Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ trong tuần này đã đề cập đến những lợi ích của trí tuệ nhân tạo (AI) với nhân loại, thu hút sự chú ý tại sự kiện công nghiệp hàng đầu châu Âu khi nhiều cơ quan quản lý toàn cầu nỗ lực tìm cách hạn chế những tác hại liên quan đến công nghệ này.
Thế giới số

Google, Microsoft, Amazon quảng bá lợi ích của AI ở EU khi cơ quan quản lý tăng cường giám sát

Sơn Vân 19:20 23/05/2024

Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ trong tuần này đã đề cập đến những lợi ích của trí tuệ nhân tạo (AI) với nhân loại, thu hút sự chú ý tại sự kiện công nghiệp hàng đầu châu Âu khi nhiều cơ quan quản lý toàn cầu nỗ lực tìm cách hạn chế những tác hại liên quan đến công nghệ này.

Tại hội nghị Viva Tech ở Paris (thủ đô Pháp) hôm 22.5, Werner Vogels (Giám đốc Công nghệ của Amazon) và James Manyika (Phó chủ tịch cấp cao về Công nghệ và Xã hội của Google) đã nói về tiềm năng to lớn mà AI đang mở ra cho các nền kinh tế và cộng đồng.

Điều đáng chú ý là bình luận của họ đến khi luật lớn đầu tiên trên thế giới quản lý AI, Đạo luật AI của Liên minh châu Âu (EU), đã được bật đèn xanh. Các cơ quan quản lý đang tìm cách hạn chế tác hại và lạm dụng công nghệ này, chẳng hạn như thông tin sai lệch và vi phạm bản quyền.

Ủy viên châu Âu Thierry Breton, người thiết kế chính về các quy tắc xung quanh nhóm Big Tech (các hãng công nghệ lớn), sẽ phát biểu cuối tuần này.

Được giao nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới công nghệ trong Amazon, Werner Vogels nói rằng AI có thể được sử dụng để “giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất trên thế giới”. Theo ông, dù AI có tiềm năng giúp các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực thành công nhưng “chúng ta cần sử dụng có trách nhiệm công nghệ này để giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất của thế giới”.

Werner Vogels cho biết điều quan trọng là phải nói về “AI ở thời điểm hiện tại”, tức những cách mà công nghệ này có thể mang lại lợi ích cho người dân trên toàn thế giới hiện nay.

Ông đề cập đến các ví dụ về cách AI đang được sử dụng ở Jakarta (thủ đô Indonesia) để kết nối các chủ trang trại lúa nhỏ với các dịch vụ tài chính. AI cũng có thể được sử dụng để xây dựng chuỗi cung ứng gạo hiệu quả hơn, mà Werner Vogels gọi là “nguồn lương thực quan trọng nhất”, với 50% dân số hành tinh phụ thuộc vào gạo là nguồn lương thực chính.

Giám sát các nỗ lực ở Google và Alphabet về đổi mới có trách nhiệm, James Manyika cho biết AI có thể mang lại lợi ích to lớn về mặt y tế và công nghệ sinh học.

Ông cho biết một phiên bản của mô hình AI Gemini do Google phát hành gần đây được thiết kế riêng cho các ứng dụng y tế và có thể hiểu được bối cảnh liên quan đến lĩnh vực y tế.

Google DeepMind, đơn vị chủ chốt đứng sau các nỗ lực AI của Google, cũng tung ra phiên bản mới mô hình AI AlphaFold 3 có thể hiểu được “tất cả phân tử của sự sống, không chỉ riêng protein”. Google DeepMind đã cung cấp công nghệ này cho các nhà nghiên cứu.

James Manyika cũng nêu ra những đổi mới mà Google đã công bố tại sự kiện dành cho các nhà phát triển I/O tuần trước ở thành phố Mountain View (bang California, Mỹ), gồm cả công nghệ chèn hình mờ mới để xác định văn bản, hình ảnh và âm thanh do AI tạo ra.

Ông cho biết Google đã cung cấp nguồn mở công nghệ chèn hình mờ của mình để bất kỳ nhà phát triển nào cũng có thể “xây dựng và cải tiến nó”.

James Manyika nói: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta sẽ phải làm một số việc, đặc biệt là trong một năm như thế này, hơn 1 tỉ người trên thế giới sẽ đi bỏ phiếu (trong các cuộc bầu cử), nên những lo ngại về thông tin sai lệch là rất quan trọng. Đây là một số điều chúng ta nên tập trung vào”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng rất nhiều cải tiến mà Google đưa ra đều có nguồn gốc từ các kỹ sư tại trung tâm ở Pháp, đồng thời tuyên bố họ cam kết tìm nguồn cho phần lớn sự đổi mới từ bên trong EU.

James Manyika nói rằng gần đây Google đã giới thiệu Gemma AI, mô hình nguồn mở nhẹ, được phát triển mạnh mẽ tại trung tâm công nghệ của hãng tại Pháp.

google-microsoft-amazon-quang-ba-loi-ich-cua-ai-o-eu-khi-cac-nha-quan-ly-tang-cuong-giam-sat.jpg
Google, Microsoft, Amazon đề cập đến những lợi ích của AI với nhân loại, thu hút sự chú ý tại Viva Tech khi nhiều cơ quan quản lý trên toàn cầu nỗ lực hạn chế những tác hại liên quan đến công nghệ này - Ảnh: Getty Images

Cơ quan quản lý EU quy tắc toàn diện để quản lý AI

Bình luận của James Manyika được đưa ra chỉ một ngày sau khi EU phê chuẩn Đạo luật AI, văn bản pháp lý mang tính đột phá nhằm đặt ra các quy tắc toàn diện để quản lý AI.

Đạo luật AI áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro với AI, nghĩa là các ứng dụng công nghệ khác nhau được xử lý khác nhau tùy thuộc vào mối đe dọa mà chúng gây ra.

James Manyika nói: “Đôi khi tôi lo lắng khi tất cả các câu chuyện của chúng ta chỉ tập trung vào những rủi ro. Những điều đó rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng nên suy nghĩ xem tại sao chúng ta lại xây dựng công nghệ này? Tất cả nhà phát triển đang suy nghĩ về cách chúng ta cải thiện xã hội, cách chúng ta xây dựng hoạt động kinh doanh, cách chúng ta thực hiện những điều sáng tạo, giàu trí tưởng tượng để giải quyết một số vấn đề của thế giới”.

Ông nói rằng Google cam kết cân bằng sự đổi mới “có trách nhiệm” và “suy nghĩ kỹ xem điều này có gây hại cho con người theo bất kỳ cách nào không, điều này có mang lại lợi ích cho con người theo cách nào không và cách chúng tôi tiếp tục nghiên cứu những điều đó”.

Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang cố gắng giành được sự ưu ái của cơ quan quản lý khi phải đối mặt với lời chỉ trích về việc hoạt động kinh doanh của họ có ảnh hưởng xấu đến các công ty nhỏ hơn trong lĩnh vực từ quảng cáo, bán lẻ đến sản xuất truyền thông.

Cụ thể hơn, với sự xuất hiện của AI, nhiều người lo ngại các hệ thống AI tạo sinh tiên tiến từ Big Tech sẽ thay thế một số công việc, khai thác tài liệu có bản quyền để đào tạo dữ liệu cũng như tạo ra thông tin sai lệch và nội dung có hại.

Lấy lòng các quan chức Pháp

Big Tech đang tìm cách lấy lòng các quan chức Pháp.

Tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh đầu tư nước ngoài Choose France (Chọn Pháp), Microsoft và Amazon đã ký cam kết đầu tư tổng cộng 5,2 tỉ euro (5,6 tỉ USD) tài trợ cho cơ sở hạ tầng đám mây và AI cũng như việc làm ở Pháp.

Tuần này, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đã gặp Eric Schmidt (cựu Giám đốc điều hành Google), Yann LeCun (Giám đốc khoa học AI của Meta Platforms), James Manyika và nhà lãnh đạo các hãng công nghệ khác tại Cung điện Elysee để thảo luận về cách biến nước này trở thành trung tâm AI toàn cầu.

Ông Emmanuel Macron đã chào đón các nhà lãnh đạo từ nhiều hãng công nghệ khác nhau đến Pháp và cảm ơn họ vì có mặt tại Viva Tech để “cam kết với nước này”.

Tổng thống Pháp nói rằng: “Tôi rất tự hào khi có các bạn ở đây với tư cách là những tài năng trong lĩnh vực AI toàn cầu”.

Matt Calkins, Giám đốc điều hành của Appian (hãng phần mềm doanh nghiệp Mỹ), nói với kênh CNBC rằng Big Tech “có ảnh hưởng lớn hơn mức bình thường so với các tổ chức khác trong việc phát triển và triển khai công nghệ AI”.

Ông nói: “Tôi lo ngại rằng có khả năng xảy ra độc quyền xung quanh Big Tech và AI. Họ có thể đào tạo mô hình AI của mình trên dữ liệu thuộc sở hữu tư nhân, miễn là ẩn danh dữ liệu đó. Song, việc ẩn danh dữ liệu vẫn chưa đủ để bảo vệ quyền riêng tư, mà cần có các biện pháp bảo mật mạnh mẽ hơn khi sử dụng dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp”.

Bài liên quan
Cuộc đua ngầm mua dữ liệu đào tạo AI của Big Tech mang lại cho Photobucket sức sống mới
Vào thời kỳ đỉnh cao đầu những năm 2000, Photobucket là trang web lưu trữ hình ảnh hàng đầu thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google, Microsoft, Amazon quảng bá lợi ích của AI ở EU khi cơ quan quản lý tăng cường giám sát