Trong 11 tháng của năm nay, doanh thu xuất khẩu tôm đã đạt hơn 4 tỉ USD, mức cao nhất trong cùng kỳ các năm qua.

Xuất khẩu tôm Việt chỉ 11 tháng đã đạt 4 tỉ USD

Tuyết Nhung | 26/12/2022, 10:34

Trong 11 tháng của năm nay, doanh thu xuất khẩu tôm đã đạt hơn 4 tỉ USD, mức cao nhất trong cùng kỳ các năm qua.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11.2022 giảm 18%, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Tháng 11 năm nay cũng là tháng ghi nhận doanh số xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 3. Tuy nhiên, lũy kế 11 tháng của năm nay, doanh thu xuất khẩu tôm vẫn đạt hơn 4 tỉ USD, mức cao nhất trong cùng kỳ các năm qua. Doanh thu lũy kế 11 tháng ghi nhận tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.

xuat_khau_tom_sang_my.jpg

Về sản phẩm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm sú giảm, tôm chân trắng vẫn tăng trong 11 tháng của năm 2022. Các sản phẩm tôm chế biến tăng tốt hơn các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh. Trong số các sản phẩm tôm sú và tôm chân trắng xuất khẩu, chỉ tôm sú tươi/đông lạnh giảm 8%, tôm sú chế biến khác tăng tốt nhất 21%. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến và tôm chân trắng tươi/đông lạnh tăng lần lượt 15% và 5%.

Trong tháng 11, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và EU giảm mạnh nhất xấp xỉ 50%, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 16%, xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ tăng 2%, duy nhất thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam với mức tăng trưởng 88% trong tháng 11.

Tháng 11.2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng của năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 773 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 10.2022, Mỹ nhập khẩu 69.767 tấn tôm, trị giá 633,99 triệu USD, giảm 18% về khối lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, nhập khẩu tôm vào Mỹ ghi nhận giảm.

Tính lũy kế tới tháng 10.2022, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 715.711 tấn, trị giá 6,7 tỉ USD, giảm 2% về lượng và giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ 2021.

Theo VASEP, nguyên nhân khiến nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm là do tồn kho còn nhiều. Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm đều chậm, các hãng bán lẻ đôi khi còn yêu cầu hoãn giao hàng. Mặc dù tồn kho cao, nhưng giá tôm tại Mỹ không giảm do các nhà bán buôn chưa muốn bán ra vì chưa được giá.

"Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn", VASEP nhấn mạnh.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 37 triệu USD trong tháng 11.2022, giảm 44% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đồng loạt giảm 2 con số. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 655 triệu USD, tăng 19%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu giảm từ tháng 10 năm nay. Lạm phát tại đây cao kỷ lục, khủng hoảng giá năng lượng, biến động tỷ giá ảnh hưởng tới chi phí lưu kho và tổ chức tiêu thụ.

Tháng 11.2022, trong khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng. Xuất khẩu tôm Việt sang Trung Quốc trong tháng này đạt hơn 68 triệu USD, tăng 88%. Lũy kế 11 tháng, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 616 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ đầu tháng 12, chính quyền Trung Quốc đã có những động thái nới lỏng chính sách Zero-COVID. Trong đó, Trung Quốc đang hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu, giúp rút ngắn thời gian chờ thông quan và chi phí nhập khẩu cho các nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này được kỳ vọng làm tăng nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong tháng cuối cùng của năm nay.

Nửa đầu năm nay, nhờ giá xuất khẩu tốt, nhu cầu cao, đơn hàng gối từ cuối năm 2021, nên xuất khẩu tôm tăng khá. Nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm do lạm phát toàn cầu tăng cao kỷ lục, chiến tranh Nga - Ukraine, biến động tiền tệ, chi phí sản xuất gia tăng, nguồn nguyên liệu hạn chế, nguồn vốn để quay vòng sản xuất hạn hẹp trong khi phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ các nguồn cung đối thủ.

Tuy vậy, tính tới tháng 11.2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã vượt kim ngạch xuất khẩu tôm của cả năm 2021, đạt hơn 4 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, cả năm 2022, xuất khẩu tôm đạt khoảng 4,3 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Bài liên quan
Cà Mau: Hỗ trợ 400.000 con tôm sú giống cho nông dân
Ngày 16.11, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị vừa tổ chức bàn giao 400.000 con tôm sú giống quảng canh cải tiến 2 giai đoạn cho 20 hộ dân ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu tôm Việt chỉ 11 tháng đã đạt 4 tỉ USD