Phán quyết của một tòa án tại Bắc Kinh buộc người chồng phải trả tiền làm nội trợ suốt 5 năm cho vợ đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Nhân vật chính trong vụ việc là một phụ nữ họ Wang cùng chồng họ Chen. Họ gặp nhau năm 2010 rồi kết hôn vào 5 năm sau đó. Năm 2018 cả hai bắt đầu sống ly thân, con trai sống cùng mẹ.
Đến năm 2020 Chen đệ đơn ly hôn lên tòa án quận Phòng Sơn (Bắc Kinh). Wang lúc đầu không muốn nhưng cuối cùng vẫn chấp thuận, đồng thời đòi phân chia tài sản và bồi thường tài chính vì chồng không hề giúp làm nội trợ hay chăm sóc con cái. Cô còn cáo buộc Chen ngoại tình.
Khi cho phép ly hôn, tòa trao quyền nuôi con cho Wang và yêu cầu Chen chu cấp Wang 2.000 nhân dân tệ (300 USD) mỗi tháng, bồi thường 50.000 tệ (7.700 USD) cho việc nội trợ mà Wang đã làm 5 năm qua.
Phán quyết trên làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề định giá trị tiền tệ cho hàng loạt công việc không được trả công - chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm - tại nhà. Một cư dân mạng bình luận: “Đúng là phải trả tiền, nhưng 50.000 tệ quá ít. Bạn hoàn toàn kiếm được nhiều hơn thế nếu ra ngoài làm việc nửa năm”.
Một người khác lại tỏ ý phản đối: “Tại sao nội trợ lại được so sánh như công việc dọn phòng khách sạn? Bản thân cô ấy cũng hưởng thành quả từ việc nội trợ mà”.
Luật sư Zhong Wen chuyên xử lý án ly hôn tại tỉnh Tứ Xuyên cho biết phán quyết dựa trên luật hôn nhân vừa có hiệu từ ngày 1.1.2021: “Có điều quy định bên nào đảm nhiệm nhiều việc hơn trong nuôi dạy con cái, chăm sóc người già và hỗ trợ công việc của nửa kia thì được quyền đòi bồi thường lúc ly hôn. Hai bên tiến hành thương lượng, nếu thương lượng bất thành thì tòa án xử lý”.
Theo luật sư Zhong, phán quyết đem lại lợi ích về xã hội lẫn pháp lý vì thừa nhận giá trị của nội trợ. Tuy nhiên ông cũng nhận xét mức bồi thường 50.000 tệ quá thấp.
Vụ ly hôn ở quận Phòng Sơn còn khiến vấn đề nữ quyền trở thành tâm điểm chú ý. Một người dùng Weibo viết: “Chuyện này cảnh báo chúng ta đừng làm bà nội trợ. Bạn sẽ tụt lại so với xã hội, không có con đường sự nghiệp, việc bạn làm bị xem là vô nghĩa vì chúng không có giá trị tiền tệ. Tồi tệ hơn là bạn chỉ biết lệ thuộc chồng”.
Theo khảo sát do Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) thực hiện, phụ nữ vẫn đảm nhiệm số việc nhà hay chăm sóc con cái, người già không được trả công nhiều hơn gấp đàn ông 2,5 lần.
Riêng tại Trung Quốc, báo cáo công bố tháng 7.2020 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế nước này không đi kèm với làm giảm khoảng cách giới trong thị trường lao động: lao động nam giới vẫn chiếm hơn 85% trong khi tỷ lệ lao động nữ ngày một giảm.