Trong văn bản gửi đến Tổng cục Năng lượng và Tổng cục Hải quan ngày 8.4 mới đây, Tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng mức tính thuế như hiện nay là quá cao, khiến ngành than chịu nhiều gánh nặng, lợi nhuận giảm, khó phát triển.

Khó khăn do thuế tài nguyên “cao nhất thế giới”, TKV xin giảm thuế

Trí Lâm | 18/04/2016, 10:34

Trong văn bản gửi đến Tổng cục Năng lượng và Tổng cục Hải quan ngày 8.4 mới đây, Tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng mức tính thuế như hiện nay là quá cao, khiến ngành than chịu nhiều gánh nặng, lợi nhuận giảm, khó phát triển.

Theo văn bản trên, ông Nguyễn Văn Biên – Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, trong các năm vừa qua, ngành than gặp nhiều khó khăn, bởi vì nhu cầu năng lượng cũng như giá than trên thị trường thế giới đều giảm, trong đó giá than giảm trên 30%. Trong khi đó, các loại thuế, phí lại tăng cao, cụ thể:

“Từ ngày 1.7.2010, thuế tài nguyên đối với than antraxit hầmlòtăng từ 2% lên 5%, than lộ thiên tăng từ 3% lên 7% và từ 1.2.2014, điều chỉnh tăng lên 7% và 9% (tăng khoảng 1000 tỉ đồng mỗi năm)” – ông Biên nêu.

Ngoài ra, theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên sẽ tiếp tục tăng thêm từ ngày 1.7.2016. Theo đó, than khai thác lộ thiên sẽ tăng thêm 12% và than khai thác hầm lò 10%. Điều này làm tăng chi phí phải nộp lên khoảng 1.200 tỉ mỗi năm.

Tổng hợp các loại thuế, phí trong giá thành than trong nước sẽ khoảng 15%, gồm: Thuế tài nguyên bình quân 10%, thuế môi trường và phí môi trường khoảng 2,5%, tiền cấp quyền khai thác 2% và các loại thuế, phí khác chiếm 0,5%. Ngoài ra, ngành than trong nước còn phải chịu thuế Giá trị gia tăng 10%.

Văn bản gửi đi của TKV cũng nêu rõ, đối với than xuất khẩu, tổng số thuế bằng 35% giá thành tấn than. Đơn giá tính thuế tài nguyên, phí môi trường, phí cấp quyền khai thác cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng ngày càng tăng.

Dự kiến, tới đây Chính phủ sẽ còn ra nghị định hướng dẫn cách tính phí môi trường mới, theo đó sẽ tính cả lượng đất đá thải ra khiến TKV sẽ phải nộp thêm khoảng 70 tỉ/năm.

Với mức tính thuế như trên, 6 tháng cuối năm 2016, TKV sẽ phải nộp thuế tài nguyên than tăng thêm 731 tỉ đồng và từ năm 2017, con số sẽ tăng lên 15.00 tỉ đồng mỗi năm.

So sánh với mức thuế, phí của một số quốc gia trên thế giới, ông Biên dẫn ra ví dụ ở Úc, thuế tài nguyên đối với than lộ thiên là 7%, 6% khai thác hầm lò và thêm 5% nếu khai thác ở độ sâu trên 400m.

Trong đó, thuế xuất khẩu than bằng 0%, được miễn nhiều loại phí khác như thăm dò, vận chuyển, cấp cứu, sàng tuyển, tiêu thụ...Ở Trung Quốc, thuế tài nguyên chỉ khoảng 2-10% tùy theo khoáng sàng, bình quân 6%.

Như vậy, theo TKV, mức thuế tài nguyên đối với ngành than tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới hiện nay khiến lợi nhuận giảm, doanh nghiệp không đủ sức để đầu tư phát triển, việc cải thiện chất lượng đời sống công nhân mỏ bị hạn chế...

Theo đó, ông Biên đề nghị giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên với than nói riêng xuống mức bằng các nước trong khu vực: từ 5-7% với than khai thác lộ thiên và không tính thuế trên cả lượng đất đá thải ra.

Ngoài ra, ông Biên cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, vì phải chờ Chính phủ cho phép nên TKV chưa xuất khẩu một tấn than nào. Dự kiến, 2016, dù định hướng sẽ vẫn xuất khẩu nhưng Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 6,5 triệu tấn than.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu từ thuế tài nguyên đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2011 là 39.299 tỉ đồng; năm 2012 là 41.312 tỉ đồng; năm 2013 là 37.875 tỉ đồng và năm 2014 là 38.048 tỉ đồng.

Trong đó, khoảng 80% trong số này là thu từ hoạt động khai thác dầu khí. Trong năm 2014, các loại khoáng sản khác chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 10.792 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh nên số thu từ thuế tài nguyên đánh vào dầu khí giảm mạnh, Bộ Tài chính cần phải tăng thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản khác để bù lại.

Một lý do nữa, theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do. Một trong những yêu cầu khi thực hiện các hiệp định thương mại quốc tế là phải tiến tới xóa bỏ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vì vậy cần phải nâng thuế tài nguyên để bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức thuế tài nguyên như trên, năm 2015 sẽ làm tăng thu cho ngân sách khoảng 3.178 tỉ đồng so với năm 2014.

Trí Lâm
Bài liên quan
Điểm qua 3 loại tên lửa làm leo thang cuộc chiến Ukraine
Tuần qua chứng kiến nhiều diễn biến đáng ngại làm leo thang cuộc chiến Ukraine. Tất cả xoay quanh 3 loại tên lửa tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn do thuế tài nguyên “cao nhất thế giới”, TKV xin giảm thuế