Bán được ít vắc xin COVID-19 hơn, Pfizer – BioNTech, Moderna và Novavax có thể phải tăng giá gấp ba lần mức hiện tại.

Nhu cầu giảm với vắc xin COVID-19 tăng cường khiến giá tăng cao

Sơn Vân | 21/10/2022, 15:42

Bán được ít vắc xin COVID-19 hơn, Pfizer – BioNTech, Moderna và Novavax có thể phải tăng giá gấp ba lần mức hiện tại.

Với việc hầu hết người Mỹ trì hoãn hoặc bỏ qua các mũi tiêm vắc xin tăng cường COVID-19 mới, các nhà phân tích cùng nhà đầu tư đang dự đoán số lượng vắc xin được bán ra sẽ ít hơn dẫn đến số lượng mũi tiêm thấp hơn nhiều so với tiêm phòng cúm hàng năm.

Với số lượng vắc xin COVID-19 bán được ít hơn, các nhà sản xuất như Pfizer – BioNTech, Moderna và Novavax có thể phải tăng giá gấp ba lần mức hiện tại nếu họ hy vọng đạt được dự báo về doanh thu của Phố Wall cho các vắc xin COVID-19 năm 2023 và hơn thế nữa.

Năm ngoái, nhiều người ở Phố Wall đã ước tính số lượng mũi tiêm vắc xin COVID-19 sẽ tương đương với vắc xin cúm hàng năm: Hơn 160 triệu liều tại Mỹ và 600 triệu liều trên toàn cầu mỗi năm.

Giờ đây, tốc độ chậm lại của các chiến dịch tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19, đặc biệt là ở Mỹ, đang thay đổi quan điểm đó. Một cuộc thăm dò gần đây của Kaiser Family Foundation cho thấy 2/3 người Mỹ trưởng thành không có kế hoạch tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường sớm. Các nhà phân tích đang cho rằng tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại ở thị trường Mỹ sẽ thấp bằng 1/3 quy mô của chiến dịch tiêm phòng cúm.

Tiến sĩ Bruce Farber, trưởng bộ phận y tế công cộng và dịch tễ của hệ thống bệnh viện Northwell Health của New York (Mỹ), cho biết: “Việc có người nói rằng đại dịch đã kết thúc không thúc đẩy người dân đi tiêm vắc xin COVID-19”.

Ông nói thêm rằng các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở những người đã được tiêm phòng khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của vắc xin.

Nhà chăm sóc sức khỏe Bijan Salehizadeh tại công ty tư nhân Navimed Capital trước đây nghĩ rằng nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường có thể như phòng bệnh cúm, nhưng giờ tin rằng nó sẽ nhỏ hơn nhiều nếu không có bằng chứng quan trọng cho thấy các mũi tiêm cập nhật tốt hơn.

"Người bình thường sẽ không cố gắng để nhận nó nếu không có dấu hiệu cải thiện hiệu quả”, ông nói.

nhu-cau-giam-voi-vac-xin-covid-19-tang-cuong-khien-gia-tang-cao(1).jpg
Pfizer – BioNTech, Moderna và Novavax có thể phải tăng giá vắc xin COVID-19 để bù đắp cho nhu cầu giảm

Trong sáu tuần đầu tiên của đợt triển khai ở Mỹ gần đây, khoảng 14,8 triệu người đã nhận vắc xin tăng cường COVID-19 được cập nhật nhắm vào cả vi rút SARS-CoV-2 gốc lẫn Omicron. Trong sáu tuần đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng năm 2021, hơn 22 triệu người đã tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba dù tại thời điểm đó, chỉ những người lớn tuổi và suy giảm miễn dịch mới đủ điều kiện.

Mức độ tiếp nhận vắc xin COVID-19 tăng cường trong năm nay ở Liên minh châu Âu không tăng đột biến như mong đợi sau khi các mũi tiêm mới nhắm Omicron được tung ra, chỉ nằm trong khoảng từ 1 triệu đến 1,4 triệu liều một tuần.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư Phố Wall đồng ý rằng doanh số vắc xin COVID-19 có thể cải thiện nếu các công ty cung cấp bằng chứng về mũi tăng cường có thể ngăn nhiễm vi rút SARS-CoV-2, hoặc nếu vắc xin được kết hợp thành một mũi duy nhất gồm cả phòng cúm. Một làn sóng nhiễm SARS-CoV-2 mới cũng có thể thúc đẩy nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường.

Với năm 2023, các nhà phân tích ước tính trung bình Pfizer, Moderna và Novavax có thể tạo ra doanh thu lần lượt là 16,3 tỉ USD, 7,9 tỉ USD và 2,8 tỉ USD từ vắc xin COVID-19 của họ, theo dữ liệu của Refinitiv.

Pfizer, BioNTech và Moderna từ chối thảo luận về triển vọng bán hàng liên quan đến vắc xin COVID-19.

John Trizzino, Giám đốc Thương mại Novavax, cho biết dù sự mệt mỏi về vắc xin và niềm tin rằng đại dịch đã qua đi đang làm giảm nhu cầu, nhà sản xuất thuốc hy vọng thị trường vắc xin COVID-19 cuối cùng ít nhất là lớn như bệnh cúm. Ông cho biết tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2, nhập viện và tử vong gia tăng sẽ khiến người dân nhận mũi vắc xin tăng cường.

Các công ty có thể bù đắp cho một số nhu cầu yếu hơn bằng cách tăng giá. Moderna nói rằng có thể nhắm đến việc tính phí tới 100 USD một liều cho vắc xin COVID-19 có giá ban đầu là khoảng 16,5 USD.

Thế nhưng, nhà phân tích Daina Graybosch của ngân hàng đầu tư SVB Leerink nghi ngờ rằng các công ty sẽ có thể tăng giá cao như vậy.

Các nhà đầu tư đã bắt đầu thất vọng về lời hứa thị trường vắc xin COVID-19, đặc biệt là với Moderna, BioNTech và Novavax, ba công ty trẻ dựa vào các mũi tiêm này để tạo ra hầu như tất cả lợi nhuận của họ. Cổ phiếu cả ba công ty đã giảm ít nhất 2/3 so với năm ngoái.

Cổ phiếu Pfizer, một trong những công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, đã giảm khoảng 1/3.

Pfizer dự kiến ​​sẽ tăng giá vắc xin COVID-19 lên 110-130 USD/liều ở Mỹ

Pfizer dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp 4 lần giá vắc xin COVID-19 của mình lên khoảng 110 đến 130 USD mỗi liều sau khi chương trình mua hiện tại của chính phủ Mỹ hết hạn.

Pfizer hy vọng vắc xin COVID-19 (hiện được chính phủ cung cấp miễn phí cho mọi người Mỹ) sẽ được cung cấp miễn phí cho những người có bảo hiểm tư nhân hoặc bảo hiểm do chính phủ chi trả.

Chính phủ Mỹ hiện trả khoảng 30 USD mỗi liều vắc xin COVID-19 Pfizer - BioNTech. Vào năm 2023, thị trường dự kiến ​​sẽ chuyển sang bảo hiểm tư nhân sau khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của Mỹ hết hạn.

Pfizer cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng giá vắc xin COVID-19 tại Mỹ phản ánh hiệu quả chi phí tổng thể và đảm bảo giá cả sẽ không phải là rào cản với việc tiếp cận của bệnh nhân”.

Hiện vẫn chưa rõ những người không có bảo hiểm y tế sẽ phải tiếp cận với loại vắc xin nào.

Pfizer hy vọng thị trường COVID-19 có quy mô tương đương với thị trường tiêm phòng cúm hàng năm cho người lớn, nhưng thị trường trẻ em sẽ mất nhiều thời gian hơn để xây dựng dựa trên các mũi tiêm được cung cấp cho đến nay.

Đến nay, việc triển khai các mũi vắc xin COVID-19 tăng cường nhắm vào cả vi rút SARS-CoV-2 gốc và chủng Omicron ở Mỹ đã giảm so với tỷ lệ năm ngoái dù có nhiều người đủ điều kiện để tiêm hơn.

Pfizer không mong đợi việc mua vắc xin COVID-19 sẽ được chuyển giao cho khu vực tư nhân "sớm nhất là đến quý 1.2023". Động thái này phụ thuộc vào việc nguồn cung theo hợp đồng của chính phủ Mỹ đang cạn kiệt.

Bài liên quan
CEO Pfizer mắc COVID-19 lần hai, chưa tiêm vắc xin lưỡng trị mới
Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer, vừa cho biết ông có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhu cầu giảm với vắc xin COVID-19 tăng cường khiến giá tăng cao