TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra 3 nhóm tác nhân chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyên gia chỉ ra 3 nhóm tác nhân gây áp lực lạm phát trong thời gian tới

Lam Thanh | 12/05/2022, 16:26

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra 3 nhóm tác nhân chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 12.5, Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” diễn ra do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức.

Ba nhóm yếu tố lớn tạo áp lực lạm phát năm 2022

Mặc dù lạm phát trong 4 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng theo TS Nguyễn Bích Lâm, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. Trong đó có 3 nhóm chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%.

Ngoài ra, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra chưa được khắc phục, thì khủng hoảng Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga… gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu trong thời gian tới, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế và gia tăng áp lực lạm phát đối với các quốc gia.

Đặc biệt, nguy cơ mới có thể hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với áp lực gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Việt Nam đang theo đuổi chính sách zero Covid, tăng trưởng chậm lại của quốc gia này, cũng làm gián đoạn hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

“Điều này dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và giá cả hàng hóa sẽ càng bị đẩy lên cao”, ông Lâm nói.

Ông Lâm dự báo, trong năm 2022, giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế.

“Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại”, ông Lâm nêu.

nbl.jpg
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

TS Lâm cũng cho hay tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện trong hai năm 2022-2023 Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỉ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

“Mặc dù cung tiền không gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trị giá 113.550 tỉ đồng có khả năng gây áp lực lên lạm phát”, TS Bích Lâm nói.

Lạm phát năm 2022 khoảng 4-4,5%

TS Nguyễn Bích Lâm dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%.

Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5%- 5,5%.

Nhìn chung, dự báo lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4%- đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.

Về giải pháp để lạm phát Việt Nam cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4%, ông Lâm cho rằng Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Đồng thời cần đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực; dự báo, dự trữ xăng dầu, trong đó phải dự trữ bằng hàng, chứ không phải bằng tiền, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Đối với xăng dầu, ông Lâm cho rằng Bộ Công Thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ; cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Song song với đó, ông Lâm đề nghị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia chỉ ra 3 nhóm tác nhân gây áp lực lạm phát trong thời gian tới