Trung Quốc tìm cách tăng nhập khẩu than đá từ nhiều quốc gia nhưng vẫn không thể nào bù đắp thiếu hụt mà nguồn cung từ Úc để lại.

Trung Quốc trả giá vì tẩy chay than đá Úc

Cẩm Bình | 10/09/2021, 12:37

Trung Quốc tìm cách tăng nhập khẩu than đá từ nhiều quốc gia nhưng vẫn không thể nào bù đắp thiếu hụt mà nguồn cung từ Úc để lại.

Cung giảm đẩy giá than đá tại Trung Quốc tăng vọt buộc giới chức nước này phải ra lệnh cấm một sàn giao dịch địa phương nhằm tránh tình trạng đầu cơ xảy ra vì sàn giao dịch này có ảnh hưởng cập nhật giá lẫn tin tức thị trường.

Giá than tăng trở thành nỗi lo mới với Bắc Kinh, bên cạnh chi phí nguyên liệu quá cao gây tổn hại cho không ít doanh nghiệp.

Hội đàm trực tuyến với Phó thủ tướng Mông Cổ Amarsaikhan Sainbuyan hồi đầu tuần qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đề cập vấn đề mua thêm khoáng sản và nông sản Mông Cổ.

Kể từ khi ban hành lệnh cấm nhập than đá Úc vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc tìm đến nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu khác trong đó có láng giềng Mông Cổ nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa tăng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

tcoal.jpg
Trung Quốc phải dựa vào nguồn cung than đá nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa - Ảnh: AP

Mông Cổ thay thế Úc trở thành nguồn cung than lớn nhất của Trung Quốc từ nửa cuối năm 2020, nhưng hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa 2 nước thường xuyên bị gián đoạn vì COVID-19.

Truyền thông địa phương đưa tin ngày 21.8, hải quan thị trấn Ganqimaodu thuộc Nội Mông đình chỉ nhập than từ Mông Cổ 2 tuần phục vụ phòng chống dịch. Khoảng 50% lượng than cốc Mông Cổ xuất sang phải đi qua đây.

Động thái đình chỉ nhập khẩu lập tức đẩy giá than cốc, than luyện, than nhiệt tăng lên mức kỷ lục. Tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới cũng là vấn đề Bộ trưởng Vương vừa thảo luận với Phó thủ tướng Sainbuyan.

“Trung Quốc hy vọng 2 bên hợp tác đảm bảo giao thương thông suốt tại biên giới trên cơ sở ngăn chặn hiệu quả đại dịch”, Bộ trưởng Vương phát biểu. Phó thủ tướng Sainbuyan đề xuất Trung Quốc tăng số lượng xe tải chở than đồng thời triển khai vận chuyển bằng đường sắt.

Theo số liệu hải quan Trung Quốc vừa công bố, nhập khẩu than tháng 8 của nước này giảm 7% xuống còn 28,05 triệu tấn.

Than nhiệt cùng than cốc Úc chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu than của Trung Quốc. Trung Quốc không sản xuất đủ than cho nhu cầu nội địa.

Nhà phân tích Hoàng Kiện Tương, thuộc đơn vị nghiên cứu thị trường Bestanalyst, đánh giá nguồn cung từ các quốc gia khác không thể bù đắp nguồn cung than Úc mất đi, trong khi năng lực nội địa yếu hơn dự báo do nhiều mỏ than không bị cơ quan chức năng giám sát đã cắt giảm sản lượng, trong khi việc khai thác quá mức lại bị cấm.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết, họ sẽ không dung thứ cho việc tích trữ hay đầu cơ than và sẽ “không khoan nhượng” đối với các hoạt động buôn bán bất hợp pháp.

Theo công ty chứng khoán Khai Nguyên, giá than tuần đầu tháng 9 ở một số khu vực thuộc trung tâm giao dịch than Sơn Tây đã vượt qua mốc 4.000 Nhân dân tệ (620 USD) mỗi tấn – tăng hơn 45% so với một tháng trước.

Đến tuần này, Ủy ban Cải cách - Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) quyết định đóng nền tảng cung cấp giá cả cùng 2 tài khoản Wechat của Trung tâm Giao dịch than Ngọc Lâm với lý do họ cung cấp thông tin sai, không được phép thu thập, biên tập và cung cấp tin tức.

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc trả giá vì tẩy chay than đá Úc