Lầu Năm Góc và NATO đều cảnh báo hoạt động hải quân Nga gia tăng ở Bắc Đại Tây dương và Địa Trung Hải và một đô đốc Mỹ nói tàu ngầm Nga hoạt động mạnh chưa từng thấy từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh.

Đô đốc Mỹ báo động mối đe dọa từ tàu ngầm Nga-Trung

09/08/2018, 14:57

Lầu Năm Góc và NATO đều cảnh báo hoạt động hải quân Nga gia tăng ở Bắc Đại Tây dương và Địa Trung Hải và một đô đốc Mỹ nói tàu ngầm Nga hoạt động mạnh chưa từng thấy từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh.

Khu trục hạm Kim cương bám theo hai tàu chiến Nga - Ảnh: AP

Fox News ngày 8.8 (giờ Mỹ) dẫn tin hải quân hoàng gia Anh đã cử khu trục hạm Kim Cương mang tên lửa hành trình rượt bám theo hai tàu chiến Nga đi qua eo biển Manche (giữa Anh với Pháp) vào khuya 7.8.

Chiếc Kim Cương theo dõi khu trục hạm Severomorsk và tuần dương hạm Đô đốc Ustinov của Nga, khi hai tàu này đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Anh, theo tuyên bố của Hải quân hoàng gia Anh hôm 8.8.

Theo TASS, chiếc Đô đốc Ustinov “mang tên lửa”, còn chiếc Severomorsk là “một chiến hạm chống ngầm lớn”. Hai tàu chiến Nga đi qua eo biển Manche để đến Đại Tây Dương tập trận và huấn luyện chứ không như báo chí Anh đưa tin rằng đó là “đòn khiêu khích của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Báo Sun của Anh đã chạy tít trang nhất: “Vladimir Putin vung kiếm, cử tàu chiến đi qua eo biển Manche và hải quân hoàng gia phải hành quân ngăn chặn”.

Đây là lần thứ hai khu trục hạm Kim Cương ra khơi để bám theo tàu chiến Nga. Tối 30.5, chiếc này đã rời căn cứ ở Portsmouth, cùng trực thăng Mèo Hoang bám theo tàu Yantar. Đây là một tàu trinh sát đáy biển của Nga, mang theo 2 tàu tự hành có thể lặn xuống đáy biển và gửi hình ảnh, cũng như thu thập mẫu vật dưới thềm lục địa.

Tàu ngầm Nga phát tín hiệu "Gấu Nga" đã trở lại

Tuần qua, Đô đốc John Richardson, chỉ huy lực lượng tác chiến và là sĩ quan cấp cao nhất của hải quân Mỹ, nói: “Hoạt động tàu ngầm của Nga ở Bắc Đại Tây Dương tăng cao hơn bao giờ hết trong 25 năm qua”.

Nhưng hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trấn an về mối đe dọa từ hải quân Nga. Trước khi tiếp người đồng cấp Nga Gavin Williamson, ông Mattis nói: “Chúng tôi luôn để mắt tới tàu ngầm Nga ở các vùng biển, và tôi không muốn nói gì thêm nữa”.

Theo Fox News, một cuộc phóng thử tên lửa Nga đã chứng minh ví dụ khác về hoạt động mạnh mẽ của hải quân Nga.

Hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp ông Putin ngày 16.7 ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, một tàu ngầm Nga mang tên lửa đạn đạo đã phóng liên tiếp 4 tên lửa tầm xa ở vùng biển Bạch Hải. Mỗi quả đều có tầm bay 6.000 dặm, tức có thể đặt thủ đô Washington của Mỹ vào tầm ngắm.

Vệ tinh do thám Mỹ đã ghi nhận vụ phóng thử, nêu đây là lần đầu tiên Nga phóng nhiều tên lửa cùng lúc, từ lớp tàu ngầm mang tên lửa mới nhất của Nga.

Theo Washington Times, hoạt động của hải quân Nga ở lãnh hải Anh vào lúc Nga-Anh căng thẳng vì vụ cựu sĩ quan tình báo Nga Sergei Skripal và con gái ông bị đầu độc hồi tháng 3 ở Anh. Mỹ cũng vừa tuyên bố cuối tháng 8 này sẽ có thể tăng trừng phạt Nga vì vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân dụng Novichok mà Liên Xô từng sản xuất những năm 1970-1980.

Peter Brookes, nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề an ninh quốc gia Mỹ (thuộc tổ chức Heritage Foundation) nói: “Tôi cho rằng Nga đang phát thông điệp rằng “Gấu Nga đã trở lại” với chúng ta. Chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều hoạt động hù dọa của hải quân Nga. Đó là một phần chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin nhắm thẳng vào Mỹ”.

Các quan chức Mỹ cũng lo ngại tàu ngầm đặc biệt của Nga có thể “cắn đứt” cáp internet dưới biển.

Từ khi quân Nga can thiệp vào nội chiến Syria (hồi tháng 9.2015), tàu ngầm Nga ở Địa Trung Hải đã nhiều lần phóng tên lửa vào các mục tiêu của quân chống chính phủ Tổng thống Bashar Assad, một đồng minh của Nga.

Cuối tháng 8 này, Hạm đội 2 (từng ngưng hoạt động từ năm 2011) sẽ được hải quân Mỹ đưa đến Đại Tây Dương, để đối phó với hoạt động đe dọa của hải quân Nga.

Đô đốc Mỹ không chấp nhận tàu ngầm Mỹ bị Nga-Trung đánh bại

Đó cũng là lý do hải quân Mỹ cử một chỉ huy mới, để đối phó với sự trở lại của kẻ thù cũ của thời Chiến tranh lạnh: Chuẩn đô đốc Charles Richard sẽ chỉ huy hạm đội tàu ngầm Mỹ. Ông tuyên bố hai kẻ kình địch là Nga và Trung Quốc đã tăng cường khả năng tàu ngầm, nhằm thách thức sức mạnh quân sự Mỹ, nhưng ưu thế tàu ngầm Mỹ sẽ không bị suy yếu dưới quyền chỉ huy của ông: “Nước Mỹ kỳ vọng và đòi hỏi chiến thắng, nên chúng ta sẽ không bị đánh bại!”

Hồi đầu năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược phòng thủ quốc gia 2018 (NSS) nhấn mạnh Nga và nhất là Trung Quốc là hai đối thủ đáng ngại nhất.

Còn theo báo cáo 2017 của Lầu Năm Góc, hải quân Trung Quốc là lực lượng hải quân lớn nhất châu Á, Bắc Kinh chú trọng hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm và đang có 5 tàu ngầm tấn công và chạy bằng hạt nhân, 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và chạy bằng hạt nhân, cùng 54 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel.

Mỹ cũng dự báo lực lượng tàu ngầm Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong vài năm tới, và trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ phát triển tàu ngầm tấn công mang tên lửa hành trình hạt nhân, nhằm cải thiện khả năng phòng không cũng như tấn công trên bộ.

Bảo Vĩnh (theo Fox News)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đô đốc Mỹ báo động mối đe dọa từ tàu ngầm Nga-Trung