Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, cần một chương trình cải cách toàn diện, làm sao để Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn, đáng tin cậy đối với giới đầu tư và kinh doanh, là nơi đáng sống và làm việc lâu dài cho các nhân tài thế giới.
Ngày 15.11.2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận 47-TB/TW về việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Địa điểm được chọn là TP.HCM và Đà Nẵng. Tiếp đó, ngày 5.3.2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, Việt Nam cần giải quyết hàng loạt thách thức về hạ tầng, chính sách và nguồn nhân lực.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam về vấn đề này.
Việt Nam đang thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Theo ông, những yếu tố then chốt nào quyết định sự thành công của một trung tâm tài chính?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này xét từ góc độ chúng ta cần và nên làm tất cả để phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước, nhất là về kinh tế, với mục tiêu có tính điểm nhấn, đó là đổi mới đột phá, vươn mình để tiến lên không tụt hậu với các nước trong thời đại mới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các ý tưởng này thì cần nhận diện được các khó khăn và thách thức phải vượt qua.
Trong khía cạnh này, bỏ qua câu chuyện xây các tòa nhà hay khu đô thị với trang thiết bị hạ tầng hiện đại như kiểu làm dự án bất động sản, tôi cho rằng có ít nhất ba trở ngại ban đầu cần được xử lý.
Một là, khung pháp luật về các lĩnh vực dân sự, thương mại, đầu tư và tài chính phải được phát triển và hoàn thiện theo hướng đạt các chuẩn mực quốc tế, đủ độ thông thoáng, cởi mở nhưng minh bạch và an toàn. Trên thực tế, nếu thống nhất ý chí, chúng ta có thể xây dựng rất nhanh các đạo luật, tuy nhiên vấn đề thực thi lại hoàn toàn khác. Đó là cần có cả sự cải cách và các nỗ lực công phu trong thời gian dài để bảo đảm các dịch vụ tư pháp và quyền thực thi hợp đồng, nhằm đạt được các kỳ vọng của giới tài chính quốc tế cũng như niềm tin của khách hàng là doanh nghiệp và người dân.
Hai là, trung tâm tài chính quốc tế rất cần nguồn nhân lực trình độ cao và có tính cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính và các ngành nghề phụ trợ. Lấy từ kinh nghiệm Singapore, các chuyên gia đã đánh giá sự thành công của trung tâm tài chính ở đó phần lớn nhờ có lực lượng chuyên môn tài năng, mà theo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu - GTCI năm 2023 thì quốc gia này đứng ở hàng thứ hai chỉ sau Thuỵ Sĩ, trong khi đó Việt Nam còn đang đứng ở hàng thứ 75 trên 134 nước được đánh giá. Tức đây là vấn đề của nền giáo dục đào tạo và thu hút nhân tài, đều là các chủ đề lớn và khó mà không thể giải quyết xong trong một sớm một chiều.
Thứ ba, có một câu hỏi rất kỹ thuật đó là các giao dịch diễn ra ở các trung tâm tài chính Việt Nam sẽ sử dụng đồng tiền nào? Hiện nay tại các nước có trung tâm tài chính toàn cầu, đồng tiền quốc gia được sử dụng đều có khả năng chuyển đổi hay ít nhất có uy tín, giá trị quốc tế được nhiều nền kinh tế công nhận, ví dụ như đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, tiền đồng của chúng ta chưa được như vậy. Cho nên, tôi tin rằng sẽ rất khó khăn về quản trị cả phương diện kỹ thuật giao dịch lẫn bảo đảm chủ quyền tiền tệ và an ninh tài chính khi có các xung đột về tiền tệ ngay trong chính nền kinh tế.
Tóm lại, cho dù đó là định hướng đúng, tôi thấy rằng việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ là một quá trình đòi hỏi các nỗ lực và kiên nhẫn rất lớn, nó gắn liền với các cải cách đồng bộ về thể chế, quản trị quốc gia và môi trường vĩ mô của nền kinh tế.
Như ông nói, để vận hành trung tâm tài chính quốc tế thành công thì cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ năng lực thực hành theo chuẩn mực quốc tế. Theo ông, cần giải bài toán nhân sự cho trung tâm tài chính ra sao?
- Tôi thấy đây là bài toán khó nhất. Con người Việt Nam có tố chất thông minh, hiếu học nhưng chất lượng đào tạo đại học của nước ta còn khá kém và tụt hậu so với các nước, đặc biệt là các quốc gia có các trung tâm tài chính quốc tế đang hoạt động. Như vậy, cần có chính sách và cơ chế thu hút nhân tài từ các nguồn bên ngoài, bao gồm cả nhóm đối tượng là người trẻ Việt Nam được đào tạo bài bản ở nước ngoài và lực lượng người nước ngoài có chuyên môn cao.
Tuy nhiên, với đội ngũ này, để khuyến khích họ trở về Việt Nam hay đến Việt Nam làm việc lâu dài không phải là điều dễ dàng. Tại sao? Bởi cái họ cần không chỉ là thu nhập cao mà còn là môi trường làm việc và môi trường sống cho cả bản thân và gia đình, tức là một bài toán phức hợp.
Về thu nhập, đó là câu chuyện thị trường, tuy nhiên, để khuyến khích, liệu Chính phủ có thể ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho họ như từng áp dụng bao năm qua đối với các doanh nghiệp FDI hay không? Còn về môi trường làm việc và môi trường sống thì đó phải các đô thị tiện ích và đáng sống thật sự, bao gồm các yếu tố đạt chuẩn như hạ tầng giao thông, thông tin, sinh hoạt, giải trí, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là an ninh cá nhân và môi trường sạch.
Cần lưu ý rằng vấn đề nhân lực đạt chuẩn cho trung tâm tài chính rất khác so với lĩnh vực kỹ thuật hay công nghệ, bởi đây không phải là lĩnh vực mà người Việt Nam, dù là chuyên gia, có thể “gia công” cho nước ngoài như thiết kế các phần mềm hay chip bán dẫn. Hơn thế, đó phải là các nhân sự chuyên môn có khả năng làm việc độc lập và chủ động.
Như vậy thì theo tôi, cần bắt đầu giải bài toán này bằng hai việc, đó là lựa chọn địa điểm của trung tâm tài chính là một đô thị đáng sống và tiếp theo là cơ chế, chính sách thu hút nhân lực, ít nhất bao gồm vấn đề visa, sở hữu nhà đối với người nước ngoài và thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài nhân sự, nói đến trung tâm tài chính thì khung pháp lý tại đây phải bảo đảm minh bạch, công bằng và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế thì mới có thể thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp trên thế giới. Theo ông, hệ thống pháp lý hiện tại của Việt Nam có những rào cản nào đối với việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế?
- Bàn về các vấn đề cụ thể liên quan đến hệ thống pháp luật, tôi có rằng có khá nhiều khâu cần hoàn thiện. Từ góc nhìn chuyên môn, tôi có thể nêu ra những điểm cốt yếu trong một số lĩnh vực như sau:
Pháp luật về bảo vệ sở hữu và quyền tài sản, các giao dịch tài chính đương nhiên có nội dung tiền tệ nhưng lại gắn với các tài sản thực để bảo đảm. Vậy các quyền sở hữu, quyền tài sản đóng vai trò tiên quyết, đặc biệt các tài sản liên quan đến đất đai. Các quyền sử dụng đất hiện nay được quản lý theo cơ chế hành chính quá khắt khe mà chưa phù hợp với tính linh hoạt của thị trường, do đó các quyền tài sản của người dân khó được xác định minh bạch và bảo đảm chắc chắn.
Với pháp luật về công ty, doanh nghiệp, khung pháp luật hiện nay vẫn thiên về quản lý hành chính ở khâu thành lập, còn sự bảo đảm thuận lợi cho quá trình hoạt động và sáp nhập, tái cấu trúc hay rút khỏi thị trường và phá sản rất yếu. Tư cách pháp nhân và quản trị doanh nghiệp không rõ và đủ mạnh đến mức ngay với các tập đoàn lớn, chỉ cần người đứng đầu vướng vào lao lý thì coi như cả doanh nghiệp sụp đổ.
Còn pháp luật về hợp đồng, quyền tự do khế ước hay thỏa thuận của các bên vẫn chưa thực sự được bảo đảm, theo nghĩa phân định rành mạch và giảm thiểu tối đa các điều cấm. Các luật đơn hành mang nặng tính quản lý nhà nước đang chi phối quá nhiều vào quan hệ hợp đồng, dẫn đến tính hiệu lực của các thỏa thuận trở nên rủi ro trong quá trình thực thi.
Liên quan đến pháp luật về bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu tài chính và quyền riêng tư, đây là vấn đề nhạy cảm trong các giao dịch tài chính bởi nó sẽ tạo nên mối quan hệ tin cậy giữa các đối tác với nhau và giữa các định chế tài chính và môi trường thể chế. Các cơ quan hành chính dường như vẫn có quá nhiều quyền can thiệp để thu thập thông tin trong hầu hết các giao dịch của thị trường.
Đối với pháp luật về giám sát tài chính, thực tế cho thấy chúng ta chưa thể đánh giá cao về hệ thống giám sát tài chính hiện nay. Xin thưa với vụ án điển hình Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB thì tình trạng yếu kém nhất đến mức khó tưởng tượng đã được bộc lộ. Nếu như vậy thì các tài sản được giao dịch trong thị trường tài chính làm sao có thể an toàn?
Tiếp theo là pháp luật về bảo đảm quyền hành nghề độc lập của các dịch vụ chuyên nghiệp có tính phụ trợ như luật sư, kiểm toán, điều tra tư nhân, giám định viên, tư vấn tài chính. Chúng ta đã có các luật điều chỉnh các dịch vụ này nhưng rất tiếc chưa rõ ràng, minh bạch và còn kém hiệu lực. Trong khi đó, nếu thiếu các dịch vụ này thì một thị trường và trung tâm tài chính không thể vận hành được.
Các giao dịch tài chính phải được thẩm định bởi luật sư, nhưng vai trò của họ còn khá mờ nhạt trước cả tòa án và các cơ quan quản lý nhà nước. Trách nhiệm nghề nghiệp độc lập của các kiểm toán viên cũng chưa thực sự được tôn trọng. Vai trò của điều tra tư nhân cũng thiếu một quan niệm rõ ràng. Ví dụ rõ nhất là tính độc lập của các kiểm toán viên đã bị nghi ngờ ngay tại diễn đàn Quốc hội sau sự vụ Vạn Thịnh Phát.
Như vậy, còn rất nhiều việc phải làm trong việc cải cách thể chế. Thực tế, Việt Nam cũng khẳng định cần phải có cơ chế đột phá thì mới có thể thu hút đầu tư và phát triển trung tâm tài chính. Xin ông gợi ý một số cơ chế đột phá mà ông cho là cần thiết áp dụng ngay cho trung tâm tài chính?
- Thực ra, nhu cầu đột phá là đúng và cần thiết, nhất là trong nhận thức, tư duy và cách tiếp cận vấn đề, tuy nhiên cũng hết sức tránh tâm lý sốt ruột và phương pháp “đốt cháy giai đoạn”. Bất cứ cái gì muốn đạt độ chín cũng cần phải có thời gian của nó. Nhưng để bắt đầu những điều mới, chưa nói là to lớn, vĩ đại thì đều cần sự đột phá, sau đó là ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm.
Về nhận thức, sự đột phá phải mang tính toàn diện và ở tầm chiến lược, tức ở người và cấp lãnh đạo cao nhất. Chẳng hạn, không nên coi trung tâm tài chính là điều gì cứu cánh cho đất nước mà chỉ là một điều kiện hay phương tiện, còn mục tiêu chính là tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Nếu để học hỏi từ các nước đã xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế thành công như Mỹ, Anh và châu Âu, Nhật Bản hay Singapore, tôi nghĩ rằng đó sẽ không phải chỉ là các vấn đề xoay quanh cái đề án về trung tâm này, mà chính là một chương trình cải cách toàn diện, làm sao để Việt Nam nói chung trở thành địa chỉ hấp dẫn, đáng tin cậy đối với giới đầu tư và kinh doanh, là nơi đáng đến để làm việc và để sống lâu dài cho các nhân tài thế giới cùng gia đình họ. Do đó, chúng ta cần kiên nhẫn đi trên con đường dài đó.
Xin cảm ơn ông!