10 tháng kể từ đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 180,4 nghìn tỉ đồng; khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỉ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022).

Trái phiếu doanh nghiệp ấm dần, làm sao cải thiện tâm lý thị trường năm tới?

Hoài Lam | 16/11/2023, 14:12

10 tháng kể từ đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 180,4 nghìn tỉ đồng; khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỉ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022).

Thị trường TPDN ấm dần

Về thị trường TPDN, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy trong 10 tháng kể từ đầu năm, có 70 DN phát hành với khối lượng 180,4 nghìn tỉ đồng; khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỉ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022).

Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, khối lượng phát hành là 179,5 nghìn tỉ đồng. Trong tháng 10.2023, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỉ đồng, tăng 17 nghìn tỉ đồng so với tháng 9. Riêng trong tháng 10.2023, các DN đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỉ đồng trái phiếu trước hạn.

Đối với sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, tính đến ngày 31.10 thị trường đã tiếp nhận và đưa vào giao dịch 451 mã trái phiếu của 114 DN với giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 336.768 tỉ đồng.

Về quy mô giao dịch, tính đến hết phiên giao dịch 31.10.2023, tổng trị giá giao dịch toàn thị trường đạt 49.392 tỉ đồng; bình quân giao dịch đạt 676,6 tỉ đồng/phiên.

tp-1.png
Khối lượng mua lại TPDN trước hạn là 190,7 nghìn tỉ đồng trong 10 tháng

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng sự hồi phục tích cực của thị trường TPDN là cộng hưởng của cả các chính sách quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường.

Theo ông Dương, trước một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành TPDN gây ra những bất ổn trên thị trường TPDN, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, theo ông Dương, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để tạm hoãn thi hành một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng giúp DN có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt, giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường; hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động cũng góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường…

Kỳ vọng mới cho năm 2024

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của VIS Rating cũng kỳ vọng khi tình trạng chậm trả trái phiếu giảm dần và các quy định chặt chẽ hơn về phát hành TPDN có hiệu lực, tâm lý thị trường sẽ được cải thiện. Theo đó, khối lượng phát hành sẽ hồi phục nhẹ.

“Trong năm 2024, hầu hết các ngành vẫn sẽ đối mặt với thách thức do nền kinh tế tăng trưởng yếu, tỷ lệ đòn bẩy vay nợ cao và nhu cầu tái cấp vốn lớn. Chúng tôi kỳ vọng các chính sách giảm lãi suất gần đây và các biện pháp hỗ trợ cấp vốn cho DN sẽ giúp giảm bớt áp lực thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu đang phải đối mặt. Đặc biệt là các DN hoạt động trong ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo”, báo cáo nêu.

Đơn vị này cũng cho biết số trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đã đạt đỉnh vào quý 1/2023 và sẽ giảm bớt trong năm 2024 nhờ Nghị định 08/2023 cho phép sử dụng các cơ chế mới để khắc phục hoặc tránh tình trạng chậm trả của trái phiếu.

“Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tổ chức phát hành chủ động đàm phán trước với các trái chủ để tránh rơi vào tình trạng chậm trả gốc/lãi. Gia hạn trái phiếu tiếp tục là lựa chọn khả thi nhất để tránh rơi vào tình trạng chậm trả gốc/lãi hoặc để tiếp tục khắc phục chậm trả cho trái chủ”, VIS Rating nhận định, và cho hay bước sang năm 2024, thị trường TPDN sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn khi bắt đầu áp dụng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt đối với tất cả các bên liên quan.

tp-2.jpeg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật Sblaw)

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật Sblaw) cho rằng cần đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của sàn giao dịch TPDN nói riêng và thị trường TPDN nói chung.

Theo đó, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát và kiểm tra của cơ quan chức năng đối với việc phát hành, lưu ký, giao dịch, thanh toán và báo cáo trái phiếu riêng lẻ. Ngoài ra, có thể nới lỏng một số điều kiện phát hành để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN có nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn.

“Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức, như các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm, các tổ chức tài chính, tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, đa dạng hóa nguồn cầu và cung cấp thông tin, dữ liệu, định giá cho thị trường”, ông Hà nói, đồng thời để nghị cần nâng cao nhận thức và kiến thức của các nhà đầu tư cá nhân về thị trường trái phiếu.

Ở phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN; triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng đối với các DN đủ điều kiện bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ để đa dạng hóa nhà đầu tư.

Ngoài ra, phát triển cơ sở nhà đầu tư thông qua việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường.

duong.jpeg
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính)

Bộ Tài chính sẽ theo dõi, yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các DN trường hợp có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.

Đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành, củng cố niềm tin nhà đầu tư.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái phiếu doanh nghiệp ấm dần, làm sao cải thiện tâm lý thị trường năm tới?