Nếu Mỹ áp thuế đối ứng, các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.
Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), quý 1/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỉ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý 1/2025, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,4 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,1 tỉ USD.
Xuất khẩu được xem là mộ trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay. Tuy nhiên, sự kiện công bố mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam của Mỹ mới đây sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng tới nhiều ngành kinh tế.
Các nhóm hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể kể đến như máy vi tính, điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ, 6 nhóm hàng hóa này chiếm tỷ trọng hơn 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024.
Trong đó, với nhóm hàng máy vi tính, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, khối doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu, việc áp thuế đối ứng có thể khiến các doanh nghiệp FDI chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác, từ đó sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với nhóm hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, các nhà sản xuất khu vực trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này của Việt Nam. Khi Mỹ áp thuế đối ứng, các nhà sản xuất nội địa sẽ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường thay thế, vì vậy kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này có thể suy giảm do phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm.
Ngoài ra, việc Mỹ đánh thuế cao lên tất cả các thị trường có thể làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng tới sức tiêu dùng hàng hóa và từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Nói với phóng viên, TS Bùi Quý Thuấn - Phó trưởng ban Nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) - cho hay trong tuyên bố áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối ứng cao, đứng đầu là Campuchia - 49%, Việt Nam - 46%, Srilanka - 44%, Bangladesh - 37%, Trung Quốc - 34%, Thái Lan - 36%, Đài Loan - 32%, Ấn Độ - 26%, Indonesia - 32%, Malayssia - 24%, Bangladesh - 37%, Philippines - 17%, Pakistan - 29%...
“Nhìn vào các mức thuế này thì có nghĩa mức thuế hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 - 20%, điều này sẽ làm giảm cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đồng thời, việc này cũng gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam”, ông Thuấn nhìn nhận.
Theo đại diện Cục Thống kê (Bộ Tài chính), để giảm thiểu tác động tiêu cực với chính sách thuế đối ứng, Việt Nam cần tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy.
Ngoài ra, tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Cần cải thiện những yếu tố mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh.
Song song với đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cung cấp thông tin sớm cho doanh nghiệp về thuế đối ứng, giúp doanh nghiệp chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường Mỹ. Từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu.
Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho hay trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.
Theo đó, cần tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương; đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới như Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.
Ông Hoài cũng cho rằng cần hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.
“Chúng ta phải có chính sách quyết liệt hơn với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển trong nước, đáp ứng với các yêu cầu xuất xứ của các quốc gia”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Ông Hoài cũng nêu rõ cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoài khuyến nghị cần cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm; kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.