Ngày 8.11, tại TP.Đà Nẵng, hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức đã khai mạc.

Tìm giải pháp hợp tác an ninh và phát triển khu vực Biển Đông

08/11/2018, 17:13

Ngày 8.11, tại TP.Đà Nẵng, hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức đã khai mạc.

Các đại biểu tại hội thảo - Ảnh: dangcongsan.vn

Tham dự hội thảo có 220 đại biểu, gồm có 89 học giả quốc tế, 31 đại diện đến từ 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng 110 phóng viên đến từ 60 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước.

Tại hội thảo lần này, 32 tham luận sẽ được trình bày; tình hình Biển Đông, động thái của các nước trong 10 năm qua sẽ được các đại biểu thảo luận, đánh giá toàn diện. Các chủ đề lớn trong chương trình nghị sự bao gồm: xu hướng phát triển và cục diện khu vực trong thập niên qua, vị trí của Biển Đông trong khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á-Thái Bình Dương, nội hàm chính sách của các nước lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các tác động đối với khu vực, các biện pháp hòa bình quản lý và giải quyết tranh chấp. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 8 và 9.11.2018.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông sau 10 năm tổ chức đã có được khung chương trình nghị sự ổn định, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông, góp phần nâng cao nhận thức của giới hoạch định chính sách và công chúng về vấn đề Biển Đông.

Xét từ góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả.

PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học, cầu thị”, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng bày tỏ hy vọng các đại biểu sẽ trao đổi thẳng thắn về thực trạng tình hình Biển Đông, đề xuất các sáng kiến hướng đến kiểm soát tốt hình hình, từng bước xây dựng một Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc sống của 300 triệu người ven biển, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực.

Phát biểu dẫn đề tại phiên khai mạc hội thảo, Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee (Tòa án Quốc tế về Luật biển - ITLOS) đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo quốc tế về Biển Đông. Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee cho rằng trong 10 năm qua, chuỗi hội thảo quốc tế về Biển Đông đã trở thành một diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở Biển Đông. Theo ông, sự hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên 4 thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát.

Vị đại diện của ITLOS khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất; đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.

Trước đó, tối 7.11, phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đây là trách nhiệm không chỉ của các quốc gia ven biển mà còn là của tất cả các quốc gia liên quan.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn các học giả tham dự hội thảo Biển Đông lần thứ 10 cùng thảo luận, gợi ý các cơ chế phù hợp duy trì an ninh, thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông và cả khu vực rộng lớn hơn, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của tất cả các quốc gia; đề xuất các giải pháp công bằng, hợp lý, bền vững nhằm giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Thạch Châu

Bài liên quan
Hội thảo khoa học '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'
Chiều 15.11, Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp hợp tác an ninh và phát triển khu vực Biển Đông