Trang Business Insider đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình truy bắt kẻ đòi ông từ chức trong một bức thư ngỏ bí ẩn.

Tập Cận Bình truy bắt kẻ đòi ông từ chức

29/03/2016, 05:24

Trang Business Insider đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình truy bắt kẻ đòi ông từ chức trong một bức thư ngỏ bí ẩn.

Trong khi đó, báo The Wall Street Journal nêu TQ “bắt đầu cất lưới” khiến nhiều người mất tích, sau khi bức thư ngỏ được đăng trên một trang tin điện tử TQ hồi đầu tháng 3.

Nội bộ CPC đang sủi bọt” chia rẽ…

Tờ báo Mỹ viết cuộc săn lùng tác giả bức thư là dấu hiệu Bắc Kinh nóng ruột, vì có sự chống đối đang “sủi bọt” trong nội bộ Đảng Cộng sản TQ (CPC).

Các nhà phân tích nói việc ông Tập Cận Bình truy bắt kẻ đòi ông từ chức phản ánh CPC lo ngại bức thư bí ẩn và ngày càng tăng sự phản đối phong cách lãnh đạo kiểu thống trị của ông Tập.

Kerry Brown, một giáo sư nghiên cứu TQ ở đại học King’s College London(Anh) nói: “Phản ứng của chính quyền cho thấy tính dễ gãy của quyền lực và sự căng thẳng ở mức cao nhất. Nếu dạng phàn nàn này lan rộng thì hẳn sẽ có nhiều rắc rối thật”.

Từ khi nắm quyền lực hồi 3 năm trước, ông Tập tập trung nhiều quyền hành về tay mình, không còn tinh thần lãnh đạo tập thể như 20 năm trước đây.

Vài tháng gần đây, nỗ lực thống nhất toàn đảng-toàn dân đứng sau ông Tập đã được tiến hành ráo riết.

Ông Tập tăng cường kêu gọi cán bộ đảng viên, các học giả và giới báo chí thể hiện sự trung thành với lãnh đạo, trong khi Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương (CCDI, thuộc CPC) vừa tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng, vừa lo việc củng cố kỷ luật trong đảng.

Trong chuyến thăm và làm việc 3 cơ quan báo chí nhà nước TQ là Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của CPC) và Đài truyền hình trung ương CCTV, ông Tập chỉ đạo “giới truyền thông phải phản ánh ý chí của đảng, nêu lên quan điểm của đảng, bảo vệ quyền lực và tinh thần đoàn kết của đảng, hết lòng yêu mến, bảo vệ đảng và hành động vì đảng”.

Giới truyền thông nhà nước thì có vô số bài viết hết lời tán dương ông Tập là một lãnh đạo mạnh mẽ, luôn lo lắng cho nhân dân. Nhưng hai tháng qua, sự chia rẽ giữa các đảng viên bất mãn với cánh ông Tập đã nở rộ.

Sau khi đảng viên CPC Nhậm Chí Cường đặt câu hỏi về việc ông Tập buộc giới truyền thông phải trung thành với đảng, các báo nhà nước TQ lao vào công kích Nhậm, người đã nói thẳng rằng ông không thích quan điểm chỉ đạo của ông Tập:

“Khi nào thì chính quyền của nhân dân trở thành chính quyền của đảng? Một khi giới truyền thông là một phần của một gia đình, thôi làm đại diện cho các quyền lợi của nhân dân thì nhân dân sẽ bị bỏ qua một bên, bị đưa vào vài góc lãng quên”.

Một chuyên gia thuộc Trường Đảng trung ương nhảy vào bênh vực ông Nhậm trong một bài báo điện tử, nêu rõ cương lĩnh và điều lệ của đảng đề cao quyền nêu rõ ý kiến của đảng viên. Sau đó, bài báo này bị gỡ xuống.

Bức thư bí ẩn đe dọa tính mạng ông Tập và gia đình

Theo WSJ, tất cả những điều này khiến một số đảng viên khó chịu. Vài người xem đó là cách ông Tập quay trở lại thời kỳ độc đoán-chuyên quyền của Mao Trạch Đông.

Daniel Leese, một giáo sư về lịch sử-chính trị TQ ở đại học Freiburg(Đức) nói: “Sự thu vén quyền hành về tay ông Tập, cùng sự tôn sùng cá nhân đang nổi lên, đã khiến có sự chống đối trong hàng ngũ đảng”.

Ông nói lá thư kêu gọi ông Tập từ chức được tung ra vào lúc đang có sự phân hóa, phản ánh “sự lo ngại văn hóa chính trị bị thay đổi” dưới quyền ông Tập.

Vẫn chưa rõ ai là tác giả bức thư bí ẩn được đăng trước kỳ họp quốc hội hàng năm, sự kiện chính trị lớn nhất trong năm 2016 ở TQ.

Bức thư ngỏ có chữ ký là “các đảng viên Cộng sản trung thành”, viết: “Chúng tôi không nghĩ đồng chí Tập có khả năng lãnh đạo đảng và đất nước đi vào tương lai. Chúng tôi không nghĩ đồng chí ấy xứng đáng với vai trò tổng bí thư”.

Thư đòi ông Tập nên từ chức “vì tương lai đất nước và nhân dân TQ”. Nó phê phán ông Tập “từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể”, thu vén quyền lực về tay ông một cách quá đáng và ông Tập “nuông chiều bọn nịnh bợ”, làm tê liệt chính quyền bằng chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi”.

“Cán bộ đảng Cộng sản trung thành” còn viết: “Sự ham mê tôn sùng cá nhân của đồng chí Tập và việc cấm bàn luận không chính đáng về trung ương khiến chúng tôi, những người đã trải qua cuộc Cách mạng văn hóa thời Mao, phải lo ngại. Đảng ta, nước ta và nhân dân ta không thể chịu thêm 10 năm bất ổn rối loạn nữa”.

Bức thư công kích cách ông Tập xử lý các vấn đề xã hội, ngoại giao và kinh tế, chỉ trích cách ông tiến hành chủ trương đối ngoại hung hăng mang hơi hướng phiêu lưu chủ nghĩa và ông không hề quan tâm đến nền kinh tế TQ lao dốc trầm trọng: “Vì đồng chí Tập tập trung quyền lực vào tay đồng chí và đồng chí trực tiếp ra các quyết định, chúng ta nay đối mặt với những vấn nạn lớn và khủng hoảng ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng và văn hóa”.

Bức thư còn viết: “Tuyên bố của đồng chí Tập - rằng báo chí phải phục vụ đảng, không phục vụ nhân dân-khiến toàn dân xuống tinh thần”.

Nó cũng có lời lẽ đe dọa sự an toàn của ông Tập và gia đình ông, nếu ông không từ chức: “Vì lý tưởng của đảng, vì sự ổn định và hòa bình lâu dài của nước ta và vì chính sự an toàn của đồng chí và gia đình đồng chí, chúng tôi yêu cầu đồng chí rút khỏi mọi vị trí lãnh đạo đảng và nhà nước”.

Theo WSJ, bức thư ngỏ ban đầu được đăng ngày 4.3, trên trang web Can dự (của người Hoa ở nước ngoài) chuyên về các vấn đề nhân quyền và chính trị TQ.

Tiếp đó, nó xuất hiện trên trang tin Vô Giới (một trang web có đồng chủ nhân là tập đoàn truyền thông SEEC, Alibaba và chính quyền khu tự trị Tân Cương ở tây bắc TQ) trong cùng ngày, nhưng vài giờ sau thì không thể truy cập.

Một bản ẩn của bức thư ngỏ trên Vô Giới cho thấy nó được lấy từ Can dự để đăng lại. Lãnh đạo Can dự cho biết họ đăng thư ngỏ sau khi một người giấu tên gửi vào địa chỉ thư điện tử của Can dự, nhưng ông không biết vì sao nó được đăng lại trên Vô Giới.

Cùng ngày 4.3, một người nào đó đã đăng thư ngỏ trên blog của trang web Mingjing của người Hoa ở nước ngoài. Trang này nổi tiếng đưa tin giật gân về chính trị ở Hoa lục.

Người lập Mingjing là Hà Tần, nói ông nhận được thư ngỏ nhưng quyết không đưa lên trang web chính vì nguồn gốc mờ ám của nó. Ông nói thêm: “Xem ra nó đánh vào trung ương ở Trung Nam Hải”, trụ sở của lãnh đạo TQ ở Bắc Kinh.

Chính quyền TQ bắt đầu “cất lưới” những đối tượng nghi vấn

Sau đó, ít nhất 4 quản lý và biên tập viên của Vô Giới cùng 10 người của một công ty IT cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Vô Giới bị mất tích, theo bạn bè và cộng sự của họ cho biết. Họ còn nói vụ mất tích này có liên quan cuộc điều tra bức thư ngỏ ở cấp trung ương.

Từ giữa trung tuần tháng 3, Vô Giới (trụ sở ở Bắc Kinh) đã không còn đăng tin nào nữa. Các tài khoản mạng xã hội của trang tin này cũng im ắng.

Khoảng hơn 100 nhân viên đang lo công ty IT sẽ bị đóng cửa, theo một nhân viên Vô Giới và 2 người nắm tình hình cho biết.

Khi được hỏi về bức thư ngỏ, văn phòng báo chí Hội đồng chính phủ TQ trả lời: “Chưa bao giờ nghe về nó. Những tin đồn ấy không có ý nghĩa”.

Tại TQ, sự trao đổi qua mạng về bức thư bí ẩn bị kiểm soát chặt. Trong số nhà báo bị mất tích có Giả Hà, một nhà báo tự do 35 tuổi sống ở Bắc Kinh, thường viết xã luận về các vấn đề chính trị-xã hội trên trang mạng Tencent Online.

Theo AP, công an TQ bắt Giả khuya 15.3, thời điểm lẽ ra anh đáp một chuyến bay từ Bắc Kinh đến Hồng Kông.

Ngày 26.3, các luật sư Yến Tân và Trần Kiến Cương của Giả cho biết Giả được tự do ngày 25.3, đã gặp lại vợ và dù ngụ lại khách sạn nhưng anh sẽ sớm về nhà.

Trước khi bị bắt, Giả cho bạn bè biết, rằng anh báo với bạn Âu Dương Hồng Lượng về bức thư bí ẩn đăng trên trang này, và khuyên bạn nên tháo nó xuống.

Âu là Tổng biên tập Vô Giới và là bạn của Giả. Âu cùng chủ tịch Lý Vạn Huy của Vô Giới,một biên tập viên khác, một quản lý cũng mất tích vài ngày gần đây. Bạn bè Giả cho biết anh đã phủ nhận không hề liên quan bức thư.

Bên cạnh đó, nhà văn Ôn Vân Siêu-kịch liệt chống đối TQ, sống lưu vong tại New York (Mỹ) cho biết: ông không biết ai là tác giả bức thư bí ẩn, dù bị TQ nghi ông dính líu.

Ông nói vào ngày 19.3, tay blog Lưu Cương sống ở Mỹ viết rằng ông đứng sau bức thư bí ẩn: ”Lưu nói tôi viết thư này và từ đó, chính quyền bắt đầu làm phiền gia đình tôi, buộc tôi phải nhận là tác giả lá thư”. Ông kể cha mẹ ông cho biết: chính quyền TQ muốn ông nhận tội “phát tán” bức thư và cấp thông tin về tác giả bức thư bí ẩn.

Ông nói vào ngày 22.3, TQ đã “bắt cóc” cha mẹ đã cao tuổi và em trai ông (đều sống ở huyện Yết Tây, tỉnh Quảng Đông, nam TQ) để ép ông phải tiết lộ tác giả bức thư bí ẩn. Ông không thể liên lạc với gia đình, đề nghị Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu ông Tập phải thả cha mẹ và em trai ông, khi hai lãnh đạo Mỹ-Trung dự cuộc họp thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Mỹ trong tuần này.

Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập Cận Bình truy bắt kẻ đòi ông từ chức