Đài ABC News tiết lộ một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đang đàm phán mua một cảng biển nước sâu cùng đường băng từ thời Thế chiến thứ 2 ở Quần đảo Solomon.

Doanh nghiệp Trung Quốc đàm phán mua cảng chiến lược ở Quần đảo Solomon

Cẩm Bình | 05/08/2022, 10:43

Đài ABC News tiết lộ một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đang đàm phán mua một cảng biển nước sâu cùng đường băng từ thời Thế chiến thứ 2 ở Quần đảo Solomon.

Qua điều tra, ABC News phát hiện Trung Quốc đang ráo riết theo đuổi các cơ hội kinh tế trên khắp Quần đảo Solomon để thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình. Một tài sản được nhắm đến là đồn điền trên đảo Kolombangara - nơi có bến cảng được bảo vệ, cảng biển nước sâu và đường băng.

Một phái đoàn của Tập đoàn Lâm nghiệp Trung Quốc từng sang thăm Kolombangara vào năm 2019. Họ tỏ ra không mấy hứng thú với phần đất trồng cây nhưng một thành viên phái đoàn lại hỏi: “Cầu cảng dài bao nhiêu? Nước sâu bao nhiêu?”.

Sau khi hạn chế đi lại phục vụ phòng chống dịch COVID-19 được dỡ bỏ vào tháng trước, hoạt động đối thoại mua khu đất trên tiếp tục diễn ra.

Nghị sĩ Silas Tausinga ở khu vực bầu cử sát bên Kolombangara tin rằng bất chấp sự chú ý từ giới truyền thông lẫn giới chính trị cấp cao, việc muốn sở hữu tài sản quân sự trên lãnh thổ Quần đảo Solomon của Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ.

Quần đảo Solomon đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc vào năm 2019. Nhờ đó, Bắc Kinh có thể thúc đẩy lợi ích chiến lược tại đảo quốc Thái Bình Dương và đổ rất nhiều tiền để hỗ trợ Thủ tướng Manasseh Sogavare.

trsolomon00.jpg
Kolombangara nằm ở tỉnh Western giàu tài nguyên - Ảnh: ABC News

Quỹ đen

Tài liệu ABC News thu thập được cho thấy Trung Quốc năm ngoái hai lần sử dụng một nguồn quỹ chi trực tiếp gần 3 triệu USD cho các nghị sĩ Solomon trung thành với Thủ tướng Sogavare.

Một bức thư ký bởi Thủ tướng Sogavare ghi rằng Đại sứ quán Trung Quốc tại Honiara đồng ý cung cấp “hỗ trợ bổ sung” cho chính phủ của ông vào tháng 8.2021 - trước thềm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể lật đổ nhà lãnh đạo này.

Thủ tướng Sogavare tuyên bố khoản tiền nêu trên là “gói kích thích” để hồi sinh nền kinh tế mặc dù chỉ có nghị sĩ trung thành với ông nhận được, nghị sĩ phe đối lập chẳng có gì cả.

Người đứng đầu văn phòng tại Quần đảo Solomon của Tổ chức Minh bạch quốc tế Ruth Liloqula chỉ trích: “Đây là tham nhũng. Chúng tôi nghĩ Trung Quốc đang kiểm soát chính phủ và các mối quan hệ của Quần đảo Solomon từ xa”.

Vài tuần trước khi bạo loạn nổ ra ở Honiara tháng 11, Thủ tướng Sogavare một lần nữa dùng đến tiền từ nguồn quỹ nêu trên. Số nghị sĩ được nhận tiền gần như giống hệt lần trước trừ một nghị sĩ không ủng hộ chính phủ nữa (người này vừa mất gần đây). Mỗi nghị sĩ trung thành nhận gần 80.000 USD. Thủ tướng Sogavare vào tháng 12 vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nữa.

Tham vọng thiết lập hiện diện quân sự tại Quần đảo Solomon lộ rõ trong một bức thư năm 2020, một nhà thầu quốc phòng Trung Quốc tìm cách thuê đất ở tỉnh Isabel để phát triển dự án hạ tầng cho hải quân Trung Quốc.

Thủ tướng Sogavare lúc gặp người đồng cấp Úc Anthony Albanese trong hội nghị Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) tháng 7 vừa qua từng đảm bảo không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự, nhưng nỗi nghi ngờ vẫn tồn tại.

Mối đe dọa chiến lược đối với Úc

Chuyên gia Clive Moore thuộc đại học Queensland lo ngại về lâu dài, Trung Quốc có thể sử dụng hạ tầng kinh tế thiết lập ở Quần đảo Solomon cho mục đích quân sự.

“Tôi nghĩ chúng ta phải có cách nhìn mới về cách thức căn cứ quân sự có thể được phát triển vì lợi ích của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Trung Quốc quan tâm khoáng sản, quan tâm gỗ. Họ cũng quan tâm xây dựng hạ tầng có thể phục vụ mục đích trong tương lai”, theo chuyên gia Moore.

Đồn điền trên đảo Kolombangara đem lại cả cơ hội kinh tế lẫn chiến lược. Nếu một đơn vị Trung Quốc tiếp quản đồn điền, họ sẽ kiểm soát 2/3 hòn đảo gồm 14.000 ha rừng gỗ cứng, 24.000 ha rừng phòng hộ, cảng, căn cứ hàng hải, đường băng và vùng đất bằng rộng lớn. Chuyên gia Moore khẳng định đầu tư của một công ty Trung Quốc lớn chắc chắn có liên hệ với giới chức Trung Quốc.

trsolomon01.jpg
Đồn điền trên đảo Kolombangara đem lại cả cơ hội kinh tế lẫn cơ hội chiến lược - Ảnh: ABC News

Vào cuối tháng 5 khi đàm phán với Tập đoàn Lâm nghiệp Trung Quốc vẫn đang diễn ra, công ty Sản phẩm rừng Kolombangara (KFPL) viết thư cho Ngoại trưởng Úc Penny Wong cảnh báo về “mối đe dọa chiến lược”.

KFPL kêu gọi chính phủ Úc cung cấp hỗ trợ tài chính để ngăn chặn Trung Quốc nắm quyền kiểm soát khu vực cảng biển và đường băng, thiết lập một căn cứ dưới vỏ bọc phát triển thương mại. Trong thư công ty nhấn mạnh Kolombangara sở hữu cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất ở Quần đảo Solomons có thể được sử dụng cho tàu lớn ngay lập tức.

Cũng theo KFPL, hỗ trợ tài chính sẽ giúp Úc - Solomon nâng cao quan hệ kinh tế dựa trên phát triển bền vững và khai thác gỗ. Đồn điền hiện thuộc sở hữu của một số cổ đông tư nhân Úc, Đài Loan hợp tác cùng chính phủ Quần đảo Solomon.

Kolombangara nằm đối diện với Noro – trung tâm kinh tế tỉnh Western, nơi có đội tàu đánh bắt cá ngừ của Quần đảo Solomon. Tại thị trấn Munda gần đó, Trung Quốc tiếp tục thực hiện dự án xây sân bay.

Trung Quốc không hề giấu tham vọng tăng cường hiện diện ở phía tây Quần đảo Solomon. Đại sứ Li Ming vào tháng 6 đã tặng thuyền cùng động cơ cho ngư dân đảo Marovo. Ông tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Western và Quần đảo Solomon”.

Về phần mình, Úc đồng ý tài trợ cho công tác lập kế hoạch và thiết kế để nâng cấp cảng container quốc tế tại Noro, tài trợ xây dựng 6 tháp mạng di động trên khắp Quần đảo Solomon.

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Trung Quốc đàm phán mua cảng chiến lược ở Quần đảo Solomon