Có thể tin rằng sang năm 2024, nếu kinh tế thế giới phục hồi, thị trường bất động sản vượt khó thì kinh tế của TP.HCM sẽ khởi sắc trở lại với nhiều cửa hàng mở cửa đón khách.

Khi nào TP.HCM mới hết làn sóng nghỉ bán hàng, trả lại mặt bằng?

Hồ Đông | 20/11/2023, 17:49

Có thể tin rằng sang năm 2024, nếu kinh tế thế giới phục hồi, thị trường bất động sản vượt khó thì kinh tế của TP.HCM sẽ khởi sắc trở lại với nhiều cửa hàng mở cửa đón khách.

tra-mat-bang2.jpg
Làn sóng trả mặt bằng nở rộ tại TP.HCM - Ảnh: Hồ Đông

Thời điểm cuối năm, không khí mua sắm tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM thường nhộn nhịp. Thế nhưng, những tháng qua và cho đến giờ, TP.HCM chứng kiến làn sóng trả mặt bằng kinh doanh, nhiều cửa hàng đóng cửa đìu hiu.

Trên nhiều tuyến đường, hàng loạt cửa hiệu thời trang, điện máy, đồ gia dụng... thuộc các phân khúc trung cấp và bình dân sau thời gian kinh doanh ế ẩm đã phải đóng cửa, trả mặt bằng, treo bảng cho thuê mặt bằng.

Trong báo cáo mới nhất của Chợ Tốt Nhà đã chỉ ra, nhu cầu tìm kiếm bất động sản bán và cho thuê đều suy giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, chỉ số tìm kiếm bất động sản bán giảm từ 89 điểm trong quý 2/2022 xuống 61 điểm trong quý 4/2022 (giảm 31%). Chỉ số tìm kiếm bất động sản cho thuê giảm từ 90 điểm trong quý 2/2022 xuống 84 điểm trong quý 4/2022.

Khảo sát cho thấy, tình hình kinh tế khó khăn, kinh doanh kém hiệu quả khiến làn sóng trả mặt bằng diễn ra mạnh từ cuối năm 2022 đến nay. Trước đây, việc trả mặt bằng chủ yếu diễn ra ở khu trung tâm TP.HCM thì hiện nay lan rộng ra khu vực ven. Các mặt bằng kinh doanh dù giá thuê không cao, nhưng vì buôn bán ế ẩm khiến chủ quán khó cầm cự. 

Ngay cả giá cho thuê nhà xưởng ở vùng ven cũng chịu vạ lây trong cơn bão khó khăn kinh tế. Giá thuê ghi nhận ở một số nhà xưởng giảm dao động từ 15-40% so với cuối năm 2021. Một số khác vẫn tăng 6-10%/năm hoặc giữ nguyên giá. Điều này cho thấy, những khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kéo theo các kho xưởng phục vụ kinh doanh liên tục bị trả ra.

Lý giải xu hướng nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh suy giảm, một số chủ cửa hàng cho rằng do cuộc sống đang khó khăn nên người dân có xu hướng "thắt lưng buộc bụng", kiểm soát chi tiêu gắt gao hơn. Ngay cả lớp trung lưu ở TP.HCM, có không ít người đang gặp nhiều khó khăn liên quan đầu tư đất đai. Họ phải lo chống đỡ các khoản nợ vay bất động sản nên không có tinh thần và buộc phải thắt chặt chi tiêu. Không chỉ giảm mua sắm những mặt hàng thời trang mà ngay cả ăn uống bên ngoài họ cũng cắt giảm.  

Bà Trần Phạm Phương Quyên - quản lý cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM cho biết: "Tại TP.HCM, các thương hiệu ở phân khúc trung bình đang gặp nhiều thách thức khi doanh số giảm 20-30% so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do nhóm người tiêu dùng của phân khúc này thường nhạy cảm hơn về giá thành của các sản phẩm. Khi nền kinh tế chung khó khăn, họ có xu hướng thắt chặt hơn về chi tiêu cũng như cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố giá thành khi mua sắm".

Một lý do quan trọng khác không thể quên nhắc là khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến việc chi tiêu của các thị trường xuất khẩu giảm lại. Điều đó khiến các đơn đặt hàng với doanh nghiệp giảm mạnh nên công nhân gặp khó khăn trong thu nhập.

Ngoài ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, việc đứt gãy chuỗi cung ứng kinh doanh của TP.HCM và các tỉnh lân cận từ đợt giãn cách năm 2021 đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Và cũng do trong đợt giãn cách xã hội, phần đông người tiêu dùng đã có thói quen chuyển sang mua sắm online, nhất là qua các sàn thương mại điện tử. Các mặt hàng bán online đa dạng, người mua có thể lựa chọn, so sánh giá cả, mẫu mã chỉ bằng vài thao tác trên các thiết bị điện tử. Và trên hết là mua hàng online thường có giá rẻ hơn nhiều so với ở chợ do người bán không mất chi phí mặt bằng trong khi các sàn thương mại điện tử còn tiếp sức bằng việc liên tục trợ giá, tung ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt, cung cấp cho khách hàng nhiều ưu đãi giảm giá vô cùng hấp dẫn...

Khảo sát nhu cầu của hơn 9.000 người tiêu dùng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam vừa được PwC đưa ra gần đây khẳng định, người tiêu dùng đã thay đổi lối sống và thói quen mua hàng do tác động của dịch COVID-19. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 63% người tiêu dùng toàn cầu đã tăng cường mua sắm trực tuyến, trong khi 42% giảm mua sắm tại các cửa hàng.

Trước tình hình như vậy, TS. Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện NC Tin học & Kinh tế ứng dụng) chia sẻ với truyền thông, nếu nguyên nhân chỉ từ suy thoái thế giới, cách giải quyết tương đối đơn giản. Bởi kỳ vọng đến năm 2024, khi các đơn hàng tăng trở lại, xuất khẩu khởi sắc thì kinh tế thành phố sẽ phục hồi theo.

TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng: “Nếu vấn đề của lĩnh vực bất động sản được giải quyết trong 2024 thì dòng kinh doanh thương mại sẽ phục hồi tốt hơn, nếu không thì khó khăn của TP.HCM chỉ giải quyết được một phần”.

Nhưng riêng việc cạnh tranh với kinh doanh điện tử thì sẽ là điều rất khó khăn với kinh doanh truyền thống. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy ngay trong thời điểm đại dịch COVID-19 nhưng kinh doanh online của nước ta vẫn đạt con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ, lên đến 30% mỗi năm (giai đoạn 2016 - 2020). Thị trường này cũng đón chào thêm 40% khách hàng mới lần đầu mua sắm trực tuyến và doanh thu vượt 15 tỉ USD trong năm 2021. Năm 2022, số lượt người Việt Nam mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước. Xu thế tiêu dùng số hóa đã vượt qua điểm tới hạn và không thể đảo ngược.

Do vậy, theo TS. Đinh Thế Hiển, “nhu cầu mặt bằng ở những vị trí đẹp dần giảm đi và người kinh doanh đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chọn những mặt bằng khuất hơn, rẻ hơn và kết hợp kinh doanh online để tồn tại trong thời đại số”.

Như vậy, có thể tin rằng sang năm 2024, nếu kinh tế thế giới phục hồi, thị trường bất động sản vượt khó thì kinh tế của TP.HCM sẽ khởi sắc trở lại với nhiều cửa hàng mở cửa đón khách. Tuy nhiên, rất khó để trở lại với không khí mua sắm nhộn nhịp như trước COVID-19 khi giới trẻ ngày càng quen với việc mua sắm online, săn hàng giá rẻ trên sàn thương mại điện tử.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nào TP.HCM mới hết làn sóng nghỉ bán hàng, trả lại mặt bằng?