Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu sau 31.7, nếu trạm BOT nào chưa triển khai xong thu phí không dừng (ETC) phải xả trạm và có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiếp độ.

Sau 31.7 phải “xả trạm” BOT nếu chưa có thu phí tự động không dừng

Lam Thanh | 17/05/2022, 17:20

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu sau 31.7, nếu trạm BOT nào chưa triển khai xong thu phí không dừng (ETC) phải xả trạm và có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiếp độ.

Ngày 17.5, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có cuộc làm việc với Bộ GTVT về vướng mắc đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) và bất cập tại một số dự án BOT giao thông.

Có 113 trạm thu phí không dừng trên toàn quốc

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng; trong đó Bộ GTVT quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm.

Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai thu phí không dừng do có tính chất đặc thù (các trạm có thời gian thu phí còn ngắn, các trạm có lưu lượng quá thấp lắp đặt ETC không hiệu quả, các trạm đang còn bất cập phải tạm dừng thu phí), Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Bộ GTVT cho biết còn 102 làn/23 trạm thu phí cần tiếp tục lắp đặt các làn thu phí còn lại để đảm bảo tất cả các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy (trong đó 38 làn/13 trạm do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền và 64 làn/10 trạm do địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền). Bộ GTVT và các địa phương đã lên kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo mục tiêu lắp đặt, vận hành các làn thu phí còn lại theo yêu cầu.

Số lượng phương tiện tham gia dán thẻ trong thời gian qua tăng rất khả quan, từ khoảng 1 triệu phương tiện vào thời điểm tháng 10.2021 đến thời điểm này có khoảng 3 triệu phương tiện tham gia dịch vụ (chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc). Bộ GTVT đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2022, số lượng phương tiện dán thẻ đạt từ 80-90%.

bot-2.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể 

Về việc thí điểm thu phí không dừng đối với tất cả các làn tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đến nay, phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý các tình huống sự cố phục vụ công tác thí điểm chỉ thu phí không dừng đã được các bên thống nhất; dự kiến bắt đầu từ ngày 1.6.2022.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, nhà đầu tư dự án tiến hành rà soát, hoàn thiện toàn bộ hệ thống biển báo, chỉ dẫn từ xa; bổ sung tính năng cảnh báo số dư tài khoản cho các phương tiện trước khi đi vào tuyến cao tốc để hạn chế các phương tiện không đủ điều kiện đi nhầm vào tuyến cao tốc.

Đối với các phương tiện không đủ điều kiện nhưng đi nhầm vào tuyến cao tốc sẽ có bộ phận hỗ trợ chủ phương tiện quay đầu xe hoặc tổ chức dán thẻ ngay tại các trạm thu phí, thời gian dán thẻ không quá 15 phút, bảo đảm không gây mất an toàn và ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.

Phân nhóm để xử lý vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT

Về xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT, Bộ GTVT cho biết, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã huy động khoảng 706.000 tỉ đồng đầu tư 222 dự án hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công-tư (PPP) trong đó các dự án đầu tư theo hình thức BOT chiếm khoảng 53,6% (119 dự án với tổng vốn hơn 388.000 tỉ đồng).

Bộ GTVT đề xuất phương án giải quyết đối với 8 trạm thu phí theo các nhóm nguyên nhân. Tại các dự án này, nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng dự án, đưa công trình vào khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư. Việc chưa được thu phí hoặc đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước (như là sự kiện bất khả kháng) hoặc do thay đổi chính sách pháp luật từ phía cơ quan nhà nước.

bot3.jpg
Phó thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng cho rằng trong khoảng 7 tháng qua, từ chỗ có 1 triệu xe dán thẻ ETC, đến nay có gần 3 triệu xe, đạt hơn 65% số phương tiện trên toàn quốc, là chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai còn lúng túng, chưa triệt để, chưa đồng bộ, thiếu liên thông, dẫn đến nguy cơ không bảo đảm tiến độ vận hành hệ thống ETC trên toàn bộ các làn thu phí như chỉ đạo của Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trong tháng 6.2022).

Ngoài ra, quá trình triển khai thu phí không dừng còn có tình trạng hệ thống ETC gặp sự cố, dẫn tới ách tắc giao thông kéo dài, khiến người dân phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ, như sự cố đứt cáp trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vào tháng trước.

"Phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm, xử lý theo đúng quy định hiện hành, không để ùn tắc kéo dài quá thời gian quy định tại các trạm thu phí. Nếu gặp tình huống tương tự, các chủ đầu tư phải xả trạm, đảm bảo lưu thông cho nhân dân", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng lưu ý Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý; nghiêm túc xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân nếu để chậm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, "phải làm đêm ngày với tinh thần quyết liệt, ai chậm thì kiểm điểm trách nhiệm".

Về việc thí điểm chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ 1.6, Phó thủ tướng cho rằng, đây là việc khó nhưng dứt khoát phải làm, không lùi thời hạn. Bộ GTVT cùng chủ đầu tư phải chuẩn bị kỹ các phương án khi xảy ra tình huống phương tiện chưa dán thẻ ETC, đảm bảo không để xảy ra ùn tắc quá thời gian quy định.

Các tuyến cao tốc mới đương nhiên sẽ đều phải áp dụng hình thức thu phí không dừng tại tất cả các làn, các trạm thu phí.

"Sau 31.7, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải tiến hành "xả trạm, có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiếp độ", Phó thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các trạm ETC cũng phải chủ động "xả trạm" kịp thời nếu để xảy ra sự cố.

Liên quan đến các dự án BOT không hiệu quả, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan tại cuộc họp, rà soát, phân loại thành từng nhóm để kiến nghị các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT.

Bài liên quan
Hà Nội thí điểm Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế
Cục Thuế TP.Hà Nội áp dụng thí điểm ứng dụng Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 31.7 phải “xả trạm” BOT nếu chưa có thu phí tự động không dừng