Trang web China Military của Trung Quốc đưa tin Trung Quốc và Nga dự kiến tổ chức cuộc tập trận hải quân thường niên mang tên “Phối hợp hàng hải 2016” (Joint-Sea 2016) trên Biển Đông vào tháng 9 tới.
Tại cuộc họp báo hôm 30.6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm phát biểu Trung Quốc và Nga đang xem xét cuộc tập trận chung nhưng không cung cấp thêmthông tin chi tiết.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ghi nhận như các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, trước đây hạm đội Bắc Hải và hạm đội Đông Hải của Trung Quốcchịu trách nhiệm trong những lần tập trận hải quân giữa Trung Quốc và Nga.
Do đó lần này có thể hạm đội Nam Hải sẽ chịu trách nhiệm trong tập trận hải quân trên Biển Đông.
Trung Quốc và Nga đã tiến hành sáu cuộc tập trận hải quân chung từ năm 2005. Lần đầu tiên Trung Quốc đứng ra tổ chức tập trận hải quân chung Trung-Nga vào năm 2012.
Năm 2015, Bắc Kinh và Moscow đã tổ chức một cuộc tập trận hải quân với bài tập tấn công và đổ bộ vào vùng biển Nhật và một cuộc tập trận hải quân khác nhỏ hơn ở Địa Trung Hải. Đó là hai trong nhiều trao đổi quân sự song phương giữa hai nước.
Nga và Trung Quốc cũng đã tham gia các cuộc tập trận ba bên và đa phương dưới sự chủ trì của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Theo tạp chí The Diplomat, thông tin về cuộc tập trận chung hải quân giữa Nga và Trung Quốc được công bố vào lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực The Hague (Hà Lan) chuẩn bị công bố phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Trong vài tháng qua, quân đội Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.
Ví dụ ngày 5.7, Trung Quốc đã đơn phương tổ chức cuộc tập trận hải quân trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Hồi tháng 5 Trung Quốc cũng đã tổ chức tập trận trong phạm vi bao trùm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã cam kết tăng cường số lượng các cuộc diễn tập quân sự trong năm 2016.
Giữa Trung Quốc và Nga không phải là liên minh quân sự chính thức nên quá trình hợp tác giữa hải quân hai nước còn hạn chế và không thể so sánh với các cuộc diễn tập tương tự do NATO tổ chức, đặc biệt là tiến hành các chiến dịch quân sự phối hợp phức tạp.
Tạp chí The Diplomat nhận định lý do chính ẩn sau các cuộc tập trận Trung-Nga chủ yếu mang tính chất chính trị hơn là thực tiễn.
Thông qua các cuộc tập trận chung, mục đích của hai nước chỉ muốn nhấn mạnh quan hệ đối tác an ninh đang phát triển.
Minh Thùy(theo The Diplomat)