Biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ toàn cầu. Trước thách thức này, nhiều quốc gia đã nhận thức rõ vai trò của giáo dục, nghệ thuật và văn hóa trong việc định hình tư duy và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả và bền vững.
Ngày 3 - 4.4, tại trường Đại học Cần Thơ (TP.Cần Thơ) đã diễn ra cuộc họp tham vấn về kỹ năng cho thanh niên vì một tương lai bền vững. Sự kiện có sự tham dự của 200 khách mời từ khắp khu vực ĐBSCL, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cộng đồng địa phương và đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.
Sự kiện thuộc khuôn khổ Chương trình Kết nối thanh niên (Youth Connect) của Hội đồng Anh hợp tác với Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (DRAGON-Mekong), trường Đại học Cần Thơ, Chương trình hợp tác toàn cầu của Hội đồng Anh với Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC), Chương trình Kỹ năng về khí hậu - hạt giống cho chuyển đổi xanh (Climate Skills).
Biến đổi khí hậu là vấn đề được quan tâm hàng đầu của chính phủ Anh và Việt Nam, Hội đồng Anh và các viện nghiên cứu của Việt Nam, những tổ chức đang thúc đẩy các hợp tác thực tiễn. Báo cáo Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam của Hội đồng Anh cùng chuỗi Đối thoại thế hệ trẻ Việt Nam đã phân tích và cụ thể hóa các phát hiện của báo cáo, nêu bật những vấn đề quan trọng đối với thanh niên Việt Nam ngày nay, bao gồm việc tham gia các hoạt động xã hội, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, khởi nghiệp, giáo dục và đào tạo kỹ năng.
Tiếp theo kết quả của Báo cáo Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam, Hội đồng Anh đã triển khai một số dự án thuộc khuôn khổ Chương trình Kết nối thanh niên dựa trên những phát hiện này. Các dự án này bao gồm: Dự án Nâng cao năng lực chống chịu của thanh niên với tác động của biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Y–CoRe) và dự án Kỹ năng về khí hậu - hạt giống cho chuyển đổi xanh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thuộc chương trình hợp tác toàn cầu của Hội đồng Anh với Ngân hàng HSBC.
Sau hơn 2 năm triển khai dự án Y-CoRe và 1,5 năm của dự án Kỹ năng về khí hậu tại Việt Nam, sự kiện tại TP.Cần Thơ với sự kết hợp của hai dự án để cùng chia sẻ thông tin, sự học hỏi, giới thiệu và trình bày các dự án của thanh niên và thúc đẩy đối thoại. Để hỗ trợ đối thoại quốc tế về vấn đề toàn cầu này, một nhóm gồm 7 nhà giáo dục và đại biểu của chương trình Kỹ năng về khí hậu tại Indonesia đã cùng tham gia sự kiện, chia sẻ kỹ năng và xây dựng cộng đồng toàn cầu.
Ông James Shipton, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam chia sẻ: “Chương trình kết nối là chương trình lãnh đạo thanh niên toàn cầu của Hội đồng Anh, hỗ trợ các bạn trẻ phát triển kỹ năng, tìm kiếm cảm hứng và tạo kết nối để giải quyết những thách thức lớn có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Bằng cách mời các chuyên gia từ Vương quốc Anh và Việt Nam tham gia, chúng tôi đang thu hẹp khoảng cách văn hóa, mang đến những góc nhìn đa dạng và ít được biết đến trong đối thoại về biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa.
Hôm nay, tôi rất vui mừng khi thấy kết quả và thành tựu từ các sáng kiến của chúng tôi, đặc biệt là những kết quả tích cực và số liệu từ các dự án Y-CoRe và Kỹ năng về khí hậu. Thông qua chương trình kết nối, những dự án này đã quy tụ được nhiều bạn trẻ để cùng chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm cá nhân về biến đổi khí hậu, học hỏi lẫn nhau trong việc giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Năm 2023, dự án Y-CoRe lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam, tập trung vào đối tượng thanh niên và sinh viên đại học ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Nhằm tăng cường hiểu biết về biến đổi khí hậu và bình đẳng giới, dự án đã triển khai các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng về khí hậu, khả năng lãnh đạo và sự tham gia của cộng đồng, từ đó thực hiện các mục tiêu:
- Trao quyền cho các thanh niên để tăng cường năng lực lãnh đạo và tầm ảnh hưởng tới các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL.
- Xây dựng cộng đồng để trao đổi kiến thức, tương tác và phát triển các kỹ năng cần thiết cho mạng lưới thanh niên trong khu vực ĐBSCL.
- Nhân rộng tiếng nói và mở rộng cơ hội phát triển năng lực cho thanh niên và giảng viên của tổ chức giáo dục trong khu vực, vận động tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm bình đẳng giới.
Trong 2 năm triển khai và thực hiện dự án Y-CoRe đã có 21 sáng kiến của sinh viên được Hội đồng Anh hỗ trợ triển khai và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Cả hai giai đoạn của dự án đào tạo được 465 sinh viên, giảng viên và cộng đồng địa phương từ các tỉnh và thành phố trong khu vực ĐBSCL, bao gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Đáng chú ý, 60% người tham gia là phụ nữ, thể hiện cam kết của dự án trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Ngoài ra, đã có hơn 100.000 người được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Nhiều người trẻ ngày nay mong muốn được làm việc trong các ngành nghề mới nổi như công nghiệp xanh hay kỹ thuật số với mục tiêu trở thành chất xúc tác, đóng góp sức mình cho sự thay đổi bền vững, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong việc hiểu về cách tiếp cận những cơ hội này.
Các cộng đồng dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và việc thay đổi mô hình việc làm, trong đó những người trẻ tuổi phải đối mặt với những hạn chế mang tính hệ thống trong việc làm thế nào có thể đóng góp sức mình cũng như có thể tham gia vào một nền kinh tế xanh hơn cùng những cơ hội mới trong tương lai.
Cùng làm việc với 2.000 người trẻ dễ bị tổn thương, 300 nhà giáo dục, chương trình Kỹ năng về khí hậu tại Việt Nam đã đi được nửa quãng đường của hành trình ba năm. Chương trình trang bị cho các bạn trẻ dễ bị tổn thương những kỹ năng mềm, như làm việc nhóm, tư vấn, cũng như kiến thức về khí hậu và kinh nghiệm hành động cộng đồng, trang bị cho mỗi cá nhân hướng tới một tương lai thành công.
Trên toàn cầu, chương trình này hoạt động để cung cấp tài nguyên cho các tổ chức địa phương, xây dựng hành động cộng đồng do thanh niên lãnh đạo và loại bỏ các rào cản đối với công việc xanh, trang bị cho những người trẻ kỹ năng, kiến thức và mạng lưới toàn cầu để trở thành một phần của các nền kinh tế xanh hơn.
Hội đồng Anh là tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh, thông qua xây dựng kết nối, tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng giữa người dân Vương quốc Anh và các quốc gia khác, góp phần duy trì hòa bình và thịnh vượng trên toàn thế giới. Hội đồng Anh thực hiện sứ mệnh của mình thông qua các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ Anh, triển khai hoạt động trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hiện diện tại hơn 100 quốc gia. Trong năm 2022-2023, các hoạt động của Hội đồng Anh đã tiếp cận 600 triệu người.