Trước những thách thức mới từ chính sách điều chỉnh thuế của Mỹ, Bộ Công Thương đã đề xuất một loạt giải pháp mang tính chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Giải pháp chiến lược bảo vệ doanh nghiệp Việt khi Mỹ áp thuế đối ứng

Tuyết Nhung 18:49 04/04/2025

Trước những thách thức mới từ chính sách điều chỉnh thuế của Mỹ, Bộ Công Thương đã đề xuất một loạt giải pháp mang tính chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3.2025, ngày 4.4, một trong những nội dung được quan tâm nhất là thông tin Mỹ áp thuế lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Diễn biến này tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại song phương, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách cho Việt Nam về việc tái cấu trúc chiến lược tiếp cận thị trường và củng cố năng lực cạnh tranh.

xuatnhap.jpg
Mỹ là một trong những thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam - Ảnh: IT

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, các chính sách điều chỉnh thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu được Mỹ áp dụng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, việc áp thuế đối ứng có thể gây khó khăn trong việc duy trì các hợp đồng dài hạn và chuỗi cung ứng ổn định. Các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển hướng tìm nhà cung cấp từ các quốc gia không bị hoặc có mức thuế đối ứng thấp hơn. Điều này dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tại thị trường trọng điểm này (chiếm tỉ trọng 30%). Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các thủ tục hành chính phức tạp và chi phí vận chuyển tăng cao do thuế suất tăng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì sản xuất và xuất khẩu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động. Các doanh nghiệp có thể phải tìm kiếm thị trường khác thay thế, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn về công sức và thời gian xây dựng và phát triển thị trường mới.

Trước những thách thức mới từ chính sách điều chỉnh thuế của Mỹ, Bộ Công Thương đề xuất một loạt giải pháp mang tính chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam cũng như duy trì đà phát triển bền vững trong hoạt động xuất khẩu.

Cụ thể, cần đẩy mạnh hợp tác song phương thông qua các cơ chế đối thoại hiệu quả như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA), từ đó tạo nền tảng để tháo gỡ các vấn đề phát sinh một cách kịp thời, minh bạch.

Cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, điều này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, giảm thiểu rào cản hành chính, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Đại diện cơ quan thương vụ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xem đây là bước đi cần thiết để từng bước giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, gia tăng khả năng tự chủ và sức đề kháng của nền kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc vận động chính sách, đẩy mạnh đàm phán cấp cao với các đối tác thương mại lớn và các tổ chức kinh tế quốc tế cũng được đặt lên hàng đầu. Đây không chỉ là nỗ lực bảo vệ lợi ích trước mắt mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng hình ảnh một Việt Nam chủ động, chuyên nghiệp và đáng tin cậy trên bản đồ thương mại toàn cầu.

"Các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, chứng từ xuất xứ để sẵn sàng ứng phó với các rủi ro về thuế và phòng vệ thương mại", ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến cáo.

Theo quy định được ghi trong sắc lệnh, các mức thuế này không áp dụng đối với các lô hàng hóa đã được bốc xếp lên tàu tại cảng xuất hàng và đang trong quá trình vận chuyển đến Mỹ trước thời điểm ngày 5.4 (áp dụng nhóm nước bị áp thuế 10%) và trước thời điểm ngày 9.4 (nhóm nước bị áp thuế đối ứng riêng lẻ).

Vì thế, ông Hưng khuyến nghị các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xem xét khả năng đàm phán với các nhà nhập khẩu chia sẻ gánh nặng thuế đối ứng, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm duy trì thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chính phủ, địa phương, ngân hàng nghiên cứu xem xét có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trước các thách thức đang ngày càng phức tạp, các thương vụ không thể chỉ giải quyết từng thị trường đơn lẻ mà cần mở rộng tư duy kết nối khu vực, hiểu rằng các vấn đề thương mại mang tính liên thông và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta cần có sự liên kết với khu vực cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Không thể chỉ nhìn vấn đề cá biệt mà bỏ qua hệ lụy toàn diện".

Thứ trưởng yêu cầu các thương vụ cần tính toán và rà soát ngay tác động, đánh giá dòng dịch chuyển thương mại, tìm kiếm thêm thị trường mới, khẩn trương đánh giá tác động liên quan chính sách thuế đối ứng, báo cáo trước ngày 7.4.

Bài liên quan
Apple lao đao khi ông Trump áp thuế đối ứng với Trung Quốc và các trung tâm sản xuất ở châu Á
Các mức thuế mới có khả năng làm giảm biên lợi nhuận của Apple, vì công ty khó có thể tăng giá để bù đắp tác động này, theo các nhà phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chính phủ đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế 1-3 tháng để đàm phán
22 phút trước Tài chính và đầu tư
Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam từ 1-3 tháng để đàm phán, với tinh thần đảm bảo công bằng, cả hai cùng có lợi...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp chiến lược bảo vệ doanh nghiệp Việt khi Mỹ áp thuế đối ứng