Đức đã gửi lô vắc xin COVID-19 đầu tiên của BioNTech đến Trung Quốc, một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết hôm 21.12.

Vắc xin COVID-19 nước ngoài đầu tiên được chuyển đến Trung Quốc

Sơn Vân | 21/12/2022, 21:22

Đức đã gửi lô vắc xin COVID-19 đầu tiên của BioNTech đến Trung Quốc, một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết hôm 21.12.

Đây là vắc xin COVID-19 nước ngoài đầu tiên được chuyển đến Trung Quốc. Chưa có thông tin chi tiết về quy mô của lô hàng. Trước đó, Trung Quốc đồng ý cho phép công dân Đức ở cường quốc châu Á được tiêm vắc xin COVID-19 của BioNTech.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đạt được thỏa thuận này trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 11. Nhà lãnh đạo Đức còn đề nghị Bắc Kinh cho phép cung cấp miễn phí vắc xin COVID-19 của BioNTech cho cả công dân Trung Quốc.

Tôi có thể xác nhận một lô hàng vắc xin BioNTech đang trên đường đến Trung Quốc”, phát ngôn viên của chính phủ Đức nói với các nhà báo ở thủ đô Berlin.

Trung Quốc đến nay vẫn chỉ sử dụng vắc xin COVID-19 được sản xuất trong nước, không dựa vào công nghệ mRNA như phương Tây mà dùng các công nghệ truyền thống hơn.

Lô vắc xin COVID-19 của BioNTech được gửi đến trong bối cảnh Trung Quốc đang dỡ bỏ chế độ phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách Zero COVID, dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm SARS-CoV-2 khiến hệ thống y tế gặp khó khăn. Các chuyên gia dự đoán đất nước 1,4 tỉ dân này có thể phải đối mặt với hơn 1 triệu ca tử vong do COVID-19 vào năm 2023.

Cho phép người Đức ở Trung Quốc tiếp cận với vắc xin BioNTech là cử chỉ phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ với nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) sau nhiều năm căng thẳng về thương mại giữa hai nước.

vac-xin-nuoc-ngoai-dau-tien-duoc-gui-den-trung-quoc1.jpg
Trung Quốc đồng ý cho phép công dân Đức ở quốc gia châu Á được tiêm vắc xin COVID-19 của BioNTech

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc (hồi tháng 11) kể từ khi trở thành Thủ tướng Đức và là chuyến đi đầu tiên của một nhà lãnh đạo G7 kể từ sau đại dịch, ông Olaf Scholz nói Trung Quốc và Đức có những cách tiếp cận khác nhau để chống lại vi rút SARS-CoV-2 nhưng có trách nhiệm chung là loại bỏ nó.

Ông Olaf Scholz đưa ra nhận xét này trong chuyến thăm một ngày nhằm kiểm tra mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây sau nhiều năm gia tăng căng thẳng, với các cuộc đàm phán cũng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, tiếp cận thị trường qua lại và biến đổi khí hậu.

BioNTech đã hợp tác sản xuất vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA với Pfizer (công ty dược phẩm khổng lồ của Mỹ) ở các khu vực bên ngoài Trung Quốc. Ngay từ năm 2020, BioNTech đã ký một thỏa thuận hợp tác song song với hãng Shanghai Fosun Pharmaceutical nhằm mục đích cung cấp vắc xin cho Trung Quốc. Song trong khi vắc xin COVID-19 của BioNTech đã có sẵn từ lâu ở Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan, việc xem xét theo quy định với Trung Quốc vừa hoàn tất. BioNTech nói quyết định đó là tùy thuộc vào các cơ quan quản lý Trung Quốc và không đưa ra lý do cho sự chậm trễ.

Hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch. Điều này cũng gồm cả việc phê duyệt vắc xin BioNTech cho người nước ngoài ở Trung Quốc. Tất nhiên, đây chỉ có thể là bước đầu tiên. Tôi hy vọng rằng có thể sớm mở rộng khả năng tiêm miễn phí vắc xin BioNTech cho nhóm những người Trung Quốc đủ điều kiện", ông Olaf Scholz nói trong một cuộc họp báo cùng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Chính sách Zero COVID và các biện pháp ngăn chặn SARS-CoV-2 đã giữ cho tỷ lệ tử vong và nhiễm SARS-CoV-2 của Trung Quốc ở mức thấp, nhưng gây ra sự gián đoạn lớn cả trong nước cũng như thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng.

Trung Quốc có 9 loại vắc xin COVID-19 phát triển trong nước được phê duyệt sử dụng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Thế nhưng chưa có vắc xin nào của Trung Quốc được cập nhật để nhắm vào biến thể Omicron, như Pfizer-BioNTech và Moderna từng tung ra mũi tăng cường ở nhiều nước phát triển.

Vào tháng 9, Moderna nói đã đàm phán với chính phủ Trung Quốc về việc cung cấp vắc xin COVID-19. Song vào thời điểm đó, hãng công nghệ sinh học Mỹ không cho biết liệu các cuộc đàm phán còn diễn ra không.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy các vắc xin được sử dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng và tử vong nhưng cho thấy hiệu quả thấp hơn với biến thể Omicron.

Các vắc xin mRNA sản xuất ở Trung Quốc đang phát triển chưa được nước này chính thức phê duyệt. Tuy nhiên vào tháng 9, Indonesia cho biết đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin mRNA do Walvax Biotechnology Co (Trung Quốc) phát triển.

Hôm 12.11, trang SCMP đưa tin Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thông báo cơ quan này đã cho phép thử nghiệm tính hiệu quả và an toàn của vắc xin mRNA dùng làm liều tăng cường trên người lớn đã được tiêm vắc xin bất hoạt.

Loại vắc xin mRNA này được gọi là ARCoVax, do Học viện Khoa học Quân y và công ty Tô Châu Abogen Biosciences cùng Walvax Biotechnology phát triển. ARCoVax đang được thử nghiệm giai đoạn cuối trên người ở nhiều nước với hy vọng thu hút khoảng 30.000 người tham gia. Các tình nguyện viên ở Mexico đã được tiêm ARCoVax vào tháng 9 và người tham gia thử nghiệm tại Malaysia cũng được chủng ngừa hồi tháng 10.

Trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng, Trung Quốc chủ yếu dùng vắc xin bất hoạt. Tuy nhiên, nước này đang thực hiện các cuộc thử nghiệm để xem vắc xin được sản xuất bằng kỹ thuật mới hơn có thể tăng cường khả năng miễn dịch không.

Bài liên quan
Moderna: Vắc xin mới nhắm Omicron vẫn có tác dụng cao sau 3 tháng
Moderna cho biết vắc xin tăng cường COVID-19 nhắm Omicron BA.1 đã tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại biến thể đó, với kháng thể duy trì ở mức cao trong ít nhất ba tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin COVID-19 nước ngoài đầu tiên được chuyển đến Trung Quốc