Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông tin về việc dừng huy động phần công suất 172,12MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam.

EVN và Công ty Trung Nam tìm lời giải bài toán giá điện mặt trời

H.Đ | 17/03/2023, 18:21

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông tin về việc dừng huy động phần công suất 172,12MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam.

Trước đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo với nội dung là “EVN huy động phát điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam trên cơ sở hợp đồng mua bán điện PPA đã ký và theo các quy định của pháp luật”.

Liên quan tới việc này, đại diện EVN cho biết văn bản số 12158/BCT-ĐTĐL ngày 19.12.2016 của Bộ Công Thương chỉ đạo, kể từ ngày 1.1.2017, nếu các nhà máy điện (trừ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được quy định tại Quyết định 2012/QĐ-TTg và các nhà máy điện phối hợp vận hành với các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được quy định tại Quyết định 4712/QĐ-BCT) không có hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan không huy động các nhà máy điện này phát điện lên lưới điện quốc gia trừ trường hợp cần thiết huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Ngoài ra, EVN cho rằng, điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BCT ngày 3.8.2017 của Bộ Công Thương quy định Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thực hiện việc tạm thanh toán hoặc thanh toán tiền điện cho nhà máy điện khi vận hành, phát điện lên lưới mà không ký kết chính thức hợp đồng mua bán điện.

Trong trường hợp phải huy động các nhà máy này do yêu cầu đảm bảo an ninh cung cấp điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, phối hợp với đơn vị phát điện thực hiện việc huy động, vận hành và thanh toán tiền điện cho nhà máy điện.

EVN cho rằng từ các căn cứ nêu trên, việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 15.3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về vấn đề cần giải quyết nhanh khiếu kiện của Tập đoàn Trung Nam về việc EVN dừng khai thác 172 MW công suất điện  được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Dẫn quy định tại Thông tư số 15 ngày 3.10.2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21 ngày 7.1.2023 về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương, ông Dương Thành Bình - Trưởng ban Dân nguyện đánh giá việc EVN dừng huy động 172 MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam ngày 1.9.2022 với lý do chưa có cơ chế giá điện là thiếu cơ sở pháp lý, không đúng quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. 

Đồng thời, việc dừng huy động này chưa đúng với hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa các bên, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho công ty, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội... EVN dừng đột ngột khiến dự án chỉ vận hành thương mại được 60% so với thiết kế, khiến doanh nghiệp mỗi ngày chịu thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. 

Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị: "Chính phủ cần đôn đốc, chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW của nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; bảo đảm đúng quy định, thực hiện đúng cam kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên".

Ngày 3.10.2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15 ban hành quy định về cách tính khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp mà không đáp ứng được các cơ chế khuyến khích của Thủ tướng ban hành tại Quyết định 13 và Quyết định 37 liên quan đến điện gió và điện mặt trời. Sau đó, ngày 7.1.2023 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 21 về khung giá cho các dự án chuyển tiếp này.

Đại diện EVN cho hay tập đoàn đã yêu cầu Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) mời Công ty Trung Nam đến để họp bàn và thống nhất việc triển khai Thông tư 15 cũng như Quyết định 21 của Bộ Công Thương vào ngày 16.2.2023.

Cũng theo EVN, căn cứ điểm b khoản 2, điều 1 Thông tư 15, Công ty Trung Nam và Công ty Mua bán điện thuộc EVN đã có trao đổi và thống nhất với 172MW mà hiện nay chưa được huy động nằm trong danh mục các công suất chuyển tiếp thực hiện theo quy định trong Thông tư 15 và Quyết định 21.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1, điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nêu rõ: "Giá phát điện và giá bán buôn điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn do bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận theo phương pháp do Bộ Công Thương hướng dẫn, nhưng không được vượt quá khung giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt."

Trên cơ sở quy định các văn bản pháp luật, EVN đã đề nghị Công ty Trung Nam khẩn trương rà soát, chuẩn bị các hồ sơ pháp lý của dự án và tham khảo phương pháp đàm phán giá điện theo hướng dẫn tại Thông tư 57 ngày 31.12.2020 của Bộ Công Thương về phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EVN và Công ty Trung Nam tìm lời giải bài toán giá điện mặt trời