Việc châu Âu từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh hàng hóa sang thị trường này.

Thỏa thuận Xanh châu Âu: Từ thách thức đến cơ hội cho hàng Việt

Tuyết Nhung | 19/11/2023, 12:23

Việc châu Âu từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh hàng hóa sang thị trường này.

Thỏa thuận Xanh (EGD) là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế. Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên/với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.

phat-trien-nang-luong-gio-bien-o-viet-nam.jpg
Thỏa thuận Xanh (EGD) nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế - Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định Chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong nỗ lực theo đuổi xu thế này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) từ đầu năm 2020.

Đây là chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050 với các gói sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.

EGD đã được thông qua ngày 15.1.2020, định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050. Chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai EGD, EU đã có nhiều chính sách xanh có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.

Một khảo sát nhanh do Trung tâm WTO thực hiện vào tháng 8 vừa qua cho thấy có tới 88 - 93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới EGD hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8 - 12%). Có tới 88 - 93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới EGD hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.

Vì thế, theo các chuyên gia, điều cần làm là các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về EGD để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Mặc dù trước mắt các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc VCCI) cho biết, theo rà soát của VCCI, EU đã ban hành gần 60 hành động để thực thi Thỏa thuận Xanh. Theo đó, những quy định của EU sẽ có tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên 3 góc độ chính.

Thứ nhất là làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Thứ 2 là làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất khi nhập khẩu vào EU. Thứ 3 là làm tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp. Đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.

Đồng thời, việc thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Úc…).

Ngoài các giải pháp chung cho tất cả các ngành bị ảnh hưởng bởi EGD, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm và dệt may Việt Nam sang EU được khuyến nghị cần quan tâm theo dõi sát xu hướng xanh ở EU, đặc biệt là các chính sách, quy định pháp luật cụ thể triển khai chiến lược Từ trang trại tới bàn ăn (F2F) và chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững của EU.

Cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với khách hàng và các đơn vị liên quan trong cập nhật quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định xanh cụ thể liên quan tới sản phẩm của mình và có hành động chuẩn bị phù hợp, chủ động và tích cực để sẵn sàng tuân thủ.

Với riêng ngành dệt may, ngoài các yêu cầu từ EGD, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh của riêng mình ngay từ bây giờ nhằm đáp ứng theo lộ trình hợp lý các yêu cầu xanh từ phía người tiêu dùng và khách hàng, từ đó, bảo đảm khả năng duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững.

Là một trong những đối tác quan trọng của EU, Thỏa thuận Xanh châu Âu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng của Việt Nam, bà Nguyễn Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định Thỏa thuận Xanh châu Âu có khả năng ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam, tùy thuộc vào bản chất của ngành và các biện pháp cụ thể được đưa ra theo thỏa thuận.

Một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép. EU là thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam. Thỏa thuận Xanh EU, cụ thể là kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn, sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.

Trong ngành bao bì, bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như các doanh nghiệp sử dụng bao bì cho các sản phẩm xuất khẩu.

Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU là nông sản và thủy sản. Thỏa thuận Xanh đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, điều này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và giảm sử dụng hóa chất độc hại.

Ngành sắt thép cũng có khả năng bị ảnh hưởng do Thỏa thuận Xanh đặt ra mục tiêu giảm sử dụng các vật liệu sử dụng nhiều năng lượng và chuyển sang sử dụng các vật liệu bền vững hơn.

"Tóm lại, Thỏa thuận Xanh của EU đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đón đầu các xu hướng mới để tạo ra các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn để được hưởng lợi trong dài hạn", bà Thúy cho hay.

Để chuẩn bị cho các tác động của Thỏa thuận Xanh châu Âu, giới chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần cân nhắc áp dụng những biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế. Ví dụ, đối với cơ chế điều chỉnh carbon, thay vì mua chứng chỉ carbon của EU, các doanh nghiệp nên bắt đầu thực hiện các bước để giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, cần chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất.

Cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững do Thỏa thuận Xanh châu Âu đặt ra. Bằng cách thực hiện các bước này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuẩn bị tốt hơn cho tác động của Thỏa thuận Xanh châu Âu và tiếp tục cạnh tranh trên thị trường EU.

Bài liên quan
Thỏa thuận xanh châu Âu sẽ thay đổi nền kinh tế để giải quyết khủng hoảng khí hậu
Ủy ban châu Âu đã thông qua “Thoả thuận xanh”, với mục tiêu chính là ngăn chặn thảm họa khí hậu mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thỏa thuận Xanh châu Âu: Từ thách thức đến cơ hội cho hàng Việt