Một quyết định đáng chú ý của chính phủ Trung Quốc trong tuần này, là việc chính thức chấp thuận cho Quỹ hưu trí ở nước này được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK).
Theo tính toán, điều này sẽ cho phép khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 307 tỷ USD) đổ vào TTCK về lâu dài, và trong ngắn hạn con số cũng có thể đạt tới mức 600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 92,1 tỷ USD). Quyết định này khiến cho làn sóng những lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc gia tăng, khi đây là lần đầu tiên Bắc Kinh mạo hiểm cho phép quỹ an sinh xã hội lớn nhất cả nước này bỏ tiền ra chơi chứng khoán, bất chấp những nguy cơ về mặt ổn định xã hội. Vậy, đâu là lý do thực sự khiến chính phủ Trung Quốc “dám” cho phép quỹ hưu trí đầu tư chứng khoán?
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, đây có thể được xem như một hành động mang ý nghĩa “mồi” của chính phủ Trung Quốc để vực dậy TTCK của nước này. Sau sự sụp đổ hồi giữa năm ngoái, và sự hỗn loạn vào tháng Giêng năm nay, TTCK Trung Quốc về cơ bản đang ở trong tình trạng không thực sự ổn định. Dòng vốn đầu tư đổ mạnh vào hai thị trường khác là bất động sản và trái phiếu gia tăng trong thời gian gần đây được xem là biểu hiện của việc thoái vốn quy mô lớn khỏi TTCK, và dù trên thực tế thì TTCK Trung Quốc không phải là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp nước này (chỉ chiếm 20% tổng số vốn doanh nghiệp huy động được), thì đây vẫn là một thị trường quan trọng để vực dậy nền kinh tế vốn đang trong tình trạng giảm tốc của Trung Quốc.
Những con số thống kê mới nhất đang cho thấy thị trường tài chính của Trung Quốc thời điểm hiện tại đang tệ ra sao. Theo thống kê, tổng số các khoản vay của các doanh nghiệp Trung Quốc tại hệ thống các ngân hàng nước này trong hai tháng đầu năm 2016 đã lên tới 540 tỷ USD, tuy nhiên phần lớn lại không đến tay các doanh nghiệp tư nhân vốn đang là lực lượng tạo ra 80% công ăn việc làm tại các đô thị của Trung Quốc và 60% GDP của toàn bộ nền kinh tế. Bất chấp những chỉ đạo từ Chính phủ, thì các ngân hàng vẫn đang ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước vay trước với lãi suất ưu đãi, và điều này đang đẩy các doanh nghiệp tư nhân vào thế khó tiếp cận vốn.
Thực tế này đang khiến cho các công ty tư nhân ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc hoạt động. Chỉ số PMI của các công ty tư nhân Trung Quốc đã giảm từ mức 48 điểm vào năm 2015 xuống còn 44 điểm tính đến thời điểm tháng 2.2016, nó cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân đang xấu đi, không chỉ từ nguyên nhân nền kinh tế đang giảm tốc, mà còn do họ khó tiếp cận vốn hơn kể cả khi Chính phủ Trung Quốc đã tung ra những gói hỗ trợ và kích thích thị trường nội địa. Vì thực tế là khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc thì tất cả các bộ phận trong nền kinh tế đều gặp khó khăn và đều có nhu cầu vay vốn để cải thiện và ổn định sản xuất, tuy nhiên các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước nhờ mối quan hệ đang trở thành đối tượng được ưu đãi hơn, và dẫn đến việc lượng tín dụng còn lại dành cho các công ty tư nhân không còn nhiều.
Có thể đó là lý do khiến cho Chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy tăng trưởng của TTCK thời điểm hiện tại, vì đây vẫn là một kênh gọi vốn quan trọng (khoảng 20%) cho các công ty tư nhân. Và cách dễ nhất để hồi phục một TTCK đang trong tình trạng trì trệ sau hai đợt rối loạn liên tiếp chỉ trong vòng 4 tháng, là Chính phủ trực tiếp đầu tư vào đó, và bằng một công cụ được xem là mạo hiểm là Quỹ hưu trí.
Quỹ hưu trí Trung Quốc là quỹ an sinh xã hội lớn nhất nước này, chiếm khoảng 90% tổng giá trị các quỹ an sinh xã hội trên toàn quốc, với giá trị khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 614 tỷ USD), điều này có nghĩa là nếu xảy ra bất cứ một sơ sẩy nhỏ nào cũng có thể gây ra những tác động xã hội trên diện rộng. Vì thế đây được xem gần như là một thông điệp của Chính phủ Trung Quốc đến các nhà đầu tư, rằng khi mà Chính phủ đã dám cho phép quỹ hưu trí đầu tư vào TTCK thì có nghĩa là thị trường này đã an toàn và ổn định trở lại. Và nó có thể sẽ kéo được một lượng vốn đầu tư từ thị trường bất động sản và trái phiếu quay trở lại TTCK, và giúp cho các công ty Trung Quốc có thể gọi vốn trở lại.
Bất kể những điều đó, thì dòng tiền trên thị trường tài chính Trung Quốc giờ đây đang xoay chuyển với một tốc độ thấp hơn trước rất nhiều. Nếu như vào thời điểm năm 2006, các công ty chỉ cần mất một tháng là có thể thu tiền về sau khi niêm yết trên TTCK, thì giờ đây phải mất khoảng 170 ngày nghĩa là gần 6 tháng. Dòng tiền luân chuyển chậm cũng đang khiến các công ty gặp nhiều khó khăn hơn và hầu hết đều phải hoạt động cầm chừng và rơi vào tình trạng chậm thanh toán tiền cho các nhà cung cấp.
Đây có thể được xem như một dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng tài chính tại thị trường Trung Quốc. Việc khó tiếp cận vốn đang khiến các công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn trong hoạt động, và hoặc là phải tiết giảm khả năng hoạt động hoặc là phải ngưng hoạt động và giải thể.
Theo thống kê của Reuters, các công ty quy mô lớn ở Trung Quốc vẫn đang có xu hướng tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh bất kể nền kinh tế đang chững lại, trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn và ngưng hoạt động đang ngày càng nhiều hơn. Đây có thể là một tín hiệu xấu cho nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai gần, vì các cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thường bao giờ cũng có một số dấu hiệu nhận biết chung, đó là sự suy giảm hoạt động và giải thể của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước, và sự thiếu hụt nguồn vốn luân chuyển trên thị trường.
Và các dấu hiệu này thì hiện tại đều đang xuất hiện trong nền kinh tế Trung Quốc.
Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)