Những tin tức xấu đang dồn dập xảy đến với nền kinh tế Nga ngay sau thời điểm nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit, diễn ra, sự kiện mà Nga phần nào là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất tại châu Âu về lâu dài.

Sức chịu đựng của kinh tế Nga đã tới giới hạn?

Nhàn Đàm | 08/07/2016, 09:53

Những tin tức xấu đang dồn dập xảy đến với nền kinh tế Nga ngay sau thời điểm nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit, diễn ra, sự kiện mà Nga phần nào là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất tại châu Âu về lâu dài.

Điều đáng nói nhất ở thời điểm hiện tại là việc những tin tức tồi tệ về kinh tế lại đang xảy đến ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Nga vào tháng Chín tới, và nó hoàn toàn có thể trở thành chìa khóa cho một sự xáo trộn lớn trong chính trường Nga trong tương lai những năm sắp tới, trong đó đảng Nước Nga thống nhất của tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng sút giảm phiếu ủng hộ một cách nghiêm trọng do không thành công trong việc cải thiện nền kinh tế. Sau hơn hai năm dài chịu đựng bền bỉ, có lẽ đã đến lúc sức chịu đựng của kinh tế Nga tới giới hạn cuối cùng.

Không hẹn mà gặp, trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Nga vào tháng Chín sắp tới, các tin tức không lấy gì làm tươi sáng đang cùng lúc ập đến với nền kinh tế xứ sở bạch dương. Chỉ số giá hàng hóa tại nền kinh tế Nga đã tăng lên mức 7,5% trong tháng Sáu sau khi chính phủ Nga đã thành công trong việc gìn giữ nó ở mức tăng 7,3% trong vòng ba tháng trước đó.

Những lo ngại về lạm phát cũng đang ngày càng nhiều hơn trong xã hội Nga, theo kết quả khảo sát số người dân cho rằng lạm phát đang là nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế đã tăng lên mức 11% trong tháng Tư và tháng Năm, trong khi tỷ lệ này chỉ là khoảng 5% vào tháng Ba trước đó. Chi đầu tư công của chính phủ vẫn tiếp tục sụt giảm trong hàng loạt các lĩnh vực trọng yếu, bao gồm y tế và giáo dục, khiến cho sức chịu đựng của người dân trong xã hội tiếp tục sụt giảm khá mạnh.

Không phải ngẫu nhiên khi cách đây ít ngày, đích thân tổng thống Putin đã công khai bày tỏ thái độ giận dữ trước việc một nhóm thanh niên nhà giàu Nga phô trương các tài sản đắt giá như một sự khoe khoang, trong đó ông Putin lên án đó là sự bất đạo đức trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn, và đại đa số người dân đang phải thắt lưng buộc bụng.

Tuy nhiên, những tin tức tồi tệ nhất chưa dừng lại ở đó. Theo tuyên bố của Bộ tài chính Nga, thì một trong hai quỹ đầu tư quốc gia của nước này sẽ cạn kiệt vào năm tới do liên tục phải bù đắp vào những khoản thâm hụt ngân sách của chính phủ từ năm 2014 đến nay. Ở thời điểm hiện tại, ngoài quỹ dự trữ ngoại hối có trị giá khoảng hơn 300 tỷ USD, thì Nga còn có 2 quỹ đầu tư quốc gia đóng vai trò những quỹ dự trữ ngoại tệ khác là: Reserve Fund (có tổng tài sản khoảng 87 tỷ USD thời điểm năm 2014), và National Wealth Fund (có trị giá 73 tỷ USD vào thời điểm hiện tại).

Hiện tại, quỹ Reserve Fund được Bộ tài chính Nga công bố sẽ cạn kiệt vào năm 2017, điều này có nghĩa là mức thâm hụt ngân sách chính phủ của Nga trong hơn hai năm qua ít nhất là gần 87 tỷ USD, do hệ quả từ việc giá dầu sụt giảm mạnh và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Việc một trong hai quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất của Nga sẽ cạn kiệt vào năm tới là một đòn mạnh giáng vào uy tín về khả năng điều hành nền kinh tế của chính phủ Nga của tổng thống Vladimir Putin. Nó đang cho thấy chính phủ Nga không thể có giải pháp để tự cân đối ngân sách, và đang duy trì sự ổn định nền kinh tế bằng cách bào mòn dần các quỹ đầu tư quốc gia vốn dùng để bảo đảm an sinh xã hội.

Ngoài quỹ Reserve Fund, thì quỹ đầu tư quốc gia còn lại là National Wealth Fund cũng sẽ chỉ còn khoảng 7,8 tỷ USD vào năm 2019. Quỹ National Wealth Fund được dùng để thanh toán lương hưu cho người dân Nga, và việc nó sụt giảm quá mạnh có thể tạo ra những bất ổn xã hội nghiêm trọng trong tương lai, và có thể khiến uy tín và sự ủng hộ với chính phủ Nga hiện tại giảm sút nghiêm trọng.

Những động thái giải quyết bài toán nan giải này của chính phủ Nga cũng không lấy gì làm khả quan lắm. Theo bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov, thì giải pháp của chính phủ Nga để giải quyết vấn đề này trong tương lai là gia tăng các khoản vay trong nước kể từ năm 2017 để bù đắp thâm hụt ngân sách và bào mòn các quỹ đầu tư quốc gia này.

Theo ông Siluanov, Bộ tài chính Nga sẽ tăng cường các khoản vay nội địa, từ mức 300 tỷ Rup trong năm nay lên mức 1,29 ngàn tỷ Rup vào năm 2017. Ngoài ra Nga cũng sẽ tìm cách tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế, tuy nhiên vẫn sẽ đặt trọng tâm vào các khoản vay trong nước như một biện pháp để tránh sức ép gia tăng nợ công nước ngoài.

Nói cách khác, chính phủ Nga trong tương lai sẽ tìm cách thu hút tiền nhàn rỗi trong xã hội để chi vào các hoạt động đầu tư của chính phủ, tránh việc lạm dụng quá đà các quỹ dự trữ ngoại tệ.

Điều này được đánh giá không mấy khả quan, do nền kinh tế Nga hiện nay đang không lấy gì làm khỏe mạnh sau hai năm bị các lệnh trừng phạt kinh tế và giá dầu sụt giảm tàn phá, tiền nhàn rỗi trong xã hội có lẽ không còn nhiều, và việc chính phủ Nga tìm cách huy động tiền nhàn rỗi có thể trở thành một động thái mang tính vắt kiệt nền kinh tế Nga vốn đã quá kiệt quệ. Thậm chí nó có thể tạo ra tác dụng ngược, đẩy nền kinh tế Nga vào khủng hoảng nhanh hơn.

Việc một trong hai quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất của Nga đã cạn kiệt do liên tục phải bù đắp thâm hụt ngân sách chính phủ trong hai năm qua, cộng với việc chính phủ Nga có ý định huy động các nguồn vốn vay trong nước trong bối cảnh nền kinh tế đã kiệt quệ, có thể là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế xứ sở bạch dương đã sắp đi tới giới hạn chịu đựng cao nhất có thể.

Bộ trưởng tài chính Anton Siluanov tuyên bố với báo chí việc chương trình vay trong nước sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2017, rằng chính phủ Nga sẽ không bao giờ cho phép khả năng quỹ dự trữ ngoại tệ còn lại (khoảng trên 300 tỷ USD) của nước này suy giảm sau sự cạn kiệt của một trong hai quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất.

Nói cách khác, quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 300 tỷ USD còn lại là chỗ dựa duy nhất và như một sự bảo hiểm cuối cùng của nền kinh tế Nga trong tương lai. Và để duy trì sự bảo hiểm cuối cùng còn lại đó, Nga sẵn sàng chấp nhận việc huy động nguồn lực tài chính từ nền kinh tế vốn đã rất kiệt quệ của mình.

Nhàn Đàm (theo Reuters, Bloomberg/CafeF)
Bài liên quan
Ứng viên vị trí đặc phái viên của ông Trump phụ trách vấn đề Nga - Ukraine
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc chọn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell làm đặc phái viên phụ trách vấn đề Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức chịu đựng của kinh tế Nga đã tới giới hạn?