Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho Việt Nam trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại Diễn đàn Thương mại Việt - Mỹ thường niên năm 2022 ngày 17.11. Theo đó, thứ trưởng cho biết dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương với Mỹ, nhưng thách thức đặt ra với Việt Nam cũng không hề đơn giản. Đó là việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Mỹ đối với hàng hóa của Việt Nam.
Hiện Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, dẫn đến việc phải sử dụng nước thứ 3 để đánh giá mức độ thiệt hại, gây thiệt thòi rất lớn cho Việt Nam trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7.2019, tới tháng 9.2022 đã có nhiều sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ.
Ví dụ, trong vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Mỹ không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Mỹ cáo buộc 110%.
Nhìn vào danh mục hàng hóa giao thương giữa hai nước thời gian qua, có thể thấy Việt Nam đã trở thành một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế Mỹ, ngoài các liên kết chuỗi truyền thống như thiết bị điện tử, bông, gỗ, nông sản... hai nước còn nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là kinh tế số.
Ngoài ra, Mỹ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu nông-lâm-thủy sản lớn của Việt Nam. Vì vậy, TP.HCM đề xuất các cơ quan Mỹ xem xét, hỗ trợ nghiên cứu tiền khả thi việc thành lập trung tâm chiếu xạ hàng hóa xuất khẩu và hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn, nhân sự để thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy tối đa nguồn lực về nông nghiệp, cung cấp những sản phẩm nông sản đa dạng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho người tiêu dùng Mỹ, thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỉ USD năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Dự kiến, con số này còn tăng hơn vào cuối năm 2022. Hiện Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ 2 có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỉ USD với Việt Nam.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Nhiều năm qua, Mỹ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỉ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Giai đoạn 2020-2022, mặc dù đại dịch và xung đột thương mại, địa chính trị diễn biến gay gắt, nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ.
Bà Pamela Phan - Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách khu vực châu Á (Bộ Thương mại Mỹ) đánh giá quan hệ Việt Nam - Mỹ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại đóng vai trò trung tâm.
Cả khu vực công và tư của Mỹ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến mới, các lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay như kinh tế số, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính...