Theo nghiên cứu của học giả Cung Tuyết thuộc Học viện quan hệ quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) của Trung Quốc đóng vai trò ngày càng lớn trong hoạt động xây dựng phi pháp mà nước này đang thực hiện trên Biển Đông.

Công ty quốc doanh Trung Quốc kiếm lời từ hoạt động phi pháp ở Biển Đông

10/08/2018, 05:46

Theo nghiên cứu của học giả Cung Tuyết thuộc Học viện quan hệ quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) của Trung Quốc đóng vai trò ngày càng lớn trong hoạt động xây dựng phi pháp mà nước này đang thực hiện trên Biển Đông.

Hoạt động xây dựng phi pháp tại Biển Đông là nguồn lợi bất chính của nhiều doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) công bố trong tuần này cung cấp cái nhìn rõ hơn về sự tham gia của SOE trong phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch cũng như khai thác dầu khí trong khu vực tranh chấp.

Bà Cung cho biết SOE Trung Quốc hoạt động trong môi trường phức tạp và thiếu minh bạch. Họ phục vụ cho lợi ích chiến lược của quốc gia trong khi vẫn tìm thời cơ kiếm lời.

Bài nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động cải tạo trái phép 7 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) thành đảo nhân tạo là một nỗ lực tiêu tốn hàng tỉ USD. Trong đó, chi phí cho Đá Chữ Thập, hiện đã có một đường băng 3km cùng không ít cơ sở hạ tầng quân sự, đã là 11 tỉ USD.

Theo nghiên cứu, Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) đã rất biết nắm bắt cơ hội từ chính sách Biển Đông gần đây của Bắc Kinh bằng cách thành lập đơn vị con CCCC Dredging chuyên về nạo vét.

Không dừng lại ở đó, CCCC còn cho ra đời nhiều công ty tập trung khai thác làm ăn trái phép tại Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) về các mảng du lịch, kho vận, đánh bắt lẫn xây dựng. 15 tỉ USD đã được CCCC dành ra cho quyết định đầu tư đa ngành này, và tập đoàn này thông qua “thực hiện nhiệm vụ quốc gia” để kiếm lời một cách âm thầm.

CCCC còn hợp tác với doanh nghiệp quốc doanh khác, như Tập đoàn Dịch vụ du lịch quốc gia Trung Quốc (CTSC), để ngang nhiên phát triển du thuyền và ngành du lịch Hoàng Sa một cách bất hợp pháp.

Cục Hải sự tỉnh Hải Nam vào tháng 1 từng cho biết kể từ khi tuyến Hoàng Sa được mở năm 2013, đã có hơn 70.000 du khách được 4 du thuyền đưa đến đây. Trong khi đó, đảo Phú Lâm trong năm ngoái đã đón 680 chuyến bay thương mại.

Một SOE lớn cũng bị nhắc đến trong bài nghiên cứu là Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC). Doanh nghiệp này chi 32 tỉ USD cho hoạt động thăm dò và đóng giàn khoan Hải Dương 981.

CNOOC có cả một chiến lược phát triển ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

Bà Cung cho biết bên cạnh những SOE biết cách huy động nguồn lực để gây ảnh hưởng đến chính sách như CNOOC, thì còn có một số đơn vị khác đang “nằm yên chờ thời”.

Trả lời trang tin Reuters, Công ty TNHH Dầu khí hải dương Trung Quốc trực thuộc CNOOC cho biết họ có cả một chiến lược phát triển ở Biển Đông, đồng thời cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư cho thăm dò và phát triển.

Theo chuyên gia Ian Storey của ISEAS, những gì nghiên cứu chỉ ra cho thấy Bắc Kinh đang khuyến khích doanh nghiệp đóng vai trò lớn hơn ở Biển Đông. Đây là điều thực sự đáng lo đối với an ninh hòa bình và ổn định tại khu vực.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty quốc doanh Trung Quốc kiếm lời từ hoạt động phi pháp ở Biển Đông