Huyện Đông Hải là địa phương sản xuất muối trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, đời sống của diêm dân gắn bó với nghề muối còn nhiều khó khăn, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.

Bạc Liêu: Gỡ khó cho hạt muối Đông Hải

Trần An | 25/12/2022, 15:44

Huyện Đông Hải là địa phương sản xuất muối trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, đời sống của diêm dân gắn bó với nghề muối còn nhiều khó khăn, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.

Nghề muối là một trong những nghề truyền thống của tỉnh Bạc Liêu được hình thành trên 100 năm, sản phẩm muối Bạc Liêu rất nổi tiếng về chất lượng và có một hương vị đậm đà rất riêng, độc đáo. Bên cạnh đó, biển Bạc Liêu có độ bay hơi nước rất cao, độ hấp thu nhiệt mạnh...

Những yếu tố trên góp phần khiến nghề muối Bạc Liêu có một lợi thế phát triển. Năm 2013 muối Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu, được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đến năm 2020 “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

muoi-1.jpg
Huyện Đông Hải là địa phương sản xuất muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu

Tuy nhiên, nghề muối ở tỉnh Bạc Liêu nói chung và của huyện Đông Hải nói riêng hiện nay phát triển chưa đáp ứng với yêu cầu. Phần lớn diêm dân sản xuất theo phương pháp truyền thống lạc hậu, thiếu vốn nên chậm đầu tư các tiến bộ kỹ thuật, tỷ lệ cơ giới hóa thấp, sản phẩm làm ra có giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường dẫn đến việc sản xuất muối không mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình sản xuất khác.

Bên cạnh đó, diện tích canh tác của từng gia đình không nhiều, giá cả bấp bênh, khâu tiêu thụ còn bất cập. Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến muối, nhưng các doanh nghiệp này chưa có nhiều hoạt động liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho các Hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình. Mặc khác, sản xuất theo hình thức cũ của diêm dân dẫn đến chất lượng hạt muối thấp, chủ yếu bán muối thô cho doanh nghiệp hoặc thương lái thông qua thỏa thuận về giá cả giữa các bên.

muoi.jpg
Đời sống người làm muối ở huyện Đông Hải còn nhiều khó khăn

Ông Lý Huỳnh Hương - một diêm dân có hơn 40 năm gắn bó với nghề muối ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đất sản xuất muối làm theo kiểu truyền thống. Tôi gắn bó với nghề từ lúc trẻ tới giờ, năm nào thời tiết thuận lợi muối có giá là mừng. Tôi có tìm hiểu về phương pháp trải bạt trên đồng muối nhưng chi phí cao , trong khi gia đình không có điều kiện, nên canh tác làm theo kiểu truyền thống, có bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Ông Nguyễn Hoàng Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Huy Điền, xã Điền Hải cho biết: “Hợp tác xã có 42 ha đất sản xuất với 30 thành viên, trong đó diện tích sản xuất muối truyền thống chiếm 20 ha, chiếm gần 50%. Nguyên nhân là do việc đầu tư phương pháp trải bạt kết tinh chi phí cao, vượt ngoài khả năng của người dân”.

Hiện nay, muối Bạc Liêu hiện có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu được bảo hộ vô thời hạn trên toàn quốc. Trong đó, có 3 sản phẩm muối của Công ty cổ phần Muối Đông Hải.

Với việc được công nhận sản phẩm OCOP đòi hỏi việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là xu thế phát triển chung đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Việc áp dụng phương pháp trải bạt trên diện tích sản xuất muối góp phần năng cao sản lượng và chất lượng hạt muối đang được khuyến khích phổ biến rộng rãi ở địa phương. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung tại các HTX, tổ hợp tác nơi được đầu tư về cơ sở sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Ngành nông nghiệp huyện Đông Hải cho biết, hiện nay toàn huyện có có 1.280 ha sản xuất muối, muối trải bạt là 43,5 ha (chiếm 3,4% diện tích) tỷ lệ khá thấp trong tổng thể sản xuất muối toàn huyện.

muoi-2.jpg
Nghề sản xuất muối vô cùng cơ cực

Trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết: “Bên cạnh những khó khăn về vốn đầu tư hình thức trải bạt kết tinh, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Cái khó hiện nay của huyện là kết cấu cơ sở hạ tầng vùng muối tuy được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu cho sản xuất, vận chuyển lưu thông hàng hóa và dân sinh. Cùng với đó, nhiều công trình đầu tư sau nhiều năm sử dụng đến nay đã xuống cấp, chưa có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, từ đó ảnh hưởng đến sản suất và dân sinh kinh tế vùng muối”.

Để khắc phục tình trạng trên theo ông Bình, trong thời gian tới ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn tuyên truyền, triển khai nhân rộng mô hình sản xuất mới bằng phương pháp trải bạt, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đa canh trên đất muối cho bà con diêm dân.

Vận động các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thực hiện theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ hợp tác, HTX nhằm tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhâu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con diêm dân tiếp cận với các chính sách hiện hành của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật công nghệ.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu: Gỡ khó cho hạt muối Đông Hải