Theo tính toán của EVN, với mức tăng giá bán lẻ điện 3%, ngành điện sẽ tăng thu thêm khoảng hơn 8.000 tỉ đồng trong năm 2023. Mức tăng này không tác động nhiều đến CPI và đời sống người dân.

Giá điện tăng 3% ảnh hưởng tới đời sống người dân ra sao?

Tuyết Nhung | 04/05/2023, 21:52

Theo tính toán của EVN, với mức tăng giá bán lẻ điện 3%, ngành điện sẽ tăng thu thêm khoảng hơn 8.000 tỉ đồng trong năm 2023. Mức tăng này không tác động nhiều đến CPI và đời sống người dân.

Ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân

Đây là một trong những nội dung được dư luận hết sức quan tâm, sau khi Bộ Công Thương quyết định tăng giá điện thêm 3%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều ngày 4.5 cũng đã tổ chức buổi trao đổi, làm rõ thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, thời gian qua, EVN đã nỗ lực để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân. Đối với những khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ. Ngày 31.3.2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Để đảm bảo chỉ ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4.5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Theo đó, sau khi tăng giá điện từ ngày 4.5, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ. Đối với các hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh mỗi tháng - nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khách hàng sinh hoạt - tiền điện tăng thêm hằng tháng là 11.100 đồng/hộ.

Về tác động của việc tăng giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo theo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.

Theo thống kê số liệu năm 2022, EVN đang bán điện tới 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ. Bình quân mỗi tháng, khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.

EVN cũng đang có 1,822 triệu hộ sản xuất. Bình quân mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Với 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, khách hàng nhóm này sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Tăng giá điện có đủ bù khó khăn cho EVN?

Một vấn đề nữa được báo giới quan tâm đó là liệu mức tăng giá điện 3% có đủ để bù đắp cho khó khăn tài chính của EVN?

Theo ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc EVN, sau điều chỉnh tăng giá điện từ ngày hôm nay, EVN sẽ tăng doanh thu thêm khoảng 8.000 tỉ đồng trong năm 2023, góp phần giúp EVN giảm bớt khó khăn.

Đồng thời, trong nội tại EVN cũng đã và đang quyết liệt thực hiện tiết kiệm chi phí để giảm bớt khó khăn tài chính. Đơn cử, năm 2022, EVN và các đơn vị thực hiện tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên thì năm 2023, mức tiết kiệm chi phí tăng lên 15%. Hay với hạng mục sửa chữa lớn, năm ngoái, EVN và các đơn vị cắt giảm 30% chi phí, năm nay sẽ cắt giảm tới 40%. Bên cạnh đó, EVN cũng cắt giảm chi phí nhân công, quản trị các khoản giảm giá thành điện...

Đối với vận hành hệ thống điện, EVN cũng huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ. Đồng thời, đàm phán với các nhà đầu tư nguồn năng lượng tái tạo để có sự hài hòa lợi ích giữa các bên. EVN cũng sẽ làm việc các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than để đề nghị đối tác chia sẻ khó khăn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giảm giá đầu vào nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện.

Đối với nhiệt điện - nguồn điện chạy nền cho hệ thống điện, ngoài sự cung ứng nhiên liệu từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động tìm kiếm nguồn than để đảm bảo vận hành.

"Với các giải pháp tổng thể như vậy, EVN hy vọng sẽ giảm bớt khó khăn tài chính. Theo đó, việc thanh toán cho các bên bán điện cho EVN cũng sẽ bớt khó khăn", lãnh đạo EVN nhấn mạnh.

Lãnh đạo EVN cũng cho biết, hiện nay tình hình cung ứng điện 2023 gặp rất nhiều thách thức. Dự báo mùa hè năm nay sẽ nắng nóng kỷ lục, trong khi tình hình thủy văn không thuận lợi. EVN đang rất nỗ lực để vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định. EVN kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay tiết kiệm điện ở mức độ cao nhất. Qua đó, thiết thực giúp mỗi hộ gia đình giảm chi phí sinh hoạt, các doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Đối với hệ thống điện, sẽ góp phần giúp giảm căng thẳng trong vận hành mùa cao điểm nắng nóng.

Bài liên quan
EVN và Công ty Trung Nam tìm lời giải bài toán giá điện mặt trời
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông tin về việc dừng huy động phần công suất 172,12MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
27 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá điện tăng 3% ảnh hưởng tới đời sống người dân ra sao?