Một nhóm các học sinh trung học được tuyển thẳng để bắt đầu được đào tạo như những nhà khoa học nghiên cứu vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trẻ nhất Trung Quốc.

Trung Quốc tuyển trẻ vị thành niên cho chương trình phát triển vũ khí AI

09/11/2018, 20:23

Một nhóm các học sinh trung học được tuyển thẳng để bắt đầu được đào tạo như những nhà khoa học nghiên cứu vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trẻ nhất Trung Quốc.

31 học sinh vừa được Đại học Công nghệ Bắc Kinh (BIT) lựa chọn tham gia Chương trình thử nghiệm hệ thống vũ khí thông minh - Ảnh: BIT

Đại học Công nghệ Bắc Kinh (BIT) thông báo trường này vừa chọn ra 27 nam sinh cùng 4 nữ sinh (chỉ mới 18 tuổi hoặc nhỏ hơn) từ hơn 5000 ứng viên tham gia “chương trình thử nghiệm hệ thống vũ khí thông minh” kéo dài bốn năm.

BIT là một trong những đơn vị nghiên cứu vũ khí hàng đầu của Trung Quốc. Chương trình mà đại học này ra mắt là minh chứng cho thấy họ đang đặt trọng tâm vào phát triển công nghệ AI cho mục đích quân sự.

Theo một giáo sư tham gia công tác tuyển chọn: “Bọn trẻ đặc biệt thông minh, nhưng thông minh thôi chưa đủ. Chúng tôi còn tìm kiếm nhiều phẩm chất khác như tư duy sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu, kiên trì khi đối mặt thử thách. Đam mê phát triển vũ khí mới là yêu cầu bắt buộc, và các em phải yêu nước”.

Mỗi học sinh sẽ được hai nhà khoa học vũ khí cấp cao hướng dẫn, trong đó một người có nền tảng học thuật và người còn lại làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng. Sau khi hoàn thành một khóa đồ án ngắn hạn trong học kỳ đầu tiên, các em phải chọn chuyên ngành như kỹ thuật cơ khí, điện tử hay thiết kế vũ khí tổng thể. Tiếp theo học sinh được đưa đến những phòng thí nghiệm quốc phòng liên quan đến chuyên ngành mình chọn để phát triển kỹ năng thông qua trải nghiệm thực tế.

Qi Yishen, một trong 27 nam sinh BIT lựa chọn, cho biết cậu có đam mê với súng cùng nhiều vũ khí khác từ khi còn bé. Em thích đọc sách và tạp chí về chủ đề này. Qi quyết định tham gia chương trình của BIT vì cha em muốn con làm việc trong ngành quốc phòng.

Sau khi tốt nghiệp, các học sinh dự kiến sẽ tiếp tục chương trình tiến sĩ và trở thành những nhà lãnh đạo tiếp theo của chương trình vũ khí AI Trung Quốc, BIT cho biết.

Nhà nghiên cứu Eleonore Pauwels của đại học Liên Hợp Quốc (UNU) cho biết Mỹ cũng có vài chương trình tương tự, chẳng hạn như của Cơ quan phát triển quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA). Họ hoạt động bí mật, chỉ tuyển nhà khoa học thành danh.

Trái lại, chương trình BIT lại tập trung đào tạo học sinh cách vũ khí hóa AI. Theo bà Pauwels thì hành động này đầy tham vọng và rất đáng ngại.

Khi được hỏi về chương trình BIT tổ chức, phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố dù tích cực phát triển AI nhằm phục vụ cho phát triển đất nước nhưng nước này ý thức được tính nguy hiểm của vũ khí tự hành, do đó vẫn tiếp tục thúc đẩy nỗ lực tìm ra các biện pháp phòng ngừa.

Nhà nghiên cứu Pauwels lại không tin như vậy. Bà cho biết chiến lược quốc gia về AI của cường quốc châu Á theo đuổi kết hợp dân - quân sự, có nghĩa một nguyên mẫu AI có thể dùng cho cả hai mục đích.

Giáo sư khoa học máy tính Stuart Russell tại đại học California gọi chương trình BIT tổ chức là một ý tưởng tồi tệ.

“Máy móc không bao giờ được phép quyết định giết người. Những loại này sẽ sớm trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hơn nữa, chúng làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh. Tôi mong các học sinh tham gia chương trình BIT được xem bộ phim Slaughterbots (với nội dung vũ khí tự hành được sử dụng để thanh toán một nhóm sinh viên bất đồng chính kiến)”, giáo sư Russell phát biểu.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tuyển trẻ vị thành niên cho chương trình phát triển vũ khí AI