Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung thì yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ.

Vay rồi bùng nợ, nợ xấu tiêu dùng đang tăng cao

Tuyết Nhung | 17/11/2023, 08:11

Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung thì yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ.

Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỉ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống). Đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

anh-minh-hoa.jpg
Đến cuối tháng 9 vừa qua, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng, triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng - Ảnh: IT

Để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, từ đó hạn chế tín dụng đen cũng như phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, các tổ chức tín dụng cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu vùng xa...

Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp, đến cuối tháng 9.2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).

Lý giải tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì họ chống đối; tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; các hội nhóm rủ nhau "bùng nợ" tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý...

Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng, của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận vấn đề tín dụng tiêu dùng là một xu hướng, ở Việt Nam trong những năm gần đây phát triển tương đối mạnh mẽ. Ở các nước phát triển trên thế giới, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Trong khi đó, đời sống xã hội, điều kiện kinh tế của Việt Nam và thu nhập của người dân ngày càng phát triển thì rõ ràng tiêu dùng và vay để phục vụ tiêu dùng là vấn đề hết sức khách quan và là nhu cầu cấp thiết của xã hội, của nền kinh tế và của từng người dân. Với tính cấp thiết đó thì vai trò của Nhà nước trong vấn đề xây dựng thể chế, thiết lập hoạt động như thế nào cũng được đặt ra.

Với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, để tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng phát triển, đồng thời quản lý hoạt động an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay tiêu dùng; ban hành các quy định về giới hạn giải ngân, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống để quản lý hiệu quả chất lượng tín dụng cũng như kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, cảnh báo các tổ chức tín dụng về các vấn đề rủi ro.

Phó thống đốc Tú đánh giá việc xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là của các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn. Đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cũng rất quan tâm, để làm sao duy trì được tốc độ phát triển của tín dụng tiêu dùng - một lĩnh vực rất cần thiết để giúp nâng cao đời sống của người dân, ngăn chặn tín dụng đen, củng cố và tiếp tục nâng cao niềm tin của thị trường, của người dân và của người vay vốn đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, trong đó có công ty tài chính nói riêng.

Bộ Công an xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu gian lận trong việc trộm cắp danh tính, giả mạo danh tính. Bộ Công an sớm triển khai Công cụ chấm điểm mức khả tín, khai thác Big data (thông tin thuế, thông tin sử dụng dịch vụ tiện ích, thông tin thuê nhà…), nghiên cứu bộ chấm điểm Alternative scoring và điểm hành vi của CIC, cũng như các ngân hàng thương mại để nâng cao tính tin cậy của công cụ (tham khảo bài học từ các quốc gia khác).

Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cần thống nhất hiệp thương để đưa ra các tuyến bố chung về chế tài với việc cố tình, chây ì trả nợ. Ví dụ, nếu người vay bị đánh giá lẩn tránh, chây ì trả nợ tại 1 tổ chức tín dụng, công ty tài chính nào đó thì sẽ không được cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng, công ty tài chính khác, nhất là cấp thẻ tín dụng vay mua ô tô…

Một trong những giải pháp quan trọng để có thể xử lý hiệu quả những bất cập trên được các đại biểu đưa ra, là đẩy nhanh tiến độ luật hóa Nghị quyết 42 tích hợp trong luật tổ chức tín dụng. Luật và các văn bản pháp quy dưới luật, như nghị định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần có quy định về trách nhiệm của cá nhân vay vốn (người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính) về nghĩa vụ "vay - trả" và điều kiện để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong vai trò người sử dụng dịch vụ (người tiêu dùng). Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ sở hành lang pháp lý đối với mảng cho vay tiêu dùng theo mô hình công ty fintech, app online...

Ngoài ra, đại diện VNBA cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép các tổ chức thu hồi nợ trung gian chuyên nghiệp hoạt động thu hồi nợ, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại, công ty tài chính trong quá trình cho vay tiêu dùng...

Bài liên quan
Nợ xấu có xu hướng tăng, thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn rủi ro
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Các thị trường bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiềm ẩn rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vay rồi bùng nợ, nợ xấu tiêu dùng đang tăng cao