Nhiều năm nay, tỉnh Hà Tĩnh quyết liệt đề xuất đóng cửa mỏ sắt Thạch Khê, trong khi đó Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam mong muốn được khởi động lại dự án.

Mỏ sắt Thạch Khê: Doanh nghiệp vẫn muốn khai thác, tỉnh tiếp tục kiến nghị dừng

Lam Thanh | 07/05/2022, 15:42

Nhiều năm nay, tỉnh Hà Tĩnh quyết liệt đề xuất đóng cửa mỏ sắt Thạch Khê, trong khi đó Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam mong muốn được khởi động lại dự án.

Mới đây, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (tại Hà Tĩnh), nơi có trữ lượng sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Theo TKV, vào ngày 10.2.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Bộ Chính trị cho phép TKV đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) hoàn thành trước năm 2030.

Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh nội dung TKV duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến bô xít - alumin - nhôm, đất hiếm, xi măng, sắt thép... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo, phát triển bền vững tương xứng với quy mô khoáng sản; sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng than hợp lý, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.

Để triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối), lũy kế đến nay TKV và các nhà đầu tư đã góp 1.800 tỉ đồng vào dự án. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai dự án, từ năm 2017 đến nay dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng dự án sắt Thạch Khê.

tk.jpg
Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) bị dừng khai thác nhiều năm, TKV muốn khởi động lại dự án

Được biết, trong quá trình triển khai, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã bị chậm tiến độ và gặp nhiều khó khăn như: năng lực tài chính của chủ đầu tư chưa đảm bảo; vấn đề công nghệ và môi trường còn nhiều lo ngại; hiệu quả kinh tế - xã hội còn nhiều vấn đề chưa rõ; các bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề tiếp tục thực hiện hay dừng thực hiện.

UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ KH-ĐT phản đối thực hiện dự án, trong khi Bộ Công Thương và 65 nhà khoa học của Hội Khoa học công nghệ mỏ lại có quan điểm ngược lại.

Trong văn bản gửi Thủ tướng năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đề nghị sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét kiến nghị của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê về việc tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê để công ty duy trì hoạt động trong thời gian dừng khai thác.

Trong khi đó, tại các báo cáo trước đây, Bộ Công Thương cho rằng dự án có hiệu quả là khả thi. Báo cáo của bộ này cho rằng việc dừng dự án sẽ để lại những hệ lụy phức tạp, gây thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp, địa phương và nhà nước; đặc biệt là người dân sống trong vùng dự án. Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ về tính khoa học và thực tiễn, xem xét những vấn đề xã hội liên quan đến việc tiếp tục hay dừng dự án.

Ngoài ra, bản kiến nghị của Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê kèm theo danh sách, chữ ký của 65 nhà khoa học đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án này, tránh trường hợp dự án bị tạm dừng kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí nguồn lực. Việc tiếp tục thực hiện dự án là hoàn toàn khả thi.

Được biết mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, khai thác từ năm 2008, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Mỏ sắt này nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821ha. Khu vực này nằm cách thành phố Hà Tĩnh 8km về phía đông, cách biển Đông 1,6km.

Giai đoạn 2008-2011, công nhân đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu mét khối, độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Dự án sau đó gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hàng loạt hệ lụy, như chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư.

Chủ đầu tư đã triển khai, điều chỉnh dự án theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền nhưng từ cuối năm 2011, dự án dừng hoạt động theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 164/TB-VPCP ngày 11.7.2011 của Văn phòng Chính phủ để tái cơ cấu lại cổ đông của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết nơi khai thác quặng là vùng đồi cát, giao nhau giữa bờ biển với dãy núi cao đang bò dần về hướng biển.

Trong khu vực đã từng xảy ra động đất (6,1 độ richter), dấu vết của sóng thần (những cồn cát tự nhiên còn lại từ xa xưa). Khu vực này dễ tổn thương bởi tác động của biển như hải lưu, sóng, nước dâng do sóng, là vùng hứng chịu bão, áp thấp nhiệt đới thường xuyên.

Ông Hồng cũng băn khoăn rằng liệu có sự thông nhau về thủy lực dưới đáy mỏ và biển hiện nay không, vì khi có sóng thần tiến gần ven biển, đáy mỏ sẽ biến thành vòi phun nước khổng lồ. Cùng với đó là xem xét có đứt gãy nào đang hoạt động không vì khi hình thành hồ chứa sẽ có động đất kích thích, sạt lở bờ hồ.

Theo ông Hồng, đặc điểm địa chất, thủy văn của vùng này cũng có nhiều bất lợi cho việc thi công. Đó là tiêu nước hố móng thi công khi mái là cát xen kẹp sét dễ gây sạt trượt vì yêu cầu thoát nước của 2 lớp này khác nhau: cát cần thoát nước nhanh để tăng hệ số ma sát, ngược lại sét lại yêu cầu thoát nước chậm để tránh gây ra áp lực kẽ rỗng. Mạch nước ngầm thông với nước mặn, nước thải từ mỏ có nồng độ kim loại cao sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sạch trong vùng.

Ngoài ra, công trình chứa đất đá thải được đổ lên bờ biển sẽ phải hứng chịu những tác động từ phía biển: sóng do gió, dòng hải lưu và nước dâng do sóng. Dòng hải lưu sẽ đưa những chất thải bị sóng lôi đi, ảnh hưởng tới hàng trăm cây số bờ biển. Sự ô nhiễm bởi nồng độ kim loại sẽ xử lý như thế nào?

“Dòng thủy triều vào các lạch xung quanh thay đổi và mất dần. Môi trường sống cho các loài thủy sinh và con người bị thay đổi. Sự phát triển tự nhiên của bờ biển và dòng thủy triều bị can thiệp, điều kiện tự nhiên của cả vùng biến đổi”, ông Hồng nhấn mạnh.

Ông Hồng cho rằng “di sản” của dự án để lại sẽ là một hồ chứa nước khổng lồ với chất lượng nước nhiều độc hại (nước mặn, nước có độ pH thấp, nước có nồng độ kim loại cao, dầu mỡ thi công, chất độc hại từ thuốc nổ…) tạo ra một hồ “chết”.

“Đây là hậu quả khôn lường cho nguồn nước sinh hoạt của con người, cho vật nuôi, cho cây trồng trong một vùng dân cư rộng lớn. Dung tích hồ chứa gần 3 triệu mét khối, với chiều sâu trên 500m. Nếu bị động đất, bờ hồ đổ sập sẽ gây sóng lớn, quét cả một vùng dân cư”, ông Hồng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỏ sắt Thạch Khê: Doanh nghiệp vẫn muốn khai thác, tỉnh tiếp tục kiến nghị dừng