Bối cảnh thị trường biến động kém tích cực, đi kèm các tin đồn không xác thực, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng bán trái phiếu, chứng chỉ quỹ bằng mọi giá.

Khi nào quỹ đầu tư cần áp dụng liệu pháp 'phanh khẩn cấp'?

H.V | 19/11/2022, 11:50

Bối cảnh thị trường biến động kém tích cực, đi kèm các tin đồn không xác thực, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng bán trái phiếu, chứng chỉ quỹ bằng mọi giá.

Động thái này khiến các quỹ có thể phải áp dụng liệu pháp “phanh khẩn cấp” là tạm dừng giao dịch mua lại các chứng chỉ quỹ để bảo toàn tài sản cho chính nhà đầu tư. Tại Việt Nam, quy định của Luật Chứng khoán cho phép các quỹ có thể tạm dừng giao dịch trong tối đa 90 ngày trong trường hợp bất khả kháng, để tâm lý nhà đầu tư bình ổn lại và thị trường diễn biến tốt hơn. Đây cũng là thông lệ thường có trên thế giới.

Hiện nay, quỹ mở dần trở thành loại hình đầu tư được ưa thích nhất dành cho các nhà đầu tư cá nhân (NĐT) với quy mô đầu tư vừa và nhỏ bởi tính linh hoạt và đa dạng trong nhóm ngành đầu tư của quỹ mà bản thân cá nhân không thể đầu tư với số vốn nhỏ.

1.png

Trong đó, với các quỹ đầu tư trái phiếu được quản lý chuyên nghiệp, danh mục đa dạng, đầu tư vào các tài sản trái phiếu đại chúng và niêm yết có chất lượng của các doanh nghiệp tốt, trả lãi đều đặn, và thường có tài sản đảm bảo để dễ dàng xử lý.

Trên thực tế, trái phiếu là loại tài sản có thu nhập cố định hấp dẫn, có thể sử dụng làm nguồn thu nhập thụ động cho các NĐT. Trái phiếu xếp hàng cao hơn cổ phiếu trong cơ cấu vốn tài chính của doanh nghiệp (trái chủ sẽ luôn được trả tiền trước) nên mức độ rủi ro của trái phiếu thấp hơn cổ phiếu. Đây cũng là đặc tính của các chứng chỉ quỹ mở, nhưng thuận lợi hơn cho các NĐT có vốn nhỏ có thể tham gia và không phải đáp ứng các tiêu chí NĐT chuyên nghiệp.

Ồ ạt rút chứng chỉ quỹ sẽ gây thiệt hại cho cả NĐT và quỹ

Tính đến cuối tháng 9, dư nợ trái phiếu đạt hơn 1.3 triệu tỉ đồng (tương đương với hơn 13% GDP năm 2021), trong đó nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng/tổ chức tín dụng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 909 ngàn tỉ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455 ngàn tỉ đồng.

Con số này ước tính chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, và chất lượng tín dụng của ngành bất động sản có sự phân hóa cao, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

Đơn giản, việc nhà đầu tư muốn ồ ạt rút khiến các quỹ phải bán tài sản với giá giảm (discount) so với giá trị thật của tài sản. Đặt trong bối cảnh thanh khoản thị trường ảm đạm, mức giá giảm sẽ càng lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị mua lại - tiền mang về (redemption) NĐT có thể rút ra, mà còn ảnh hưởng đến việc định giá các tài sản còn lại của quỹ cho các NĐT ở lại.

Những NĐT nắm giữ các trái phiếu thuộc doanh nghiệp bất động sản (trong đó có các NĐT tổ chức chuyên nghiệp là quỹ đầu tư, ngân hàng) vẫn đang sở hữu những tài sản sinh lợi ổn định. Nhưng việc ồ ạt rút quỹ, đang ảnh hưởng trực diện tới các quỹ và cả chính NĐT.

Thông thường, mô hình quỹ mở gọi vốn từ nhiều NĐT và sau đó mang tiền đi đầu tư phần lớn vào các tài sản sinh lời chỉ để lại số tiền rất nhỏ dự phòng cho việc NĐT rút tiền. Số tiền này được tính toán trên cơ sở số liệu thực tế và thường nằm trong khoảng 5 - 7% tổng giá trị tài sản của quỹ.

Trong điều kiện thị trường hoạt động bình thường, việc NĐT nộp/rút tiền sẽ nằm trong sự tính toán của nhà quản lý quỹ. Nhưng khi NĐT ồ ạt rút tiền trong khoảng thời gian ngắn làm gia tăng áp lực thanh khoản. Như vậy, quỹ sẽ buộc phải gia tăng tốc độ bán tài sản đang sinh lời cho quỹ đi để thu tiền mặt về.

Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến danh mục đầu tư, trước hết, là làm giảm tỷ suất sinh lời chung cho cả danh mục vì số lượng tài sản sinh lời giảm xuống.

Đồng thời, để thanh khoản nhanh, công ty quản lý quỹ phải giảm giá sâu tài sản bán ra, điều này dẫn tới tốc độ giảm giá trị tài sản ròng (NAV) sẽ nhanh hơn tốc độ giảm số lượng chứng chỉ quỹ (CCQ), khiến đơn giá NAV/CCQ sẽ giảm mạnh.

Nguy hại hơn, hiệu ứng dây chuyền sẽ khiến phần lớn NĐT có tâm lý lo sợ và cùng lúc bán ra CCQ khi chưa đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng dẫn tới thua lỗ.

Không những thế, cả những NĐT ở lại cũng bị vạ lây. Do cơ chế hoạt động của quỹ mở, việc NĐT đặt lệnh bán sẽ dẫn tới việc công ty quản lý quỹ thực hiện bán tài sản tương ứng để hoàn tiền. Tuy nhiên, một rủi ro có thể xảy ra là việc bán tài sản có thể không được như giá kỳ vọng và có thể số tiền thu về sẽ không đủ trả cho số lượng NĐT bán CCQ.

Do vậy, tổng NAV sau giao dịch bán tài sản sẽ giảm hơn kỳ vọng trong khi số tiền phải trả cho các NĐT đã đặt lệnh bán đã chốt và quỹ phải trả đủ. Điều này sẽ khiến giá NAV/CCQ của các NĐT còn lại đang nắm giữ sẽ bị giảm theo.

Hành động theo đám đông mà thiếu đi sự tỉnh táo phân tích chất lượng sản phẩm đầu tư, sức khoẻ tài chính của tổ chức phát hành trái phiếu, các nhà đầu tư đang tự gây áp lực cho chính mình và còn phải chịu thiệt hại do bán ồ ạt.

90 ngày là “thời gian vàng” để NĐT có thể ổn định lại tâm lý

Tại Việt Nam, lãnh đạo một quỹ cho biết trong 2 tuần gần đây các quỹ trái phiếu bị rút 2 - 3% tài sản ròng (NAV) mỗi ngày. Với xu hướng rút vốn ròng hiện nay, các quỹ trái phiếu trên thị trường có thể sẽ phải thực hiện bán thanh lý các tài sản đầu tư trên danh mục của mình để đáp ứng thanh khoản cho khách hàng. Theo quy định của Bộ Tài chính, các quỹ có thể được tạm dừng giao dịch 90 ngày do nguyên nhân bất khả kháng. 90 ngày là “thời gian vàng” để NĐT có thể ổn định lại tâm lý, qua đó đưa ra một quyết định chính xác hơn.

Cần lưu ý thêm là tài sản (như tiền, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu...) của quỹ đầu tư theo quy định đang được cất giữ, lưu ký và quản trị độc lập bởi các Ngân hàng giám sát lớn, uy tín và được cấp phép như Standard Chartered, HSBC, BIDV... Việc quản lý tài sản độc lập và tách bạch ra khỏi công ty quản lý quỹ (điều hành đầu tư) để đảm bảo rằng tài sản của quỹ đầu tư được an toàn và minh bạch cho các NĐT vào chứng chỉ quỹ. Nên việc không được bán lại chứng chỉ quỹ chỉ là tạm thời dừng thanh khoản cho NĐT, chứ không phải bị mất tài sản.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, trách nhiệm của quỹ là thực hiện lệnh của các nhà đầu tư, các quỹ nhận tiền từ NĐT thì cần bảo vệ tài sản và thực hiện các yêu cầu từ phía NĐT. Cũng theo ông Hiếu, đây là thời điểm khó khăn cho NĐT, phải tính toán xem việc rút ra các quỹ có lợi không. Vì vậy, các quỹ đầu tư có thể xem xét tạm dừng các động thái rút vốn để có thời gian cho các quỹ hồi phục để bảo vệ giá trị tài sản của mình.

Việc tạm dừng hoạt động cũng là thời gian để chờ thị trường hồi phục, công ty quản lý quỹ cũng sẽ có thời gian để dự phòng các dòng tiền hợp lý để tiếp tục giao dịch sau đó, qua đó bảo toàn tài sản và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NĐT. Ngoài ra, dù quỹ tạm dừng giao dịch, nhưng tài sản của quỹ vẫn còn đó. Các trái phiếu trong danh mục của quỹ vẫn sinh lãi ổn định 10 - 12%. Và như thế quỹ trái phiếu vẫn sinh lãi như bình thường.

Bài liên quan
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, từ những bước đầu tiên, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã vươn lên trở thành điểm sáng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nào quỹ đầu tư cần áp dụng liệu pháp 'phanh khẩn cấp'?