Sự thật sẽ chiến thắng, nhưng chỉ khi nó có sự hỗ trợ của những con người dũng cảm, đủ để vượt qua được nỗi sợ hãi của chính bản thân, như những gì cô Nhung và các đồng nghiệp đã làm.
Tôi tiếp xúc lần đầu tiên với cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp của học sinh Trần Chí Kiên trong vụ tai nạn tại Trường tiểu họcNam Trung Yên khi phát hiện những điểm mâu thuẫn trong thông tin mà cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc gửi tới báo chí.
Trong bản "Báo cáo cần xem xét" gửi ngày 13.2, bà Tạ Thị Bích Ngọc khẳng địnhcô Nhung là người đã tiếp nhận ý kiến từ phụ huynh và tư vấn cho cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường để thực hiện việc khảo sát cán bộ và giáo viên và học sinh về vụ tai nạn dù trước đó bà không nói như vậy.
Đây không phải là lần đầu cô giáo chủ nhiệm lớp 2A4 của cháu Trần Chí Kiên được nhắc tới trong vụ việc này.
Cô Nhung với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp, là người đầu tiên được anh Trần Chí Dũng đề đạt những băn khoăn của anh về nguyên nhân thực sự khiến con anh bị gãy xương đùi và cũng là người chuyển những băn khoăn này tới bà hiệu trưởng.
Thế nhưng, cuộc gặp hơn 20 phút của cô Nhung với phụ huynh học sinh trong giờ chào cờ sáng ngày 12.1 - một tuần sau vụ tai nạn, khiến cô hiệu trưởng nghi ngờ. Bà Ngọc từng bóng gió về việc cô Nhung do bất mãn với nhà trường nên đã tuồn thông tin sai lệch để kích động phụ huynh. Còn cô Hiệu phó Nguyễn Thị Hương thì có nhận xét khá liên quan rằngcô Nhung còn trẻ quá, mới sinh năm 1986, nên nhiều khi suy nghĩ chưa thấu đáo.
Tôi đã đem tất cả những nghi vấn này hỏi cô Nhung.
Như phản ứng tự nhiên của những người cảm thấy oan ức vì bị "đặt điều", cô Nhung đã trả lời những câu hỏi của chúng tôi một cách đầy cảnh giác và liên tục dùng từ phủ định. Cô nói mình chỉ ghi nhận phản ánh của phụ huynh và báo cáo lại với Ban Giám hiệu chứ không tư vấn, cũng không truyền đạt gì về việc làm phiếu khảo sát đối với học sinh và giáo viên trong trường.
Cô nói, cô là một giáo viên trẻ được các giáo viên khác trong trường quý mến vì tính tình thẳng thắn, cởi mở và ít khi để bụng chuyện gì. Nếu có bất cứ mâu thuẫn nào với nhà trường, cô sẽ tự giải quyết chứ không thể mượn tay phụ huynh, bởi như thế sẽ làm xấu hình ảnh của người giáo viên.
Cuộc chuyện đến gần cuối, cô Nhung có vẻ mở lòng hơn, giọng hơi chùng xuống. Cô nói, không chỉ không tư vấn cho Ban Giám hiệu, bản thân cô cũng không tham gia cuộc khảo sát ấy, và cô nghĩ rằngcần có tiếng nói để dư luận biết điều ấy, dẫu cô không hề có ý định lên báo.
"Những giáo viên khác thì hầu hết không hề biết việc khảo sát được thực hiện để tạo bằng chứng ngụy biện cho vụ việc của cháu Kiên. Giáo viên chúng tôi đang bị oan" - cô Nhung đã nói với tôi như vậy.
11 giờ đêm hôm đó, cô Nhung chủ động liên lạc lại. Cô nói, không chỉ có cô mà một số giáo viên khác cũng cảm thấy xấu hổ và bức xúc vì chuyện tai tiếng này khi dư luận cho rằng100% các giáo viên trong trường tham gia khảo sát khẳng định không có ô tô vào trường là hèn nhát và đang đồng lõa với cô hiệu trưởng.
Cô Nhung đề nghị với tôi một cuộc làm việc "ba mặt một lời" giữa báo chí, cô và những giáo viên khác đang cảm thấy bức xúc vì bị mang tiếng xấu cùng bà Ngọc ngay sáng hôm sau. "Nhân phẩm của giáo viên chúng tôi đang bị chà đạp. Chúng tôi không còn đủ tự tin để đứng trước phụ huynh nữa" - cô Nhung xúc động nói khi tôi khuyên cô nên cân nhắc kỹ quyết định của mình.
Kết thúc cuộc nói chuyện với cô Nhung, thực sự tôi rất vui. Vui vì cuối cùng, đã có người dũng cảm muốn nói lên sự thật. Vui vì cuối cùng, cũng có những thầy cô giáo tại ngôi trường này không chấp nhận sự hèn nhát như cách người ta đang quy kết về một tập thể nói dối.
Cuộc làm việc ngày hôm sau, như dự kiến, không có sự tham gia của cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. Thế nhưng, nhìn cảnh cô Nhung và hai cô giáo khác loay hoay trong "vòng vây" câu hỏi của báo giới, tôi bỗng thấy e dè cho quyết định của chính các cô.
Cô Nhung và các cô giáo khác quyết định nói lên sự thật là vì cảm thấy mình bị oan, cảm thấy bị xấu hổ bởi cái tiếng "hèn nhát" và "đồng lõa". Các cô quyết định lên tiếng là để thanh minh cho chính mình. Thế nhưng, đó là một quyết định dũng cảm.
Khó có thể tưởng tượng hết những áp lực mà cô Nhung phải chịu trước và sau quyết định nói ra sự thật, lên tiếng phản bác chính những người lãnh đạo của mình. Khó có thể nói hết khó khăn của các cô khi quyết định công khai danh tính và hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhưng cô Nhung và các đồng nghiệp đã làm thế.
Một ngày sau khi báo chí đăng những thông tin, tôi liên lạc với cô Nhung, bày tỏ sự lo lắng của mình. Thế nhưng, trái với những gì tôi nghĩ, cô giáo mới hơn 30 tuổi đã nói: "Bọn em cũng xác định rồi anh ạ. Cùng lắm là chết. Chết vinh còn hơn sống nhục. Bây giờ chẳng còn gì ngoài danh dự và mạng sống. Danh dự mà không giữ được thì còn thiết gì?".
Lúc ấy, dù không nói ra, tôi biết, cô Nhung vẫn khá lo lắng. Tôi nói đùa: "Cô Nhung đúng là cô chủ nhiệm dũng cảm".
Và rồi sự dũng cảm của cô chủ nhiệm và các cô giáo khác đã tạo nên bước chuyển mới trong diễn tiến vụ tai nạn của cháu Kiên. Chỉ vài ngày sau, cơ quan công an công bố kết quả điều tra, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và UBND quận Cầu Giấy đã ra quyết định cách chức Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương. Trong kết luận của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có nhắc tới bức thư của cô Nhung và 18 cô giáo khác.
Với cô Nhung và các đồng nghiệp, sự việc dừng lại tại đây cũng là lúc họ như cởi bỏ được thứ áp lực vô hình nhưng rất lớn từ phía dư luận. “Chúng tôi cảm thấy rất buồn khi sự việc xảy ra và chính danh dự nghề nghiệp của chúng tôi cũng đã bị tổn thương. Sự việc đã đi đến hồi kết với sự thật được làm rõ và bản thân tôi càng tin rằng sự thật sẽ luôn chiến thắng” - cô Nhung chia sẻ.
Sự thật sẽ chiến thắng, nhưng chỉ khi nó có sự hỗ trợ của những con người dũng cảm, đủ để vượt qua được nỗi sợ hãi của chính bản thân, như những gì cô Nhung và các đồng nghiệp đã làm.
Xin được cảm ơn cô, cô chủ nhiệm dũng cảm!
Theo Lê Văn/VNN