỉnh thoảng có nhà sản xuất nào cần anh trong vai trò gì đó phù hợp cho truyền hình hay gameshow thì anh cộng tác. Cái chính là anh muốn giữ lửa nghề và tình nghệ sĩ.

Hằng năm, Văn Ruy vẫn thường tranh thủ về Việt Nam vào dịp tết. Anh thăm bạn bè và tặng quà cho những hoàn cảnh nghệ sĩ nghèo. Những lúc như thế anh thấy cuộc đời mình thêm phần ý nghĩa. Khi đứng trên sân khấu, anh đem tiếng cười cho mọi người, giúp họ giảm căng thẳng sau chuỗi ngày mưu sinh. Còn ở đời thật, với việc làm từ thiện, anh cảm thấy ý nghĩa vì đã sưởi ấm cho một vài tâm hồn yếu ớt cần tình thương.

Khi gặp bạn bè, Văn Ruy như sống lại thời đôi mươi, vẫn hài hước và giỡn đùa. Với anh, cuộc đời này nên cần những tiếng cười, ngay cả sống trong nghịch cảnh cũng nên vui cười để có thêm động lực sống. Chính nụ cười và tinh thần lạc quan đã chữa lành cho chính nỗi buồn của anh, nó giúp anh tiếp tục là một nghệ sĩ hài vui vẻ, lạc quan và yêu đời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Văn Ruy: 'Tôi không xấu hổ khi nhận mình là thợ hồ'