WB cho rằng Việt Nam vẫn cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay.

WB khuyến nghị Việt Nam thận trọng với lạm phát

Lam Thanh | 16/05/2022, 11:31

WB cho rằng Việt Nam vẫn cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 9,4% (so cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.

Sản xuất sản phẩm may mặc, giày dép, điện tử, thiết bị điện và sản phẩm kim loại là những ngành năng động nhất, ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số.

Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị lại tăng trưởng chậm hơn, với tốc độ giảm từ 26,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3 xuống chỉ còn 5,1% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước).

Sự giảm tốc này có liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc đã dẫn đến nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này giảm mạnh trong 2 tháng qua. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 51,7 trong tháng 4, không thay đổi so với tháng 3 và đánh dấu 7 tháng tăng trưởng liên tiếp.

Cũng theo báo cáo của WB, có sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ được nâng từ 10,4% trong tháng 3 (so cùng kỳ năm trước) lên 12,1% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước) do nhu cầu trong nước vốn đang được củng cố lại tiếp tục mạnh mẽ hơn nhờ người dân tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và du khách quốc tế đã bắt đầu quay lại.

Ngoại trừ tốc độ tăng cao bất thường trong tháng 4.2021 chủ yếu do hiệu ứng cơ sở thấp thì đây là lần đầu tiên tăng trưởng doanh thu bán lẻ quay về sát với tốc độ trước đại dịch.

Sự phục hồi của dịch vụ tiêu dùng được dẫn dắt chủ yếu bởi doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ (tăng đến 14,8% so cùng kỳ năm trước). Có khoảng 101.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4, con số cao nhất trong hai năm qua, nhưng vẫn chưa bằng 10% số lượt khách trước đại dịch.

lam-phat.jpg
WB khuyến nghị Việt Nam thận trọng với lạm phát

Ngoài ra, vốn FDI đăng ký đạt 1,9 tỉ USD trong tháng 4, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Với tác động của cuộc chiến tranh tại Ukraine và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt, bất định toàn cầu gia tăng có thể đã khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Sau một giai đoạn tương đối sôi động, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) chững lại với giá trị góp vốn và mua cổ phần giảm 35% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước), lần giảm đầu tiên sau 7 tháng.

Theo lĩnh vực, vốn FDI đăng ký giảm ở công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 30,4% so cùng kỳ năm trước) và bất động sản (giảm 33,9% so cùng kỳ năm trước), nhưng lại tăng ở bán buôn và bán lẻ (tăng 36,0% so cùng kỳ năm trước).

Mặc dù vốn đăng ký giảm, nhưng vốn thực hiện các dự án FDI đã được phê duyệt trong tháng 4 vẫn tăng tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước, tháng tăng thứ năm liên tiếp.

Báo cáo cũng nêu, tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu cao. Tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 15,9% trong tháng 3 (so cùng kỳ năm trước) lên 16,4% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước), tốc độ cao nhất kể từ tháng 1/2018.

Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn có thể phản ánh nhu cầu tín dụng cao hơn do người tiêu dùng tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong mùa hè.

Mặc dù vậy, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn giảm từ 2,08% vào cuối tháng 3 xuống còn 1,37% trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với lãi suất chiết khấu 2,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất giảm cho thấy thanh khoản tương đối dồi dào trên thị trường trong nước.

Điều này có thể phản ánh mức thặng dư ngân sách Nhà nước đáng kể và sự tăng trưởng mạnh hơn của tiền gửi từ khu vực tư nhân sau khi một số ngân hàng nâng lãi suất.

WB nhìn nhận CPI nhích tăng nhẹ từ tỷ lệ 2,4% trong tháng 3 lên 2,6% trong tháng 4, và lạm phát cơ bản tăng lên 1,5% - là tỷ lệ cao trong 17 tháng qua – một phần phản ánh nhu cầu trong nước vốn đang phục hồi lại được đẩy lên bởi chi tiêu tiêu dùng cho hai kỳ nghỉ lễ tăng

Báo cáo cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi bất chấp bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.

Mặc dù vậy, WB cho rằng các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay. Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên, cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ.

Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên được cho phép điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, với các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tổng cung.

Ngoài ra, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục nâng giá nhập khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá thương mại vốn đã xấu đi đáng kể trong quý 1/2022.Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc là ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2022, và điều này có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam.

Cuối cùng, vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên tác động toàn phần của tình trạng phong tỏa ở quốc gia này đối với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn được cảm nhận trong những tháng tới. Điều này cho thấy đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WB khuyến nghị Việt Nam thận trọng với lạm phát